Tâm sự cay đắng của bố mẹ nhà vô địch SEA Games "bị hắt hủi"

Tiên Lâm |

Nguyễn Thị Nụ đang kêu cứu, cô cho rằng mình đang bị chính cơ quan "hắt hủi". Đúng sai chưa rõ nhưng tại quê nhà, thông tin ấy khiến bố mẹ cô vô cùng đau khổ.

Nỗi đau xé lòng của người mẹ

Bà Hồng, mẹ Nguyễn Thị Nụ tiếp chúng tôi sau buổi làm đồng về. Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc, những giọt nước mắt đầy đớn đau khi nói về cô con gái út tài năng mà bạc phận.

“Nó lên đấy từ năm học lớp 5, lớp 6. Gần 20 năm rồi còn gì nữa. Đi đâu thì cũng đi rồi. Huy chương nào thì cũng có rồi, giờ nó về với hai bàn tay trắng, với thương tật trên người.

Nhìn con đi bước thấp bước cao mỗi khi bước vào nhà, lòng tôi như bị xé nát. Một chân nó hỏng rồi, mổ mấy lần rồi mà cũng có được đâu, vẫn đau lắm. Cái đinh đóng trong chân bây giờ lồi hẳn ra, mỗi khi trở lạnh lại đau buốt".

Theo bà Hồng, gia đình chỉ biết Nụ phải đi nhổ cỏ thông qua một người thân.

"Bao nhiêu năm tôi không hề biết, cho đến khi đứa em họ tình cờ hỏi tôi “Cái Nụ nghe nói huy chương này nọ, sao lại phải đi nhổ cỏ, đi dọn vệ sinh?”.

Bao nhiêu năm đi làm, bao nhiêu năm mang vẻ vang cho đất nước. Nói thật, tôi cho con về thẳng luôn. Có chết đói cũng cho con về.

Rồi nghe nói nó đi làm lại, không phải nhổ cỏ nữa. Được mấy năm thì đợt rồi không biết khúc mắc kiểu gì, nó bảo con làm đơn xin nghỉ. Nó tâm sự mình thì yếu rồi, chân thì đau rồi, ra đến sân các bà ý lại khích bác, mỉa mai. Nó tự ái nên xin nghỉ.

Nếu bắt nó phải nghỉ, thì thật là bất công cho nó quá. Nghĩ mà cay quá, mà đau quá, con ạ! Về nhà bây giờ, chân cẳng như thế, làm gì được nên ăn. Bố mẹ có sống đổi lốt được đâu để chịu khổ thay con?"

Khi lên đỉnh cao, đã phục vụ hết mình rồi, hy sinh vì tổ quốc, phấn đấu để mang lại màu cờ sắc áo cho các môn thể thao, đất nước, khi họ lành lặn, thì nên có bảo hiểm, nên có tổ chức, hiệp hội những người hoạt động để xây dựng 1 cái quỹ cho các VĐV nói chung, khi về già, gặp khó khăn...

HLV Nguyễn Thành Vinh

Thực tế, gia đình cũng từng thu xếp công việc ở quê cho Nụ, nhưng cô vẫn cố gắng theo đuổi đam mê với điền kinh.

"Trước đây, tôi cũng bảo nó về đi, mẹ xin việc ở huyện cho.

Về nhà có mẹ, có con, có khổ cũng có nhau, nhưng nó bảo không hợp, về đi làm cũng không đúng chuyên môn.

Mà hai chục năm nay tập tành, thi đấu, có biết làm gì khác đâu".

Thương xót con gái, bố mẹ Nụ cũng đau đáu chuyện làm sao để con được mổ, được chữa vết thương ở chân.

"Hôm trước có cô phóng viên cũng về hỏi chuyện. Cô ấy hỏi liệu nhà mình có tiền để đi mổ cho nó không. Tôi thì làm ruộng, trồng rau, bố nó thì đi làm thêm, lấy đâu ra hàng trăm triệu mà mổ cho con bây giờ, hả cậu?"

Chỉ mong con được tiếp tục cống hiến cho thể thao

Ông Nguyễn Duy Tuyết, bố Nụ, hàng ngày thức dậy từ 2 rưỡi sáng để làm việc ở lò bánh mỳ gần nhà. Công việc sẽ được kết thúc vào khoảng 11 giờ trưa.

Năm nay đã 59 tuổi, vốn từng là một vận động viên, tuy rằng sự nghiệp chỉ dừng lại ở mức thi đấu cho đơn vị công tác, ông Tuyết không nói nhiều về nỗi đau gia đình phải gánh chịu khi Nụ phải rơi vào hoàn cảnh hiện tại.

Thay vào đấy là câu chuyện xoay quanh công việc của cô con út.


Ngày làm việc của bố Nụ - ông Nguyễn Duy Tuyết bắt đầu từ 2 rưỡi sáng

Ngày làm việc của bố Nụ - ông Nguyễn Duy Tuyết bắt đầu từ 2 rưỡi sáng

Theo ông, vốn theo nghiệp thể thao từ lúc còn rất trẻ, và đạt được nhiều thành công khá sớm, Nụ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với công việc sau khi thi đấu đỉnh cao.

Sự việc ngày hôm nay, chắc chắn phải đến từ sự khúc mắc từ cả hai phía. Ông chỉ mong muốn báo chí sẽ làm cầu nối để Nụ cùng ngồi lại với các lãnh đạo của ngành nhằm giải tỏa khúc mắc, giúp cô tiếp tục được công tác về thể thao, theo đúng chuyên môn của mình.

“Hai lần nó phải phẫu thuật, một lần ở viện 108, một lần ở bệnh viện thể thao, các lãnh đạo, đồng nghiệp cũng đến thăm hỏi, quan tâm con tôi rất nhiều.

Nụ rời vòng tay gia đình từ rất sớm. Con đi theo đường thể thao, chúng tôi chỉ biết trông cậy vào các thầy cô, lãnh đạo giúp cháu có được công việc, chứ nếu không, nó biết làm gì bây giờ?”, ông Tuyết tâm sự.

Không có giọt nước mắt nào rơi, nhưng chắc hẳn trong sâu thẳm của lòng mình, điều bố Nụ mong ước nhất là một lối thoát, mà để mở ra nó, cần lắm một cuộc trao đổi thẳng thắn, cầu thị từ bản thân Nụ, gia đình và cơ quan chủ quản, để gỡ hết những khúc mắc vốn đã chất chồng theo năm tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại