Trong quá khứ, NHM Việt Nam từng chứng kiến Lê Huỳnh Đức khoác lên mình chiếc áo đấu của Lifan Trùng Khánh thi đấu ở C-League, hay Lê Công Vinh đến với Leixoes trong thời gian tu nghiệp ở Bồ Đào Nha và chơi cho Sapporo tại J-League 2.
Nếu kể thêm những trường hợp được các CLB Singapore, Indonesia theo đuổi như Thạch Bảo Khanh, Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết hay mới nhất là các cầu thủ HAGL JMG thì bóng đá Việt Nam cũng không hiếm nhân tài.
Tuy nhiên, tất cả những cầu thủ kể trên đều không thành công theo nghĩa tích cực nhất của từ này. Lê Huỳnh Đức được cho là giúp Lifan… bán xe máy trên thị trường Việt Nam.
Lê Công Vinh dựa vào quan hệ thân thiết với HLV Calisto, còn việc sang Nhật là ý đồ làm thương hiệu từ xa của Sapporo khi đội bóng này có sản phẩm bia đang tiêu thụ ở dải đất hình chữ S.
HLV Miura
Dưới góc phân tích của mình, HLV Miura thẳng thắn chỉ ra điểm yếu chết người khiến cầu thủ Việt Nam khó lòng thành công: Thể lực!
Ông nhận định chính các cầu thủ Hàn Quốc hay Nhật Bản trước đây cũng yếu ở vấn đề thể lực và không đủ khả năng vươn ra nước ngoài chinh chiến.
Nhưng sau 25 năm, 2 cường quốc bóng đá châu Á này đã cải thiện thể lực rõ rệt và có nhiều ngôi sao tỏa sáng ở các sân chơi khốc liệt tại châu Âu.
Với cầu thủ Việt Nam, HLV Miura cho rằng trình độ kĩ thuật không thua kém gì Nhật Bản và Hàn Quốc vấn đề cũng chỉ là cái thiện thể lực.
Bảo Khanh từng từ chối các CLB Singapore không dưới 2 lần
Quan điểm của HLV Miura được chính “người trong cuộc” Lê Công Vinh đồng tình. Anh cảm nhận rõ nhất sự thua thiệt này trong những tháng ngày khó khăn trên đất Bồ.
Giữa các cầu thủ châu Âu to cao, sức vóc tốt, hành trình ở Leixoes thực sự là cuộc chiến với Công Vinh. Đó cũng là lý do vì sao, anh ít được HLV lựa chọn dù chuyên môn không thua kém gì.
Chuyện thể lực cũng chính là rào cản lớn nhất khiến Thạch Bảo Khanh, Phạm Thành Lương hay Nguyễn Văn Quyết lần lượt từ chối thiện chí của các CLB nước ngoài.
Có lẽ chỉ khi nào điểm yếu ấy được cải thiện dứt điểm, bóng đá Việt Nam mới mong vươn mình ra châu lục!