Hiệu ứng “chân gỗ”
Bên cạnh những yếu tố liên quan tới dấu ấn chỉ đạo của HLV (sử dụng nhân sự, chọn sơ đồ chiến thuật, lối chơi…) thì một điểm yếu “chết người”, “căn bệnh cố hữu” của bóng đá Việt Nam thời gian gần đây cả ở U19 hay ĐTQG chính là khả năng dứt điểm quá kém.
Minh chứng là trận đấu mới nhất mà ĐTVN vừa thắng theo cách không thể may mắn hơn trước Đài Loan với tỷ số 2-1.
Mặc dù phải đối diện với địch thủ yếu, có hàng phòng ngự không thuộc dạng “chất” nhưng các tuyển thủ Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọc thủng lưới đối phương.
Phút thứ 7 trận đấu, “học trò cưng” của Miura là tiền vệ Vũ Minh Tuấn có pha dứt điểm tuyến hai ở vị trí rất thuận lợi và hoàn toàn không bị hậu vệ đối phương áp sát. Nhưng “chân gỗ” này lại tung ra một pha sút bóng “giời ơi đất hỡi” vừa nhẹ lại quá thiếu chính xác.
Đến phút 30, cơ hội rõ rệt được đặt lên chân của Thành Lương. Nhưng cầu thủ vốn rất “dị” và được ví như “Messi Việt Nam” lại quá thiếu chính xác trong pha dứt điểm cuối cùng, khiến bóng đi chệch khung thành cả vài mét.
Phút 59, một cầu thủ khác là Văn Quyết cũng biến thành “chân gỗ” khi có pha dứt điểm vọt xà ngang ở vị trí rất thuận lợi ngay trong vòng cấm.
Quay ngược thời gian, nhìn lại trận thua thảm của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan với tỷ số 6-0.
Mặc dù bị đối phương “đánh một set tennis” trên đất Lào nhưng đó là trận đấu mà U19 Việt Nam chẳng phải không có cơ hội. Chúng ta hoàn toàn có thể ghi được ít nhất một bàn thắng danh dự.
Nhưng các cơ hội ngon ăn cứ trôi qua trước mũi giày của những “chân gỗ” nên tất cả vẫn chỉ là con số “0”.
Đầu hiệp 2 (khi đang bị dẫn 0-1), Đức Chinh có một cơ hội quá ngon ăn ngay trước vạch 5m50 sau pha tạt bóng của đồng đội.
Rất có thể tình huống đó, Chinh chỉ cần chạm bóng là sẽ có bàn thắng. Tuy nhiên, “chân gỗ” này lại có pha đệm bóng hụt khiến cơ hội quá ngon ăn bị bỏ lỡ.
Hay như tình huống ở phút 82, cầu thủ vào thay người Tiến Linh có pha sút bóng ở khoảng cách thuận lợi trong vòng cấm nhưng cú sút bị đập trúng cột dọc.
Sau đó, hậu vệ Tấn Tài có pha lao vào đánh đầu ở cự ly cực gần nhưng bóng vẫn không chịu bay vào lưới.
Hay như một trận đấu trước đó nữa, khi U19 Việt Nam để U19 Malaysia cầm hòa 0-0, đó là trận đấu mà chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội.
Hàng tá tình huống ngon ăn được trao cho tiền đạo cắm Đức Chinh nhưng kể từ sút xa, sút gần, dứt điểm một chạm tới cầm bóng đột phá, tất cả đều thất bại.
Sau đó đến lượt Quang Hải có một số cơ hội dứt điểm nhưng tiền vệ này cũng “bó tay” trong việc đưa bóng vào lưới đối phương. Hệ quả là trận đấu khép lại không bàn thắng.
Rõ ràng cả ở ĐTQG và ĐT U19 Việt Nam, dấu hiệu “chân gỗ” đang có dấu hiệu ngày càng lan rộng.
Những lá chắn hoen rỉ
Không chỉ “tù” trên hàng công, hàng phòng ngự của cả hai ĐTQG và U19 Việt Nam đều thể hiện những dấu hiệu rất đáng báo động.
Ở trận đấu tối qua khi ĐTVN thắng 2-1 trước Đài Loan, hàng phòng ngự của Miura đã thể hiện quá nhiều sơ hở, khiến đối thủ mặc dù bị đánh giá rất yếu cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm khiến các CĐV Việt Nam phải "hú vía".
Thật may mắn khi các chân sút của Đài Loan cũng chẳng hề khá khẩm và cứ sút là … trượt.
Nhưng sau khi tung ra nhiều “lời đe dọa”, cuối cùng Đài Loan cũng sút tung lưới Việt Nam, ở cuối hiệp 2. Bàn thua bắt nguồn từ sai lầm "khó đỡ" ở hàng thủ.
Trong tình huống chống đá phạt, hàng tá bóng áo đỏ vây quanh những bóng áo xanh như thể kèm người rất chặt. Nhưng rốt cục, chúng ta để cầu thủ đối phương nhảy lên đánh đầu như chỗ không người.
Thật may mắn cho ĐTVN là ở những thời điểm cuối, chúng ta lại có được bàn thắng theo cách không thể “rùa” hơn, cũng từ một sai lầm ngớ ngẩn từ hàng thủ đội bạn.
Còn ở trận đấu của các đàn em U19 khi thất bại trước người Thái thì khỏi phải nói. Đó là trận đấu mà các cầu thủ phòng ngự áo đỏ đã thi đấu quá tệ, tới mức khó có thể tưởng tượng nổi. Và hậu quả là một trận thua thảm trên đất Lào.
Rõ ràng, bóng đá Việt Nam cấp độ ĐTQG và U19 đều đang gặp nhiều vấn đề đáng báo động ở cả hàng công và hàng phòng ngự.
Dẫu rằng những “căn bệnh” này đã là “mãn tính”, rất khó chữa và không phải một sớm một chiều nhưng cần chữa cho bằng được. Nếu không thì bóng đá Việt Nam sẽ rất khó làm nên chuyện dù các ông thầy có xoay sở thế nào đi chăng nữa.