Mọi việc bắt đầu từ khi hãng tin NBC News đăng tải một phóng sự về Austen Everett, cô gái 25 tuổi đã qua đời vì bệnh ung thư hạch non Hodgkin sau thời gian chơi bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo thế hệ 3 (3G).
Theo một báo cáo từ Nhà nghiên cứu Amy Griffin kiêm HLV CLB nữ Đại học Washington và U20 nữ Mỹ, thì tại Hoa Kỳ có khoảng 158 cầu thủ bị ung thư đã có thời gian dài thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo.
Mặt sân cỏ nhân tạo thế hệ 3 tại Mỹ được sản xuất từ nilon giả, cao su vụn và lốp xe cũ có chứa các thành phần độc hại thủy ngân, chì, thạch tín, benzen và thạch tín.
Tỷ lệ người Mỹ mắc ung thư khi chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo tăng vọt đã buộc các quan chức bóng đá vào cuộc điều tra.
Trong khi đó, các nhà sản xuất mặt cỏ nhân tạo tại Mỹ lại khẳng định hơn 50 nghiên cứu về chất liệu nilon, cao su vụn, lốp xe cũ là hoàn toàn thân thiện với con người và không hề tìm thấy những tác nhân sẽ gây ung thư trong các mẫu thử.
Phát ngôn viên của LĐBĐ thế giới (FIFA) khẳng định, chưa thể kết luận việc cầu thủ mắc ung thư là do tiếp xúc với các thành phần trong mặt sân cỏ nhân tạo nhưng theo dự kiến, FIFA sẽ sớm vào cuộc điều tra để làm sáng tỏ nghi ngại trên.
Tại Việt Nam, số lượng sân cỏ nhân tạo có thể lên đến con số hàng nghìn. Điều này đồng nghĩa với số người chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo có thể lên đến con số hàng trăm nghìn người.
Thông tin về việc sân cỏ nhân tạo có thể gây ung thư khiến nhiều người hâm mộ môn thể thao Vua không khỏi lo lắng.