1. Chiến thắng của Chelsea trước Liverpool trong trận bán kết Cúp Liên đoàn – thắng lợi giúp The Blues giành quyền chơi trận chung kết đầu tiên trong nhiệm kỳ 2 của Jose Mourinho, đang bị hạ thấp. Tờ Independent giật cái tít vỗ mặt: Chelsea bẩn thỉu (nasty) đang trở lại.
Tràn ngập trên tờ Daily Mail là hình ảnh Diego Costa giẫm lên chân Emre Can, đạp Skrtel, gây sự với Gerrard. Truyền thông Anh gọi Costa là gã côn đồ và coi những gì anh làm trong trận đấu với Liverpool là một… tội ác.
Hãy tự cảm nhận sự nực cười của truyền thông Anh qua những ví dụ sau:
Man United trong mùa bóng trước và vài trận mùa này thi thoảng trải qua những trận đấu vô cùng bế tắc. Họ phải phòng ngự tiêu cực và đẩy thủ thành De Gea vào thế phải trổ tài liên tục. Báo chí Anh gọi đó là nghệ thuật phòng ngự của Van Gaal.
Chelsea cũng chơi một vài trận đấu như vậy, chỉ khác là họ nhờ thế vào đến chung kết. Lối chơi của The Blues bị gọi là bẩn thỉu.
Trong mắt báo giới Anh, Diego Costa có nhiều biệt danh rất khác nhau...
Năm ngoái, khi Diego Costa bất chấp nguy hiểm cho bản thân, lao thẳng vào cột dọc để biến đường chuyền của một đồng đội ở Atletico Madrid thành bàn thắng, tờ Telegraph gọi anh là Diego-dũng-cảm. Họ khen ngợi tinh thần chiến đấu của Costa.
Vừa qua, khi Costa có một vài pha phạm lỗi với cầu thủ Liverpool, báo chí Anh coi anh là… tội phạm.
Truyền thông Anh, những kẻ khi Andy Murray chiến thắng thì gọi anh là "Tay vợt Vương Quốc Anh", khi Murray thất bại thì gọi anh bằng "Tay vợt người Scotland", luôn chơi trò hai mặt như vậy.
2. Tất cả đều tập trung vào tình huống Costa nhảy thẳng lên chân của Martin Skrtel mà không để ý rằng, bản thân hậu vệ của Liverpool cũng giơ chân phản đòn nhưng tiền đạo của Chelsea may mắn tránh được.
Người ta tập trung lên án Costa đá xấu, Chelsea thắng bẩn thỉu, mà không ai để ý rằng, Ivanovic rời sân với cái giày ướt máu. Có lẽ Ivanovic đã bị một cầu thủ nào đó của Liverpool phạm lỗi và máu từ chân của anh thấm ra ướt cả giày.
Ivanovic đã bị một cầu thủ Liverpool nào đó phạm lỗi?
Phải, hành vi cố tình giẫm lên chân Emre Can của Costa xứng đáng bị phạt (và thực tế thì anh đã bị LĐBĐ Anh phạt). Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chiến thắng của Chelsea xứng đáng bị nguyền rủa.
Có bất công với Chelsea hay không khi họ vừa phải đưa ra sân đội hình chính thức vì cái gọi là tinh thần cống hiến, vừa phải oằn mình đá cả 3 đấu trường trong chỉ hơn 1 tuần ngắn ngủi?
Để tiết kiệm sức lực cho các học trò, Mourinho chủ trương đá thực dụng, lấy chiến thắng làm mục tiêu tối thượng. Như vậy có nghĩa là bẩn thỉu sao?
Phải chăng, vì Chelsea vừa dẫn đầu PL, vừa lọt vào CK Cúp Liên đoàn và tràn trề hy vọng có được một chức vô địch ngay trong tháng 3 tới, khiến người ta có cảm giác phải hạ bớt khí thế của The Blues lại, trả lại bầu không khí cạnh tranh khốc liệt hơn cho nước Anh?
Tất nhiên, đây chỉ là giả thuyết… vui. Nhưng ở một góc nhìn nào đó, Chelsea có quyền đòi hỏi sự công bằng. Chiến thắng, dù bằng bất kỳ cách nào, thì giá trị của nó vẫn là một chiến thắng.
Và kẻ đã tạo ra được chiến thắng đó, chắc chắn là hơn so với kẻ bại trận của họ. Hãy nghĩ đơn giản như vậy, đừng lấy thước đo thẩm mỹ để đưa Chelsea đến với quá nhiều thang điểm phán xét như lúc này.