Giấc mơ và bi kịch quanh trái bóng

HỒ VĂN - LIÊN QUÂN |

Đến miền quê nào ở Nghệ An đều bắt gặp những em nhỏ, dù đi học hay đi chăn trâu... khoác trên mình màu áo vàng truyền thống của Sông Lam Nghệ An (SLNA) và nuôi ước mơ trở thành ngôi sao như Công Phượng hay những người thành danh như Công Vinh, Dương Hồng Sơn... Ước mơ là thế, nhưng rất ít trong số đó trở thành hiện thực...

Trong quá trình khổ luyện hơn 10 năm từ lứa cầu thủ U-11, biết bao cầu thủ trẻ tan vỡ giấc mơ vì bị đào thải. Và ngay cả những cầu thủ đang trên đường trở thành ngôi sao cũng bất ngờ bán rẻ ước mơ của mình với những cám dỗ đời thường...

Bóng đá đối với tôi là một kỷ niệm đẹp nhưng cũng là một khoảng đen tối. Tôi mong các cầu thủ trẻ hiện nay đừng đánh mất giấc mơ của mình

Thần tượng và những ước mơ

Dọc đường làng từ trung tâm xã Mỹ Sơn vào đến xóm 6, nơi gia đình Công Phượng hay Phượng “Bảy” (cách gọi thân thương của người dân) đang sinh sống, người ta vẫn thường nhắc đến câu chuyện xung quanh cậu bé nghèo Công Phượng. Từ niềm đam mê bóng đá trên những cánh đồng nay trở thành cầu thủ trẻ tài danh của bóng đá VN.

Dài theo những trận đấu nổi danh của Công Phượng trên sân cỏ, phong trào bóng đá ở vùng quê nghèo Mỹ Sơn cũng náo nhiệt hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ dù đang dắt trâu ra đồng hay đến giờ tan trường luôn lao vào trái bóng. Với đôi chân trần, sân bóng làng không khung thành, vạch vôi, không người huấn luyện... những đứa trẻ ấy vẫn nhiệt tình phô diễn kỹ thuật bên trái bóng tròn.

Nguyễn Trung Đức - 10 tuổi, học sinh lớp 5C Trường tiểu học Mỹ Sơn, đội trưởng đội bóng đá nhi đồng xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương - hồn nhiên cho biết: “Sau mỗi giờ tan lớp, tụi cháu luôn tụ tập tại sân bóng ngoài đồng. Những đứa đang chăn trâu cũng bỏ luôn cả trâu để chia phe đá bóng. Tụi cháu luôn muốn được nổi tiếng như anh Công Phượng nên trong trận đấu, đứa nào cũng muốn đá tiền đạo để giống anh Phượng”.

Còn cầu thủ Nguyễn Bá Sử - 10 tuổi, xóm 7, xã Mỹ Sơn - tự hào nói: “Ba mẹ cháu bảo nếu muốn được như anh Công Phượng thì phải khổ luyện, thường xuyên đá bóng với các bạn. Nếu đá giỏi thì đến năm 11 tuổi ba mẹ sẽ cho thi tuyển vào đội U-11 của CLB SLNA”.

Tương tự, những đứa trẻ tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), quê hương của tiền đạo Công Vinh, cũng cháy bỏng giấc mơ với trái bóng tròn. Qua những trận đấu ở làng hay tham gia Giải bóng đá U-11 của huyện, nhiều cầu thủ nhí đã được các tuyển trạch viên của SLNA tuyển chọn và đang đào tạo thành những cầu thủ chuyên nghiệp.

Phạm Văn Luyến - 13 tuổi, cầu thủ U-13 SLNA, trú tại xóm 21, xã Quỳnh Lâm - cho hay: “Hồi nhỏ, mỗi lần xem anh Công Vinh đá trên tivi xong là em ôm bóng ra sân tập đá như anh ấy. Mấy chú ở xã thấy em biết đá bóng nên đã đưa em vào đội thiếu nhi của xã. Sau đó các chú ở CLB SLNA tuyển em vào đội U-11, đến nay em đang là cầu thủ U-13. Em sẽ cố gắng hết sức để trở thành cầu thủ đội một của SLNA sau này, để được như anh Công Vinh, anh Phạm Văn Quyến trước đó”.

Khi ra đồng, chăn trâu... những đứa trẻ vùng quê của Công Phượng luôn quần thảo với trái bóng - Ảnh: L.Q.
Khi ra đồng, chăn trâu... những đứa trẻ vùng quê của Công Phượng luôn quần thảo với trái bóng - Ảnh: L.Q.

Còn em Nguyễn Văn Hiến - 13 tuổi, xóm 20, xã Quỳnh Lâm - hồ hởi nói: “Tham gia đội bóng nhi đồng của xã, em thi đấu xuất sắc và được các thầy ở SLNA chọn vào đào tạo. Đã hai năm nay xa gia đình, bố mẹ, em rất nhớ mọi người, nhưng vì muốn đá bóng nên em sẽ cố gắng đá thật giỏi để được lên đội một đi đá khắp nơi”. Còn em Nguyễn Công Minh (13 tuổi, cùng quê với Luyến và Hiến) rất quyết tâm: “Dù tập luyện rất vất vả em vẫn cố gắng vượt qua.Hiện em tập ở vị trí thủ môn và sau này em muốn trở thành thủ môn đội tuyển như anh Dương Hồng Sơn...”.

Khổ luyện ở lò SLNA

Lò đào tạo trẻ bóng đá SLNA được cả nước biết đến với lứa cầu thủ xuất sắc như Hữu Thắng, Quang Trường, Phi Hùng... và tiếp đến là Huy Hoàng, Thế Anh, Quốc Vượng, Văn Quyến, Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Minh Đức, Như Thuật. Những thế hệ cầu thủ này đã và đang là niềm tự hào của những người hâm mộ xứ Nghệ.

Để đào tạo được những lứa cầu thủ chất lượng, lò SLNA đã tận dụng được niềm khát khao cháy bỏng của những đứa trẻ từ khắp mọi miền quê ở Nghệ An. Và chính những đứa bé này là nguồn cầu thủ trẻ vô tận mà khó có một lò đào tạo bóng đá nào trên cả nước có được.

Ông Hồ Văn Chiêm, giám đốc điều hành SLNA, nhớ lại: “Từ năm 1995, SLNA đã mở các cuộc tuyển sinh rầm rộ khắp tỉnh để tuyển chọn cầu thủ. Những lần tuyển chọn luôn chật kín sân vận động và kẹt luôn cả những tuyến đường xung quanh trụ sở CLB. Sau này đi vào chuyên nghiệp hơn, chúng tôi mở các điểm đào tạo tại các huyện. Từ đó sàng lọc trước rồi tuyển chọn những em xuất sắc đưa về lò Sông Lam đào tạo”.

Hiện nay, ngoài hệ thống đào tạo các tuyến trẻ từ U-11, U-13, U15, U-17, U-19 đến U-21, SLNA còn xây dựng hệ thống các lò đào tạo trẻ được đặt ở các huyện như Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Nghi Lộc... Theo ông Chiêm, mỗi năm các tuyển trạch viên của SLNA lựa chọn 38-40 cầu thủ nhí chất lượng, tập trung về lò đào tạo SLNA 20-30 ngày. Sau khoảng thời gian này, cầu thủ nào xuất sắc sẽ được ở lại đào tạo, ai không đáp ứng chuyên môn thì sẽ trả về địa phương.

HLV trưởng Lê Văn Hùng của đội U-13 Nghệ An vừa giành chức vô địch U-13 toàn quốc cho biết: “Hệ thống đào tạo trẻ của SLNA rất khắc nghiệt, mỗi cầu thủ nhí được chọn vào lò đào tạo SLNA đều được rèn luyện từ văn hóa, đạo đức rồi mới đến chuyên môn. Hằng năm, cứ sáu tháng một lần phòng đào tạo trẻ của CLB tổ chức đánh giá chuyên môn. Những em nào không đáp ứng được chuyên môn sẽ bị đào thải. Trong lứa cầu thủ U-13 của cả tỉnh chỉ chọn lọc được 25 cầu thủ, các em sẽ là những lứa kế cận các đàn anh đi trước nếu biết theo đuổi đam mê của mình...”.

Những giấc mơ tan vỡ

Niềm đam mê đã giúp đứa trẻ trở thành cầu thủ ngôi sao, nhưng cũng làm tan vỡ giấc mộng của nhiều cầu thủ khác. Ngay Công Phượng, nếu không có Học viện Hoàng Anh Gia Lai thì chưa biết nghiệp đá bóng sẽ đi về đâu vì trước đó Công Phượng cũng bị SLNA loại vì nhỏ con. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ khác không được may mắn như thế.

Chúng tôi tìm về xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), nơi cầu thủ U-17 Lê Đình Thắng vừa bị SLNA loại. Đây là cầu thủ theo như đánh giá của ban huấn luyện SLNA là có kỹ thuật tốt nhưng do thể hình không đáp ứng nên bị đào thải.

Ông Lê Đình Chung, cha của cầu thủ Lê Đình Thắng, bức xúc nói: “Chỉ với lý do thể hình nhỏ mà loại cháu Thắng là không thuyết phục. Trước đó, cháu còn được đôn lên đá cho đội U-19 tham gia Giải bóng đá Thái Sơn Nam toàn quốc và giành được HCB. Cháu tập luyện ở câu lạc bộ từ lứa U-11 đến U-17 là khoảng thời gian dài không thấy ai đánh giá gì, vậy mà bất ngờ lại trả cháu về nhà”.

Là cầu thủ trẻ, sớm nổi lên từ VCK U-21 năm 2001 và năm 2003, được đôn lên đội hình một của SLNA từ rất sớm, Phan Thanh Hoàn có biệt danh Hoàn “kều” là mẫu cầu thủ đặc biệt. Thời đang tung hoành sân cỏ, Phan Thanh Hoàn chính là trung phong thật sự của SLNA chứ không phải Văn Quyến hay Công Vinh.

Ở độ tuổi chín của sự nghiệp, ai cũng ngỡ tương lai đã mở toang với Phan Thanh Hoàn. Thế mà tất cả đã đóng sập với anh từ lúc đó. Năm 2004, Thanh Hoàn được bổ sung vào đội tuyển U-22 chuẩn bị SEA Games 23 ở Philippines. Thế nhưng Thanh Hoàn đã bị trả về do không thể hiện được mình ở lượt về vòng sơ loại Olympic 2004.

Hoàn trở về SLNA và bắt đầu những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Rồi chuyện gì đến cũng đến, Hoàn được CLB SLNA bật đèn xanh cho ra đi và cuộc đời anh trượt dài theo năm tháng. Thần tượng bóng đá một thời buộc phải giải nghệ ở tuổi 27 với cuộc đời là con số 0. Phan Thanh Hoàn tâm sự: “Bóng đá đối với tôi là một kỷ niệm đẹp nhưng cũng là một khoảng đen tối. Tôi mong các cầu thủ trẻ hiện nay đừng đánh mất giấc mơ của mình”.

Nói về tiền vệ trái Trương Đắc Khánh, giới chuyên môn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng ai cũng biết đến. 18 tuổi, anh đã gặt hái rất nhiều thành công ở các giải đấu trẻ và cũng năm đó Khánh được đôn lên đội một của SLNA. Tiếp đến, anh được gọi vào đội U-23, đội tuyển VN... và vinh quang trải dài ở phía trước.

Nhưng tự tay anh đã đánh mất tất cả sự nghiệp huy hoàng đó trong phút chốc. Khi có tên tuổi, sống trong những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, Khánh đã không giữ được mình để rồi dính vào cờ bạc, cá độ bóng đá. Nợ nần chồng chất, Khánh bị CLB đuổi. Sau đó nay đây mai đó, anh kiếm sống bằng đủ nghề từ phụ giúp bạn dựng rạp đám cưới đến thợ phụ nhôm kính, cơ khí và hiện nay là nhân viên bảo vệ ngân hàng.

Nhìn lại những ngày vinh quang khi còn khoác trên mình màu áo SLNA và cuộc sống hiện tại, Đắc Khánh nói: “Lứa cầu thủ trẻ của SLNA hiện tại hãy cố gắng rèn luyện kỹ năng với trái bóng và trước hết hãy tự rèn luyện đạo đức của chính mình, tránh những cảm bẫy của cuộc sống...”.

Nước mắt Lê Đình Thắng

Cũng theo ông Lê Đình Chung, khi bị loại, Lê Đình Thắng đã rất sốc và khóc suốt cả tuần, không thiết tha đến việc học hành. Còn Lê Đình Thắng tâm sự: “Các chú ở CLB bảo cháu đá tốt nhưng bị loại vì thể hình nhỏ. Thật sự nhiều cầu thủ khác cũng có lớn hơn cháu đâu...” - nói chưa dứt câu Thắng đã rơm rớm nước mắt.

“Cháu nó đặt hết niềm hi vọng vào trái bóng, gia đình cũng rất hi vọng cháu lên đội một sau này để được đá các giải lớn. Ai ngờ bị loại tức tưởi, chúng tôi cũng không biết khuyên cháu như thế nào. Đến nay cháu nó còn chưa lấy lại được cân bằng để theo học văn hóa” - mẹ Thắng nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại