1. Chúng ta sẽ trở lại với một trong những chủ đề được yêu thích nhất vào lúc này: Nên hay không nên triệu tập Công Phượng vào đội hình ĐT Việt Nam đá giao hữu với Man City?
Trước đó, bầu Hiển, đạo diễn của thương vụ này, đã khẳng định mình muốn thấy những cầu thủ Việt Nam hay nhất, danh tiếng nhất có tên trong danh sách ra sân ở trận đấu diễn ra ngày 27/7 tại Mỹ Đình.
Hãy nhớ rằng cuộc đối đầu với á quân Premier League về bản chất là một sự kiện PR. 90 phút cùng 3 ngày tập trung của ĐT Việt Nam là sự kiện không nằm trong kế hoạch năm của ĐT Việt Nam.
Với một đợt tập trung “ngẫu hứng” kiểu này, các quy chuẩn trong quá trình tuyển chọn nhân sự chắc chắn sẽ khác với bình thường.
Nhưng trước khi nói tới cái sự bất thường ấy, chúng ta hãy trở về với mệnh đề nguyên thủy: Đội tuyển quốc gia phải là nơi tập trung những cầu thủ giỏi nhất của một nước. Công Phượng, sau tất cả, có phải là một người như thế?
Ở đợt tập trung gần nhất, HLV Toshiya Miura đã sử dụng 3 tiền đạo. Đó là Công Vinh, Văn Quyết và Hải Anh. Trong số đó, chỉ Văn Quyết có chỗ đứng lâu dài và ổn định.
Công Vinh đã lớn tuổi, Hải Anh không đủ trình độ. Phần còn lại của bóng đá Việt Nam cũng không có những chân sút đủ đẳng cấp.
Trong bối cảnh ấy, Công Phượng hoàn toàn có đủ khả năng gia nhập đội hình đội tuyển. Trên thực tế, HLV Miura cũng từng triệu tập số 10 của U19 Việt Nam lên tập trung với các anh lớn hồi tháng 5.
Bản thân Công Phượng cũng không ít lần thể hiện tố chất thích nghi đặc biệt của mình.
Anh sớm thành đầu tàu của U19 Việt Nam với 2 lần lập siêu phẩm vào lưới U19 Australia, khẳng định được tài năng ở V-League bất chấp sự sa sút của HAGL, vượt qua áp lực để chứng minh bản lĩnh ở sân chơi SEA Games.
Từng bước một, ở mọi cấp độ bóng đá khác nhau, Công Phượng vẫn luôn khiến người xem bất ngờ vì khả năng thích ứng và tỏa sáng.
Đương nhiên, điều đó không đồng nghĩa với những kỳ vọng vô lý dành cho Công Phượng trước các hậu vệ đẳng cấp thế giới của Man City.
Nhưng chỉ cần một pha qua người thành công, vài đường chuyền có nét, Phượng sẽ tìm thấy sự tự tin trước những tên tuổi hàng đầu. Đấy sẽ là thứ hành trang rất giá trị cho anh trên con đường phía trước.
2. Trở lại với lập luận ban đầu, trận gặp Man City là một sự kiện PR. Nhưng vì không bị hạn chế bởi các yếu tố chuyên môn, đấy cũng có thể là một cơ hội thử nghiệm mà ông Miura có thể tận dụng.
Những sáng tạo điên rồ nhất, những ý tưởng bất ngờ nhất, những sự kết hợp kỳ lạ có thể xuất hiện. Công Phượng - Công Vinh hay Công Phượng - Văn Quyết? Đó đều là những bộ đôi đầy hứa hẹn và đáng được kỳ vọng.
Ông Miura thậm chí có thể gọi thêm những ngôi sao khác của lứa U19 và U23 lên tuyển. Xuân Trường và Tuấn Anh liệu có thể tái hợp hình ảnh ở U19?
Tiến Dũng có tiếp tục cho thấy sự tiến bộ ở đội tuyển hay Minh Long liệu có trở thành tương lai của khung gỗ đội Việt Nam? Đó đều là những câu hỏi mà chúng ta muốn biết đáp án ngay lập tức.
Hơn một năm với bóng đá Việt Nam, ông Miura đã thực hiện rất nhiều sự thay đổi, đã luôn tìm kiếm những giá trị mới và những sự thử nghiệm. Một trận giao hữu với đội á quân Premier League chẳng phải là cơ hội tuyệt vời để làm điều đó sao?
3. Ở một khía cạnh khác, sự có mặt của Công Phượng sẽ là “chất bôi trơn” cho chiến dịch bán gần 40.000 tấm vé tại Mỹ Đình.
Chính tiền đạo của HAGL, chứ không phải bất kỳ cái tên nào khác, mới đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nền bóng đá, là cầu thủ con cưng mà CĐV luôn muốn được nhìn thấy mỗi lần bước ra sân.
Vì tất cả những lý do ấy, Công Phượng xứng đáng được gọi, nên được gọi và cần được gọi cho cuộc đối đầu với Man City.