Đội tuyển U19 Việt Nam: 'Chạy nhiều' mới ra chiến thuật

Đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt như thường lệ là khoá đầu của Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG đang thi đấu khá ấn tượng trên đất Brunei, tại giải Hassanal Bolkiah 2014.

Thầy trò HLV Guillaume Graechen mở màn bằng chiến thắng ấn tượng 4-0 trước U21 Singapore, trả đầy đủ cả vốn lẫn lại sau trận thắng 3-1 U19 Indonesia nhưng lại thua U21 Malaysia và hoà U21 Brunei. Nhiều ý kiến khen chê, trong đó bao gồm cả nhận định kiểu “tự an ủi”, khi cho rằng việc U19 Việt Nam thất bại 0-2 trước U21 Malaysia là điều dễ hiểu, bởi phần lớn cầu thủ đội bạn đều lớn hơn chúng ta ít nhất 2 tuổi?!

1. Gần như không có quy định tuổi tác nào cho cầu thủ, nhưng có thể ngầm hiểu, giải đấu truyền thống “Hassanal Bolkiah” được tổ chức nhằm tạo cơ hội cọ xát cho các nền bóng đá trẻ trong khu vực. Nó như một ngày hội bóng đá trẻ, khi phần lớn các đội tuyển đều cử đội hình dưới 22 tuổi (trẻ nhất có U19 Việt Nam), như một bước chuẩn bị cho SEA Games.

“Ở một khía cạnh nào đó, giải đấu ở Brunei giống như U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên được tổ chức đều đặn từ năm 2007 trở lại đây vậy thôi. Những sân chơi như thế này thực sự rất bổ ích cho bóng đá trẻ, kích thích sự phát triển chung của bóng đá khu vực Đông Nam Á” - Phó TTK VFF, ông Dương Nghiệp Khôi, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá, bên lề Lễ ký kết hợp đồng tài trợ VCK U15 toàn quốc 2014 (hôm qua, 15/8).

Trước khi qua Brunei tham dự giải đấu khách mời, U19 Việt Nam đã có chuyến tập huấn dài ngày tại Âu châu và Nhật Bản. Sau khi kết thúc Hassanal Bolkiah 2014 trở về, thầy trò ông Guillaume Graechen sẽ bước vào giải vô địch U19 Đông Nam Á tại Hà Nội (với khách mời duy nhất ngoài khu vực là U19 Nhật Bản), trước khi bước vào tranh tài tại VCK U19 châu Á (tháng 10/2014, tại Myanmar).

Tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng với Việt Nam là nước đăng cai, nhiều ý kiến cho rằng, lá thăm xui rủi đã đưa người chủ nhà gặp lại U19 Australia và U19 Nhật Bản, ở bảng đấu chỉ có 3 đội?! Nhưng, ở chiều ngược lại, việc đối chọi với các nền bóng đá mạnh như Nhật hay Australia, trước khi bước vào giải đấu chính thức (cùng bảng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), còn hơn cả may mắn!

2. Bóng đá trẻ Đông Nam Á nói chung và bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng, thường chịu nhiều thiệt thòi về xuất phát điểm, môi trường phấn đấu, năng lực…. Các giải đấu trẻ (trong nước) được tổ chức hàng năm không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện – thi đấu của CLB, chứ đừng nói cấp đội tuyển trẻ QG.

“Chúng tôi tập luyện quần quật cả năm trời, nhưng chỉ để thi đấu vài trận. May mắn lọt vào VCK thì còn đỡ, còn nếu không, chu trình khép kín ấy sẽ lặp lại vào năm sau, với nhiều lứa cầu thủ trẻ kế cận. Vậy làm sao có thể thúc đẩy được bóng đá trẻ phát triển?” – ông Trần Minh Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng HLV Học viện PVF, HLV trưởng U17 VPF vừa giành chức vô địch U17 QG.

Tiêu chí xác định cho các chuyến tập huấn và thi đấu nước ngoài dài ngày của U19 Việt Nam nói chung và “những đứa trẻ của bầu Đức” nói riêng là rất rõ ràng: Tăng cường cọ xát, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho chặng đường trước mặt và nếu được, đấy hẳn phải là cơ hội tuyệt vời để quảng bá sản phẩm, điều cốt lõi khi ông Đức xua quân sang Anh, Bỉ, Pháp và Nhật Bản đá giao hữu.

Học hỏi từ “quân xanh”

“Sẽ là rất bổ ích khi đá với quân xanh (tại các chuyến tập huấn) hay thi đấu các giải khách mời, với đối thủ mạnh hơn mình. Đội bóng, đặc biệt là đội tuyển trẻ có thể thua, nhưng chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích hơn so với một chiến thắng trước đối thủ yếu. Lứa tuổi 19 kể cũng chưa nói được gì, nên tôi kỳ vọng truyền thông và cả người trong cuộc không nên tung hô quá mức, bởi nó rất có hại. Nền bóng đá trẻ Việt Nam đã phải nhận đủ những bài học rồi” (Phát biểu của ông Phan Thanh Hùng, HLV trưởng Hà Nội.T&T, chuyên gia đào tạo trẻ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại