Trong cuộc chia sẻ mới đây, võ sư Chưởng môn Lâm Sơn Động – Lương Ngọc Huỳnh khẳng định anh đã trải qua cả nghìn trận thách đấu. Tuy nhiên vẫn chưa có địch thủ nào khiến “Dị nhân – kỳ nhân” Việt Nam phải động thủ quá 1 phút.
Nhớ năm 1994, Lương Ngọc Huỳnh tới Lào Cai để biểu diễn võ thuật. Đài truyền hình Lào Cai có quay chương trình này rồi sau đó phát sóng rộng rãi.
“Khi đó, bên Trung Quốc cũng có thể bắt sóng truyền hình Lào Cai. Chắc bên họ xem chương trình biểu diễn võ thuật của tôi rồi đồn đại gì đó.
Ít ngày sau, có Sình Quáng Lẩu, võ sư ngũ đẳng môn phái Ngũ Đài Sơn tới tìm tôi. Anh ta đi theo từ sáng tới trưa buộc tôi phải tìm đến ông Đông, Trưởng Công an phường Kim Tân, Lào Cai.
Tôi nói với ông Đông rằng: “Nó cứ đi theo em thế này, không đánh cũng dở, nó lại bảo mình hèn. Mà đánh cũng dở, nhỡ có vấn đề gì thì làm sao?”
Ông Đông liền dẫn tôi tới gặp ông Thành, Trưởng Công an thị xã Lào Cai. Cả hai ông này đều rất thích xem đánh võ, nên gợi ý tôi bảo Sình Quáng Lẩu viết một tờ đơn, giao kèo 2 bên thi đấu võ công, nếu có vấn đề gì thì không kiện cáo.
Sình Quáng Lẩu lập tức đồng ý, viết đơn và cả tôi cùng anh ta ký vào. Sau đó, trận đấu diễn ra ngay ở ngã ba Kim Tân, với sự chứng kiến của rất nhiều người dân và cánh “xe ôm”” – võ sư Lương Ngọc Huỳnh kể.
Thật không ngờ, chỉ mất chưa tới 10 giây, bằng một cú đá, Lương Ngọc Huỳnh đã đánh bất tỉnh đối phương.
“Sau đó, mọi người phải sơ cứu mãi anh ta mới tỉnh. Cũng từ đó, không võ sĩ nào bên Trung Quốc sang thách đấu tôi nữa” – Ngọc Huỳnh tiếp.
Sau này, mỗi khi Lương Ngọc Huỳnh qua Hà Khẩu, thường có rất nhiều thanh niên Trung Quốc chắp tay kiểu con nhà võ để chào. Có thể vì ngưỡng mộ anh qua các chương trình biểu diễn võ thuật, hoặc qua trận đấu với Sình Quáng Lẩu.
Những năm tiếp đó, Chưởng môn Lâm Sơn Động còn sang Trung Quốc mở võ đường vài năm. Những võ sư Trung Quốc cũng vì mến tài, đức mà không hề gây điều khó dễ nào!
Lương Ngọc Huỳnh (áo trắng, ở giữa) chụp ảnh với Philippe (thứ 4 từ trái sang) và các thành viên thuộc GIGN.
Bẵng đi vài năm, đến 1998, võ sư Huỳnh sang Pháp, dạy cho đội cảnh sát đặc nhiệm GIGN. Tại đây, ông gặp HLV võ thuật của FBI, Philippe (đã từng học võ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Khi vừa mới thấy Lương Ngọc Huỳnh, Philippe đã tỏ ý coi thường và muốn thi đấu giao lưu. Chưởng môn Lâm Sơn Động liền đồng ý.
“Trận đánh chỉ tầm 35 giây, tôi liên tiếp đánh vào ống chân khiến đối thủ đau rồi tự thua”.
Sau trận đó, Lương Ngọc Huỳnh ở lại dạy võ thuật cho GIGN trong khoảng 2 tuần.
Chiến tích vang dội nước Nga
Danh tiếng đồn xa, đến năm 2001, Lương Ngọc Huỳnh được mời sang Nga để “bảo kê” cho võ Việt Nam.
Cụ thể, theo lời Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh, từ hàng chục năm trước, đã có rất nhiều cao nhân Việt Nam sang Nga để truyền bá võ công.
Tuy nhiên, các võ sư này đều thất bại trước những lời thách đấu tại Nga, khiến tương lai võ Việt ở nơi đây dần đi vào ngõ cụt.
“Năm 2001, ông Ngô Tất Tố, đại sứ của mình bên Nga, đã mời tôi sang để giúp xây dựng Hội võ thuật. Khi tôi vừa mới sang, đã có một võ sĩ nổi tiếng tên Dima, từng đoạt HCB Olympic võ tự do đến thách đấu.
Tôi nhận lời và hẹn anh ta vào một ngày khác đến thi đấu lúc 5h chiều. Ông Lâm – Tổng Giám đốc chợ Sông Hồng (Nga) còn đăng trên các tờ báo lá cải lúc bấy giờ, quảng bá cho trận đấu” – võ sư Huỳnh kể.
Đến ngày thi đấu, mới 2h chiều, Dima đã đến và làm náo loạn khu vực xung quanh. Sau khi được báo tin, võ sư Huỳnh xuống gặp đối thủ.
“Khi tôi xuống, anh ta đang cởi trần, tập luyện để thị uy. Tôi hỏi:
“5h mới đấu với tao, sao mày đến sớm thế?”.
“Tao đến chơi chờ mày” – Dima trả lời.
Tính dân tộc nổi lên, tôi nói: “Tao nghĩ chẳng cần chờ đến 5h đâu. Nếu thích thì tao với mày đâu luôn bây giờ”.
Dima lập tức đồng ý. Tôi hỏi hắn thích thi đấu kiểu gì, hắn bảo ngay “kiểu gì cũng được”.
“Mày to hơn tao, khoảng 100 kg. Tao chưa đến 60 kg, đố mày đẩy được tao” – tôi nói.
Nó đưa ngón tay lên khoan đầu, ý chê mình khờ khạo rồi đẩy tôi. Nhưng hắn đẩy hết sức cũng không được, còn tôi chỉ đẩy nhẹ đối thủ đã ngã. Lúc đó hắn bắt đầu sợ.
Tôi hỏi tiếp: “Thế tao đấm mày 1 cái, mày có đỡ được không? Tao chỉ cần đấm chậm thôi, không nhanh”.
Tôi đấm từ từ. Hắn cố gạt tay ra nhưng không được. Tôi dùng nội công thì làm sao mà gạt được!
Sau đó, tôi nói: “Nếu tao đánh mày 50 giây mà không thắng thì tao để cho mày thắng”.
Tôi khẳng định như vậy luôn rồi bảo hắn chuẩn bị tinh thần tập luyện, đến 5h chiều thi đấu. Khi đó, có rất nhiều người Việt Nam muốn đến xem, nên tôi chưa thể đánh hắn ngay lúc 2h chiều.
Đến 5h kém 15 tôi xuống, mặc võ phục, khởi động chuẩn bị thi đấu nhưng chờ mãi không thấy Dima đâu. Một lúc sau, công an vào báo, hắn vì sợ nên đã trốn mất. Nhiều tháng sau, Dima cũng không quay lại” – võ sư Huỳnh hồi tưởng lại câu chuyện.
Cũng kể từ đó, hội võ thuật Việt Nam ở Nga hoạt động trơn tru.
Lương Ngọc Huỳnh đứng xem các học trò thi đấu đối kháng.
Một ngày khác, có người tên Igore, 10 năm vô địch Sambo Nga (môn võ cận chiến rất tàn bạo, có cả giải thi đấu trong lồng sắt) muốn đến thử tài võ sư Huỳnh.
“Cậu này thì lịch sự hơn, đến ngỏ ý muốn xin học nhưng nói muốn đấu thử một chút. Tôi rất thoải mái, nhận lời và 2 thầy trò vào phòng riêng để thi đấu.
Cậu ấy hỏi có thể dùng tất cả các kĩ thuật Sambo để đánh tôi hay không. Tôi đồng ý và cuộc chiến diễn ra khoảng... 15 giây. Cậu ấy không thể đứng nổi và chịu thua”.
Sau trận đấu thử đó, Igore theo học võ sư Huỳnh và ngày một tiến bộ. Theo võ sư Huỳnh kể thì giờ Igore đang là HLV trưởng phụ trách võ thuật của cục tình báo Nga.
Trong kì tới về “Dị nhân – kỳ nhân Lương Ngọc Huỳnh”, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả câu chuyện cơ duyên đặc biệt của anh với bóng đá – dù không yêu thích môn thể thao này.
Thậm chí, Zidane còn rất nể phục cao thủ võ công của Việt Nam, gửi tặng anh một chiếc áo.
Trong khi ông chủ Chelsea, Abramovich thì tặng nguyên Lương Ngọc Huỳnh một phòng khám bệnh hiện đại tại Nga!