Trở lại với phần 1, “Huyền thoại Việt khiến giới "võ lâm" phải cúi đầu”, sau khi cụ Cử Tốn cướp lương thực của quân Pháp, chúng đã rất tức giận và tìm cách tiêu diệt lò võ của cụ nói riêng, cũng như toàn bộ dân võ Việt Nam nói chung.
Để làm được điều đó, thực dân Pháp đã kêu gọi rất nhiều võ sĩ nổi tiếng, hùng mạnh ở rất nhiều môn phái đến Việt Nam, hòng chuẩn bị cho một cái sau này được biết đến là đấu trường chết chóc.
Mượn danh thử tài để tận diệt võ Việt Nam
Theo Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo, Nguyễn Văn Thắng, giải đấu do thực dân Pháp đưa ra có luật lệ rất “đơn giản”: Đánh không có bảo hộ, đánh đến khi đối thủ gục thì thôi và người thắng sẽ lại tiếp tục đánh cho đến khi… gục.
Với luật lệ đó, cùng dàn võ sĩ đông đảo, hùng mạnh kêu gọi được từ khắp nơi trên thế giới, thực dân Pháp tự tin rằng có thể tận diệt được ý chí của dân võ Việt Nam, cũng như tận diệt chính sinh mạng những người luyện võ và lò võ của cụ Cử Tốn.
Tuy nhiên, mọi chuyện lại không theo ý chúng.
Cụ Cử Tốn đã cử những học trò mạnh nhất của mình như Tư Vá, Tư Côi, Mùi Đen, Văn Nhân (cha của Chưởng môn Văn Thắng) ra đi đấu, để rồi có những chiến thắng oanh liệt.
Ngày đó, người ta truyền nhau câu nói “ba cái đấm của Tư Vá, một cái đá của Tư Côi” với hàm ý, không ai chịu nổi 3 cú đấm của Tư Vá và 1 cái đá của Tư Côi.
Điều đó nói lên sức mạnh khủng khiếp của cặp đôi này và quả thực, 2 ông đã liên tiếp chiến thắng trên võ đài đẫm máu của thực dân Pháp, khiến chúng bắt đầu lo ngại kế hoạch sẽ đổ vỡ…
Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo, Nguyễn Văn Thắng - con của cụ Văn Nhân.
Ác mộng mang tên “Võ Tòng Việt Nam”
Nhưng nỗi sợ của thực dân Pháp chỉ thực sự đến khi Mùi Đen thượng đài. Với kỹ thuật vật, cùng những chiêu cầm nã thủ tuyệt luân, ông đánh gục hết đối thủ này đến đối thủ khác.
Vì không muốn hạ sát đối phương, Mùi Đen “chỉ” đánh gãy chân hoặc gãy tay địch thủ. Nhưng chừng đó là quá đủ để các võ sĩ của đối thủ sợ hãi và không còn dám ra giao đấu.
Khi đã đánh bại rất nhiều cao thủ, Mùi Đen ngày càng cảm thấy sự vô nghĩa của võ đài. Ông yêu cầu thực dân Pháp chấm dứt giải đấu nếu mình… tay không đánh được hổ.
Nghe Mùi Đen nói vậy, thực dân Pháp cũng lấy làm lạ và nghe theo yêu cầu của ông. Chúng dẫn ông tới vườn bách thú để đối mặt với 2 con hổ, một đực, một cái nơi này.
“Trong vườn bách thú lúc bấy giờ có 2 con hổ, một đực, một cái. Hai con này một bị tật nhẹ ở chân, một bị nhẹ ở mắt. Nhưng chính giống hổ có tật như thế lại rất hung dữ.
Khi Mùi Đen đi vào chuồng hổ đực, nó lập tức thủ thế, rồi sau chốc lát gầm lên, lao vào ông. Mùi Đen lập tức nghiêng người sang bên, né thế vồ của hổ đực, rồi hoành tay, túm lấy cổ mà vật xuống đất, vặn gãy luôn một chân.
Rồi ông vác luôn hổ đực sang chuồng hổ cái. Con hổ cái thấy thế cũng lao vào chiến đấu và lại nhanh chóng bị ông vặn gãy chân” – Chưởng môn Văn Thắng kể.
Chứng kiến chiến tích đả hổ của Mùi Đen, lực lượng bên phía thực dân Pháp hoảng sợ nhưng chúng lại nuốt lời, không từ bỏ giải đấu.
Cụ Văn Nhân (phải) từng hạ sát một viên quan hai Pháp.
Cái chết của quan hai Pháp và âm mưu hèn độc
Theo lời Chưởng môn Văn Thắng, cha ông là cụ Văn Nhân khi đó thượng đài đã lỡ tay đánh chết một viên quan hai Pháp và mọi chuyện bắt đầu tồi tệ.
“Nói là đánh trọng thương, thực ra ông cụ nhà tôi đã đánh chết luôn viên quan hai Pháp. Khi đó trước mặt dân chúng, thực dân Pháp không dám thẳng tay trả thù. Nhưng chúng châm dứt giải đấu rồi lén lút tìm cách để tiêu diệt lực lượng bên ta.
Cha tôi khi đó sớm biết nên đã trốn luôn. Cụ leo lên trên một ngọn cây cổ thụ, rồi đêm đến mới nhờ người liên lạc với gia đình gửi đồ và lương thực lên rồi đi lánh nạn.
Sau này, thậm chí gia đình tôi còn phải đổi họ (từ họ Vũ sang họ Nguyễn) để tránh sự truy lùng của giặc Pháp” – Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo kể.
Không truy lùng được cụ Văn Nhân, giặc Pháp điên cuồng trả thù. Chúng đã tìm cách bắt giam cụ Cử Tốn, rồi chọc mù hai mắt cụ. Nhưng những điều ấy chỉ làm giới võ lâm Việt Nam thêm tinh thần, hào khí để chống lại ngoại xâm.