Thiên hạ đệ nhất binh khí
Trong làng võ cổ truyền Việt Nam, có lẽ không ai qua được cố đại võ sư Trần Công về biệt tài sử dụng vô vàn các loại binh khí, trong đó bao gồm rất nhiều loại đặc dị.
Cố võ sư Trần Công (1920-2013) có biệt hiệu Huyền Công Đạo, chính là tổ phụ môn phái Sơn Đông Không Động Việt Nam, là cây đại thụ của làng võ thuật cổ truyền nước nhà. Ông được giới "võ lâm" ca ngợi là một trong những bậc kỳ tài, thiên hạ ít người sánh kịp.
Thuở thiếu thời, võ sư Trần Công đã tập luyện võ thuật từ trong gia đình rồi đến xuất dương sang Trung Quốc, tầm sư học đạo.
Ông thọ giáo hai môn Sơn Đông và Không Động (Không Động là một trong Bát đại môn phái của Trung Hoa, gồm: Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Không Động, Thanh Thành, Hoa Sơn, Toàn Chân).
Nói về những tuyệt kỹ binh khí, ngoài cặp song kiếm vô địch hùng bá trên võ đài suốt bao năm, lão võ sư huyền thoại này còn làm chủ 20 binh khí và nhiều ám khí độc môn hiếm có trên đời.
Trong đó phải kể tới những “tuyệt kỹ”:
Song hổ vĩ côn, Điệp hoa côn, Tam thiết côn, Thiết hoa côn, Thất phiến côn, Thiết cương đao, Không Động kiếm, Điệp hoa kiếm, Điệp hổ quyền, Cửu long tiên, Song thần (một loại binh khí như lưỡng tiết côn), Huyết kỳ, Bế huyệt Nga My thích…
Đặc biệt, Hổ vĩ côn (côn hình đuôi cọp) do chính võ sư Trần Công chế tạo rất độc đáo, thiết kế như một cây Thiết lĩnh ngắn (đoản thiết lĩnh), thay vì có hai đoạn một ngắn một dài thì đoạn ngắn lại chia làm hai.
Hai đoạn được kết với nhau bằng một đoạn xích hoặc dây bện chắc. Kỹ thuật và khả năng chiến đấu tự vệ cũng như khống chế, hoá giải những loại binh khí khác của Hổ vĩ côn được đánh giá là vô cùng lợi hại.
Đặc biệt, lão võ sư Trần Công còn chế tạo thêm rất nhiều loại binh khí đặc dị khác mà nhiều dân “trong nghề” khi nhìn vào còn không thể hình dung đó là loại vũ khí gì và cách thức sử dụng chúng như thế nào.
Có thể kể tới các loại như roi, lưỡi lê, song xỉ, thích, tiêu bên cạnh rất nhiều loại côn được ông biến tấu khác đi so với thông thường.
Với thiên chất sáng tạo và vận dụng võ thuật một cách linh hoạt, ông đã làm phong phú thêm kho tàng tinh hoa của môn phái Sơn Đông, Không Động ở Trung Hoa để biến thành những “đặc sản” chi có ở riêng mình.
Hầu hết các loại binh khí, lão võ sư cũng đều tinh thông. Trong Đại hội Thể thao dân tộc năm 1961 tại Hà Nội, võ sư Trần Công đã giành 2 HCV về Song kiếm và Lưỡi lê.
Trong thập niên 60, ông tham gia soạn thảo luật thi đấu các môn Thể thao dân tộc như các bài: Quyền, kiếm, roi, gậy, roi tam khúc, song xỉ, song hổ vĩ côn, thiết cương đao, trường thương…
Đã có lần Trần Công còn biểu diễn bài Song hổ vĩ côn cho Bác Hồ xem. Sau đó, do đặc biệt ấn tượng với bài biểu diễn, Bác còn đến tận nhà lão võ sư để khen ngợi và động viên.
Không hổ danh là một “đại cao thủ”, đến thời điểm lão võ sư Trần Công ở độ tuổi ngoại cửu tuần, ông vẫn còn nhớ và có thể thi triển những chiêu thức, bài bản đặc thù như:
Song hổ vĩ côn, Thiết cương đao, Thất phiến côn, Bế huyệt nga my thích, Thiết hoa côn, Điệp hổ quyền, Song thần (tương tự côn nhị khúc), Thiết cương đao, Điệp hoa côn, Tam thiết côn, Không độc kiếm, Cửu long tiên…
Trong số này, ông từng được giới võ nghệ ca ngợi với danh hiệu “vô địch song kiếm - thiên hạ không có đối thủ”.
“Vua ám khí” đích thực
Cố võ sư Trần Công được giới võ thuật cổ truyền ca ngợi là bậc thầy trong việc sử dụng ám khí, bên cạnh những loại vũ khí thông thường.
Ông được cho là có biệt tài biến những thứ rất đỗi bình thường trong đời sống hàng ngày như chiếc tăm, nhúm cát, một cây đũa hay một cây kim… trở thành vũ khí lợi hại với tính chất sát thương rất cao.
Môn ám khí đầu tiên ông được sư phụ người Trung Quốc truyền dạy là phi tiêu. Đây là loại vũ khí rất đơn giản, chỉ là những chiếc đũa được chế từ các cây thép nhỏ, vát nhọn một đầu, sức đàn hồi lớn.
Khi cần phóng tiêu, tuỳ khoảng cách xa, gần mà người sử dụng chỉ cần giữ cố định một đầu, vít cong đầu còn lại, dựa vào lực đàn hồi mà bật tiêu đi.
Theo cố võ sư Trần Công, điều quan trọng nhất khi dùng ám khí đó là độ chính xác.
Lão võ sư Trần Công khi xưa từng kể, ban đầu tập phóng tiêu, sư phụ dựng cho ông một hình nhân bằng rơm rồi bắt ông đứng cách chừng 7 - 10 m để phóng tiêu.
Bước đầu là phóng sao cho trúng được phần ngực của hình nhân; Bước sau cao hơn, đó là phóng vào phần đầu, rồi đến phần mắt.
Bài ám khí này chỉ được coi là thành công khi người tập trong tích tắc với cả chục chiếc đũa sắt trên tay, phóng trúng vào phần mắt hình nộm.
Thậm chí lão võ sư Trần Công còn nghĩ ra cách tập rất hay đó là dùng những quả trứng.
Những quả trứng này khi thì được rút ruột rồi treo lên trước gió bằng một sợi dây mềm, sau đó ông đứng ở một khoảng cách nhất định rồi phóng tiêu. Có khi ông sử dụng những quả trứng nguyên vẹn, để nó lăn khắp rơi rồi phóng tiêu.
Ông tập những bài này thuần thục đến nỗi có thể phóng bách phát bách trúng.
Ngoài phóng tiêu, ông còn có khả năng rất “dị” khác đó là thổi tiêu. Tương truyền, với nội công thâm hậu, nên đường tiêu của lão võ sư vừa đi xa, vừa vô cùng chuẩn xác.
Ống tiêu này được lão võ sư chế tạo từ trúc, gỗ, thậm chí từ thanh sắt rỗng ruột. Loại ám khí này tàn khốc và nguy hiểm ở chỗ mũi tiêu được ông làm từ những cây kim mà mọi người vẫn dùng để khâu vá hàng ngày.
Đầu mũi kim, ông đánh ngạnh, khi găm vào người đối phương chỉ tạo cảm giác hơi buốt. Tuy nhiên, sự nguy hiểm là khi đối phương rút tiêu ra, phần mũi tiêu sẽ gãy và nằm lại trong da thịt.
Ám khí vô cùng lợi hại này có thể gây sát thương ở khoảng cách tới 50m. Tuy nhiên, vị cao thủ vẫn chưa khi nào sử dụng loại ám khí này với bất kỳ một đối thủ nào, mà chỉ dùng để… bắn chim hay câu cá giải khuây.
Lão võ sư Trần Công còn có khả năng biến những chiếc tăm trở thành hung khí vô cùng lợi hại.
Những chiếc tăm cật tre già, vót nhọn một đầu, trừ phần cật tre. Chỉ bằng động tác búng ngón tay, trong vòng 3 - 5 thước, chiếc tăm nhọn của ông có thể khiến đối phương mù mắt.
Thuở thanh niên, phiêu bạt giang hồ, lúc nào trong túi áo ngực của ông cũng có những chiếc tăm ấy để phòng thân. Chỉ có điều, chúng không làm từ tre mà được ông cần mẫn chế từ dây tanh của lốp xe đạp.
Không chỉ vậy, Trần Công còn nghĩ ra loại ám khí còn “độc hơn”. Ông dùng cát trộn muối, bột ớt, bột tiêu hoặc có thể là một số loại thuốc rồi vo thành viên, thi thoảng vẫn mang theo người để… phòng thân.
Lần duy nhất đánh cướp bằng… đũa
Mặc dù tinh thông nhiều loại binh khí và đặc biệt là những ngón ám khí lợi hại nhưng trong suốt cuộc đời hành tẩu giang hồ, chỉ duy nhất một lần đại cao thủ Trần Công sử dụng tuyệt kỹ ám khí, đó là khi đương đầu với toán cướp hung hãn.
Có một đêm, khi đang ngủ say thì lão võ sư được người sư phụ gọi thốc dậy nói là đi đánh nhau. Trong trạng thái mơ màng, Trần Công vẫn chưa biết đã xảy ra chuyện gì.
Số là khi đó ở khu vực chùa Thầy (Hà Tây cũ) từng có một toán cướp hoành hành rất hung hãn, cứ đêm xuống là chúng tác oai tác quái, cướp bóc ngang nhiên. Không biết cầu cứu ai, một số người dân đã tìm đến thầy trò của Trần Công.
Trước khi lên đường để “điều trị” toán cướp, sư phụ đã dặn Trần Công “nhớ mang theo binh khí, nên nhớ đây là tên thảo khấu giết người không ghê tay”.
Nghe sư phụ mình nói thế, Trần Công rất lấy làm… mừng. Bởi toán cướp càng hung dữ bao nhiêu thì ông càng có cơ hội để thử nghiệm võ công ám khí của mình, thứ mà trước giờ ông chưa từng sử dụng để chiến đấu một lần nào.
Khoác đôi song hổ vĩ côn ra đến cửa, như sực nhớ ra điều gì, Trần Công quay lại cầm thêm nắm đũa (được ông làm từ sắt), món ám khí mà ông tập luyện đã lâu.
Đến nơi, thấy bọn cướp đang ngang nhiên quát tháo, dọa nạt người dân, Trần Công hết sức bất bình, ông lập tức xông vào can thiệp.
Phía bên kia, đang “hành sự” thì bị một gã thanh niên vóc dáng nhỏ con can thiệp, toán cướp tính “dạy cho gã này một bài học” vì dám “hỗn láo”.
Lập tức, một tên cướp hùng hổ vác binh khí lao lên tưởng sẽ “ăn tươi nuốt sống” cậu thanh niên nhỏ bé. Thế nhưng, vừa tiến lên được vài bước, hắn bỗng rú lên rồi ôm chân quỵ xuống.
Một chiếc đũa từ tay Trần Công phóng ra đã cắm phập vào đầu gối, khiến hắn hoàn toàn bất lực.
Thấy thuộc hạ bị dính đòn quá nhanh, tên tướng cướp đã giật mình lùi lại. Nhưng để thị uy với đám đàn em, hắn lại rống lên đồng thời tuốt kiếm chực xông tới.
Nhưng cũng chỉ trong chớp mắt, một chiếc đũa nữa được “thằng nhóc hỗn láo” phóng ra. Lần này, chiếc đũa được phóng hiểm hơn, sượt qua mặt, xuyên qua vành tai của tên trùm sỏ.
Thấy những giọt máu rơi lã tã xuống vai áo, tên tướng cướp mặt tái mét. Quá kinh hãi, tên tướng cướp lùi mấy bước rồi co cẳng chạy.
Thấy tuyệt kỹ lạ lùng ấy của Trần Công, vị sư phụ từ bấy giờ còn chưa ra tay, đã rất đỗi ngạc nhiên. Sư phụ hỏi ai dạy những tuyệt kỹ đó, Trần Công chỉ cười trừ nói rằng cái đó là ông tự mày mò, rồi năng luyện tập mà thành.
Kể từ đó, toán cướp bỗng bặt vô âm tín. Và cũng kể từ lần duy nhất đó tới tận khi từ giã cuộc đời (25/5/2013), lão võ sư Trần Công cũng chưa từng phải sử dụng tới những tuyệt kỹ ám khí thêm một lần nào nữa.