Đã đến lúc xóa bỏ các giải Cúp?

Giữa tuần này, các giải VĐQG lớn ở châu Âu sẽ tạm nghỉ nhưng trái bóng vẫn tiếp tục lăn trong khuôn khổ các giải đấu Cúp quốc nội.

Tuy nhiên điều đáng buồn là các đấu trường như FA Cup, Cúp Liên đoàn hay Copa Del Rey thu hút được không nhiều sự quan tâm cho dù vẫn có những cái tên đáng chú ý như Man United, Man City, Real Madrid hay Barcelona tham chiến. Và xem ra “khai tử” các giải Cúp này cũng là một giải pháp…

Bên trọng, bên khinh

Bóng đá hiện đại đang chứng kiến sự đi xuống của các giải đấu Cúp, có lẽ chỉ trừ Champions League, dù có thời các giải Cúp quốc nội từng được coi là rất “có giá”. Tại châu Âu, cho đến những năm 70-80 của thế kỷ trước, một danh hiệu vô địch Cúp QG – đặc biệt là FA Cup, đấu trường lâu đời nhất thế giới - cũng có tầm ảnh hưởng không kém chức VĐQG là bao nhưng kể từ khi công nghệ số bùng nổ và bóng đá chính thức trở thành một ngành công nghiệp giải trí thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Các giải đấu Cúp dần trở thành sân chơi hạng hai, không thu hút được nhiều người theo dõi và nhiều CLB cũng không mặn mà với chúng trong bối cảnh còn bận chinh chiến ở giải VĐQG hay cúp châu Âu.

Những chiếc Cúp mang lại vinh dự, nhưng thứ hạng cao ở giải VĐQG lại đem đến tiền và trong thời buổi thương mại hóa cao độ này thì có không ít đội bóng lựa chọn điều thứ hai. Chưa giành Cúp thì năm sau có thể giành lại, nhưng nếu không may tụt hạng hoặc rơi ra khỏi nhóm dự Champions League thì vị thế của CLB sẽ trở nên khác hẳn. Chẳng nói đâu xa, ở mùa trước Wigan Athletic đã chiến đấu hết mình để lên ngôi ở FA Cup và phải trả cái giá là xuống hạng Championship.

Mùa này, sau khi HLV Roberto Martinez cùng hàng loạt ngôi sao tháo chạy, Wigan đang lặn ngụp ở vị trí thứ 11 BXH Championship và không hẹn ngày trở lại Premier League. Năm 2011, Birmingham City cũng từng giành Cúp Liên đoàn sau khi hạ cả Arsenal trong trận chung kết và cũng có kết cục tương tự như Wigan, chỉ khác là hiện nay họ đứng thứ… 17 chứ không phải 11 ở Championship. Chứng kiến những bài học đó, HLV Paul Lambert của Aston Villa đã nói thẳng: “Lực lượng của chúng tôi rất mỏng và tích lũy từng điểm số ở giải Ngoại hạng mới là điều quan trọng. Thực ra mọi người đều nghĩ như thế, chỉ là không ai nói ra mà thôi”.

Tiền ít, khán giả cũng ít

Các CLB tẩy chay đã đành, khán giả cũng dần trở nên kém hứng thú với những giải Cúp. Tổng số CĐV góp mặt ở 32 sân bóng ở vòng 4 FA Cup vừa qua chỉ là 522.334 người, thấp hơn tới 80.310 người so với tổng mức trung bình của chính 32 CLB đó ở Premier League. Ở TBN thì mọi thứ cũng không khá hơn là bao.

Tác dụng lớn nhất của các giải Cúp có lẽ là cải thiện tình trạng tài chính cho một số CLB tí hon. Mùa giải 2007/08, Havant & Waterlooville – đội bóng đang chơi ở hạng Conference South và thậm chí không nằm trong hệ thống chuyên nghiệp Football League – đã lọt vào vòng 4 FA Cup và chỉ chịu thua Liverpool trên sân Anfield sau khi hai lần vượt lên dẫn trước. Kết quả là họ kiếm được 0,6 triệu bảng từ tiền thưởng tham dự và tiền bản quyền truyền hình, tương đương với 70% tổng thu nhập trong cả năm. Mùa 2005/06, Burton Albion – lúc đó cũng chưa được chơi chuyên nghiệp – đã kiếm được một trận đá lại với M.U sau khi cầm hòa “Quỷ đỏ” ở vòng 3 FA Cup. Riêng trận đấu đó đã giúp Burton đút túi 0,7 triệu bảng, qua đó cải thiện đáng kể sức mạnh và dần dần đã thăng hạng chuyên nghiệp ở mùa 2008/09.

Theo nhà báo Xavier Diez của tờ Mundo Deportivo, công chúng đã hầu như không còn quan tâm đến Copa Del Rey kể từ khi giải đấu này chuyển sang thể thức mới vào đầu những năm 2000, với hai lượt trận đi-về thay vì một trận duy nhất như trước. Tháng 12/2013, chỉ có vỏn vẹn 1.000 khán giả đến sân khi Recreativo Huelva tiếp đón Levante trên một SVĐ có sức chứa 20.000 người và trận Valencia – Nastic de Tarragona cũng chỉ thu hút được 4.000 CĐV, quá thấp so với sức chứa 55.000 chỗ của sân Mestalla.

Lượng khán giả đến sân thấp, số lượng ngôi sao không nhiều (vì các CLB lớn thường xuyên tung ra đội hình dự bị) và nguồn cung thừa mứa (thường có tới 20-30 trận đấu ở các vòng ngoài) là những lý do khiến truyền hình quay lưng lại với các đấu trường tranh Cúp quốc nội. Và trong thời buổi mà nguồn thu chính của các giải đấu đều xuất phát từ bản quyền truyền hình như hiện nay thì truyền hình quay lưng cũng có nghĩa là “đứt”.

Vì doanh thu hạn hẹp, Copa del Rey chỉ có thể thưởng 1 triệu euro cho nhà vô địch, Coppa Italia là 3 triệu euro và FA Cup là 2,7 triệu bảng (khoảng 3,5 triệu euro). Đó rõ ràng là những số tiền quá nhỏ (tương đương khoảng 1-2 tháng lương của những siêu sao hàng đầu) và không đủ để tạo động lực thi đấu cho các CLB.

Nếu cần thêm một dẫn chứng nữa thì tổng số tiền thưởng và tiền bản quyền truyền hình mà 763 (!) đội bóng ở Anh nhận được từ FA Cup mùa giải 2011/12 là 24 triệu bảng, chưa bằng 50% số tiền mà một mình Man City kiếm được (60,6 triệu bảng) từ việc lên ngôi vô địch Premier League trong cùng năm. Ngoài ra, tổng doanh thu từ việc bán vé vào cửa của toàn bộ các CLB tham dự FA Cup 2011/12 là 48 triệu bảng, cũng chưa bằng 1/2 thu nhập từ tổ chức trận đấu của một mình Man United (99 triệu bảng).

Ích lợi nào từ các giải Cúp?

Không mang lại nhiều tiền, tác động tiêu cực đến thành tích thi đấu ở giải VĐQG… xem ra các giải Cúp quốc nội có quá nhiều điểm kém hấp dẫn và ích lợi hiếm hoi của nó có lẽ là giúp các đội bóng, đặc biệt là những CLB nhỏ, mở ra cánh cửa đến đấu trường châu Âu mà cụ thể ở đây là Europa League.

Trong mắt nhiều đội bóng, giá trị của các giải Cúp quốc nội thấp đến mức vinh quang ở đó cũng chưa chắc đã giúp các HLV tránh khỏi cảnh mất việc. Năm 2012, Kenny Dalglish đưa Liverpool giành Cúp Liên đoàn và lọt vào đến trận chung kết FA Cup nhưng vẫn bị đội chủ sân Anfield sa thải (sau đó Liverpool đã xác nhận rằng họ vẫn sẽ đuổi việc King Kenny kể cả khi ông này VĐ FA Cup). Năm 2007, Jose Mourinho đăng quang ở FA Cup nhưng phải xách va li rời Stamford Bridge khi mùa giải mới vừa trôi qua được 6 vòng.

Tuy nhiên về mặt cảm tính thì cũng có thể thấy rõ rằng thi đấu vào các đêm thứ Năm ở Europa League chưa chắc đã là một chuyện tốt, mà điển hình là trường hợp của Newcastle ở mùa giải 2012/13. Từ chỗ xếp thứ 5 ở mùa 2011/12, “Chích chòe” đã tụt xuống thứ 17 ở mùa 2012/13 và suýt nữa xuống hạng mà một phần nguyên nhân là chiến dịch Europa League dài đằng đẵng.

Về mặt định lượng, theo một nghiên cứu của chuyên gia Daniel Atman (Bloomberg Sports) thì việc góp mặt tại đấu trường cấp CLB hạng hai này đúng là không có ích gì đối với kết quả xếp hạng tại giải trong nước. Cụ thể, tính trung bình thì mỗi đội bóng tham dự Europa League sẽ tụt tới 1,9 bậc trên BXH giải VĐQG trong cùng mùa bóng, trong khi đáng chú ý là việc chinh chiến tại Champions League hầu như không có ảnh hưởng gì tới thứ bậc ở giải nội địa.

Và xem ra đã đến lúc các nhà tổ chức bóng đá thực hiện một cuộc cách mạng với các giải đấu Cúp: hoặc là nâng cấp (bằng cách tăng tiền thưởng tham dự, hay trao cho nhà vô địch một vé dự Champions League chẳng hạn), hoặc là dũng cảm “khai tử” chúng. Có lẽ sự biến mất của các giải Cúp sẽ gây ra ít nhiều xáo trộn đối với các CĐV trong thời gian đầu, nhưng dần dần họ cũng sẽ quen và giải VĐQG sẽ trở nên hấp dẫn hơn mà đấu trường châu Âu là một minh chứng. Cúp Hội chợ, Cúp Intertoto và Cúp C2 đã lần lượt bị xóa tên, nhưng hầu như chẳng ai lưu luyến chúng và Champions League vẫn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vậy thì…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại