Công Phượng cô lập đồng đội?!

Thảo Du |

Sau trận đấu đầu tiên ra mắt trong màu áo Olympic Việt Nam, Công Phượng được cho là đã bị đồng đội cô lập khi anh xin bóng mà không được cho. Thế nhưng, trận đấu gặp U22 Uzbekistan, Phượng đã chứng minh, với “trình độ” của mình, Phượng dường như đã thành công trong việc cô lập 10 cầu thủ còn lại trong đội bóng.

Ở khán đài C-D, người ta nghe cả tiếng thảng thốt của cổ động viên khi họ gào lên: “Phượng ơi ngẩng mặt lên đi em”.

Mà thật, không ít người đến sân để xem tận mắt Công Phượng thi đấu thế nào đã lấy làm buồn lòng khi trước mặt họ, một Công Phượng cứ nhận bóng là cắm mặt xuống đất để dẫn banh và rồi... mất banh.

Anh Kinh Thi nhà ở quận 3 dẫn con đến sân bởi cậu bé mong muốn được chụp hình chung với Công Phượng, thế nhưng cuối trận, cậu bé lại thẳng thắn trả lời:

“Thôi, con tưởng sao, thấy báo khen nhiều quá. Giờ con thích Tuấn Anh, Văn Toàn hơn”.

Ngay đến như ông Miura tỏ vẻ tế nhị khi cho rằng ông không hay nhận xét về cá nhân cầu thủ, rằng ông thấy Công Phượng đá cũng được.

Nhưng cuối cùng ông vẫn phải cho rằng, hàng công là nơi làm ông lo lắng khi chẵng thể ghi được bàn thắng, phối hợp cũng chỉ dừng ở mức độ trung bình.

Vậy thật ra thì Phượng làm gì trên sân ngoài một cú sút mạnh ngay vào vị trí thủ môn đội bạn ở hiệp 2 và một pha khống chế bóng chạm tay qua được mặt trọng tài để uy hiếp khung thành ở hiệp 1?

Câu trả lời sẽ dễ hơn nếu để ý Văn Toàn, một đồng đội của Phượng ở HAGL chơi cùng ở trận đấu này. Toàn năng nổ lao vào tranh cướp bóng.

Toàn truy đuổi quyết liệt khi mất bóng. Toàn tìm được sự gắn kết với các đồng đội khác trong các pha phối hợp, đặc biệt là Huy Toàn.

Còn Phượng, cứ ngược lại những gì mà Văn Toàn làm sẽ ra đáp án. Phượng khi được chuyền bóng anh thường rê dắt đến khi mất bóng.

Phượng hiếm khi phối hợp với đồng đội ở các tình huống lên bóng, trừ khi anh rơi hẳn vào thế bất lợi. Sau khi mất bóng, việc tranh cướp dường như không thuộc về trách nhiệm của Phượng.

Văn Toàn, người cùng xuất thân ở học viện HAGL với Công Phượng, được mọi người đánh giá cao hơn bởi lối chơi gắn bó với đồng đội. Ảnh Tất Đạt

Vẫn biết và vẫn tin Công Phượng là một tài năng. Mọi người vẫn chờ đợi Công Phượng có những phút loé sáng bất thần để giải quyết trận đấu theo kiểu Văn Quyến thường hững hờ cả trận để rồi ghi bàn như ngày xưa.

Nhưng, đồng đội Phượng liệu có kiên nhẫn với Phượng hay không khi họ phải làm “công nhân” suốt cả trận để rồi nhìn Phượng mất bóng và họ lại phải tiếp tục tranh bóng đưa cho Phượng. Và liệu ông Miura có đồng ý đợi Phượng không?

Các tiền đạo còn lại có thấy hài lòng không khi họ không được trao cơ hội mà phải chờ đợi Phượng toả sáng?

Thật ra, điểm hay nhất khi có Công Phượng trên sân như một khán giả nhận xét là, Olympic Việt Nam sẽ không sợ bài phản công khi gặp bất kỳ đội bóng nào.

Lý do, phản công là phải bất ngờ, còn bóng vào chân Phượng, đa phần hổm rày là mất, vậy thì đồng đội anh cứ phải chuẩn bị sẵn. Mà không bất ngờ thì lấy gì mà đội bạn có cơ hội phản công lợi hại.

Thôi thế thì cũng hay. Công Phượng vẫn cứ nên ở trên sân và chờ toả sáng vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại