Ngân hàng Việt Nam nói trên chính là SHB. Danh vị mà nó gắn sau lễ ký là Ngân hàng chính thức của Barca tại Việt Nam. Nhưng SHB cũng còn là đối tác của Man City nữa.
Bầu Hiển như thế đã để cái ngân hàng mà ông làm Chủ tịch HĐQT bắt tay với hẳn hai CLB lớn.
Man City năm ngoái còn đến Việt Nam du đấu, một thương vụ không thành công về cả tài chính lẫn hiệu ứng truyền thông nếu nhìn từ góc của người trong cuộc nhưng lại được Man City đánh giá rất cao.
Sân Mỹ Đình không kín fan hâm mộ nhưng như thế vẫn còn khả dĩ hơn rất nhiều so với cảnh sân trống trơn ở Australia, nơi Man City cũng đấu với các CLB ở xứ chuột túi.
Lần đó, Bầu Hiển đã lôi Man City về Việt Nam sau khi đội bóng Anh từ bỏ kế hoạch sang Indonesia vì e ngại an ninh ở đó kém.
Vậy là Indonesia lại chia sẻ một điểm chung với Việt Nam trong việc tiếp cận với các CLB châu Âu.
Cách nay hơn 2 tháng, ngân hàng Mega Bank ở Indonesia cũng ký hợp tác với Barca để mang danh vị là ngân hàng Barca chính thức ở Indonesia. Lễ ký hôm 6/1 ngoài Giám đốc khu vực châu Á TBD còn có cả Phó Chủ tịch Barca.
So sánh giữa hai thị trường bóng đá thì Indonesia hơn đứt Việt Nam. Không chỉ bởi dân số, lòng cuồng nhiệt (ai nghi ngờ hãy tự google từ Indonesia football pasion hay Indonesia Liga sẽ rõ) mà bởi ở đặc thù kinh tế và thói quen tiêu dùng.
Chẳng hạn, ở Hà Nội, nếu đi mua áo đấu Barca thì người ta ra Trịnh Hoài Đức chứ không mấy người ghé Nike Store với lý do là giá một cái áo xịn thì mua được đủ áo nhái cho cả đội mặc.
Đồ chính hãng được tiêu thụ thế nào có quan trọng với các CLB hay không? Câu trả lời từ đại diện của Man City là không, vì việc đi tới đâu đá giao hữu với họ là để lan tỏa một thương hiệu mới nổi.
Nhưng Barca lại là một trường hợp khác. Thương hiệu của họ lan tỏa từ bao năm nay rồi, và hấp lực từ bộ ba MSN trong đó có Messi cùng với lối chơi cống hiến khiến họ không rơi vào tình thế là phải thân chinh đi đá để quảng bá.
Việc ký hợp tác để phát hành thẻ tín dụng thì các ngân hàng chỉ phải trả cho các CLB mấy trăm ngàn USD cho một thời hạn kéo dài mấy năm, nhưng để có một chuyến du đấu thì là vài triệu USD.
Chẳng hạn để Man City sang đá ở Mỹ Đình là 2 triệu USD, trong đó có khoảng 700 ngàn USD là do Tân Hoàng Minh chia sẻ với bầu Hiển.
Để mời Barca sang chắc chắn sẽ tốn hơn rất nhiều vì có lẽ cả thế giới đều muốn được thấy Messi, Neymar, Suarez, Iniesta, Busquet, Alves, Pique bằng xương lẫn thịt chơi bóng bên nhau.
Nhưng dù cho Barca có sang hay không, và sang khi nào thì thương hiệu ngân hàng của bầu Hiển cũng là một trong hai thứ được nói nhiều nhất thuộc lĩnh vực tài chính Việt Nam trong quãng thời gian qua.
Thứ còn lại là gói hỗ trợ bất động sản 30 ngàn tỉ đồng chuẩn bị hết thời hạn giải ngân có tỉ suất ưu đãi.
2. Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng ở đây bởi tại sao một người có tài trợ hoặc sở hữu hoặc tiếng nói quyết định ở ít nhất là ba CLB (T&T, SHB Đà Nẵng, Hà Nội FC) nếu không tính Quảng Nam mà lại không thể chọn ra được một để làm thương hiệu cho thẻ cho chính doanh nghiệp của mình?
"Từ giờ Barca sẽ ưu tiên cho Việt Nam"
Với bản hợp đồng hợp tác cùng SHB, từ đây Việt Nam đã đủ điều kiện để được Barca đưa vào danh sách xem xét mỗi khi lên lịch du đấu mùa hè châu Á.
Trước khi trả lời câu hỏi thì không thể phủ nhận một thực tế là bầu Hiển là người cực mát tay với bóng đá.
Trong khi nhiều người còn đánh vật với một đội duy nhất, thì bầu Hiển cứ chạm vào đâu là đội bóng ấy cũng thành vàng theo tiêu chuẩn V-League.
SHB Đà Nẵng rồi HN T&T đã vô địch V-League còn Hà Nội FC thì thăng hạng V-League tới hai lần. Nay thì Hà Nội FC sắp biến thành Sài Gòn FC, và trở thành một dạng SIÊU QUÀ để tặng cho thành phố năng động bậc nhất đất nước nhưng trắng bóng đá đỉnh cao trong nhiều.
Nhưng bầu Hiển cũng không thể vượt lên khỏi quy luật, hay nói cách khác là phải chấp nhận một thực trạng của BĐVN là các CLB được xây dựng đôi khi chỉ là chìa khoá để mở ra cánh cửa hợp tác cho ông bầu với các địa phương.
Còn giá trị thương hiệu của tất cả các CLB ở Việt Nam nếu muốn làm nổi bật cho nhà tài trợ thì chính nhà tài trợ phải tạo ra các khoản thưởng lớn để được gọi là đại gia.
HAGL là đội làm thương hiệu tích cực nhất nhưng cũng chỉ được và nhờ một số gương mặt nhất định như Công Phượng, Tuấn Anh, và họ cũng chỉ nổi bật trở lại sau khi bắt tay được với Arsenal để mở học viện, rồi đưa đội bóng London sang du đấu.
Becamex Bình Dương gặt hái tới bốn chức vô địch nhưng họ không có nhà tài trợ nào lớn khác ngoài chủ sở hữu Becamex.
Trở lại với đội bóng của bầu Hiển, HN T&T không thể trở thành đòn bẩy thương hiệu ở giai đoạn mới khi T&T đã vươn lên một tầm mức cao hơn so với thời họ chỉ nổi về xe máy và ống nhựa bọc cáp điện ngầm.
Trên ngực áo của HN T&T hiện có logo Tân Hoàng Minh thực tế là sự trao đổi hỗ trợ ngược trở lại vì tập đoàn bất động sản này đang dựa vào nguồn vốn của bầu Hiển (thông qua hệ thống ngân hàng).
Sự sa sút của HN T&T thời gian qua, tiếp nối với sự chia tay của HLV Phan Thanh Hùng có thể là sự báo hiệu rằng bầu Hiển đã chuyển hướng làm thương hiệu bằng bóng đá khi mà chính ông nhận ra việc đi chinh phục tình cảm của người hâm mộ Thủ đô vốn rất khó tính giống như cuộc chiến với cối xay gió.
Cầm vài đội bóng Thủ đô hay tài trợ cho gần 1/3 đội bóng ở V-League thì tiếng tăm có lẽ cũng không bằng một cái bắt tay với người khổng lồ Barca chăng?
Vì sao bầu Hiển không mở học viện bóng đá?
Khi Ngân hàng SHB bắt tay với Man City để làm thương hiệu, ai cũng nghĩ rằng đội bóng Anh sẽ mở học viện với SHB Đà Nẵng. Khi Man City sang Việt Nam du đấu, người của họ cũng tới SHB Đà Nẵng để nói về việc kinh doanh bằng chính bóng đá.
Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Trên thực tế, Man City lại được một đội bóng khác ở Việt Nam mời làm đối tác để mở học viện. Viettel từ năm 2015 đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện của Man City liên quan tới dự án mở học viện ở trung tâm Hoà Lạc (Hà Nội).
Nhưng, những yêu cầu về tài chính của Man City để có một “dây chuyền” đào tạo trẻ hoàn chỉnh là rất lớn, mỗi năm có thể ngốn số tiền gần tương đương với việc mời cả dàn sao Man City sang đá một trận.