LTS: Chuyện thứ Ba là một góc ngẫm và “đi” cùng bạn đọc từ câu chuyện xã hội để "bắt bệnh" và hiểu thấu các vấn đề thể thao trong nước cũng như quốc tế dưới góc nhìn của những cây bút hàng đầu hiện nay.
Bài Chuyện thứ Ba sẽ được đăng tải vào sáng thứ Ba hàng tuần, mời độc giá chú ý đón đọc.
Những ngọn lửa từ thủ đô Hà Nội đến Lý Sơn và Hoàng Sa thiêng liêng
Đêm thứ Bảy (16/1), trong cái giá rét và mưa phùn của mùa đông Hà Nội, bầu không khí tại triển lãm Giảng Võ vẫn được hâm nóng hơn bao giờ hết bởi rock show: “Đôi bàn tay thắp lửa”.
Đây có thể nói là một rock show lịch sử, khi nhân vật chính của đêm diễn đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.
Trong đêm diễn rung động lòng người ấy, Trần Lập đã hát tặng và gọi vợ mình là chiến binh. Nhưng thật ra Trần Lập mới xứng đáng là một chiến binh.
Anh không chỉ thắp lửa cho chính mình mà anh còn đã thắp lửa cho những người xung quanh, những bệnh nhân đang phải chống chọi với tử thần.
Dù thế nào con người vẫn có thể “Này! Chàng trai, hãy xứng đáng là người đàn ông. Hãy vững sống và thật hiên ngang”.
Trần Lập vẫn đang vững vàng trước căn bệnh hiểm nghèo, để thắp lửa cho chính mình và cho rất nhiều người khác.
Nửa ngày sau tại Lý Sơn còn có một ngọn lửa khác ý nghĩa, quý giá hơn được thổi bùng lên. Đó là ngọn lửa của lòng yêu nước, ngọn lửa quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Những viên đá đầu tiên của “Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” đã được đặt tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
“Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” được xây dựng theo phương án thiết kế "Người mẹ thắp lửa - Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" mang hình ảnh người mẹ đứng trên bờ biển trông ngóng những người con trở về.
Những người con ấy là các hùng binh theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác quần đảo này từ những ngày xa xưa;
Là những người ngư dân đất Việt đã nằm lại để bảo vệ, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, và là cả 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống trong cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 42 năm chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc.
Người mẹ không chỉ dang tay đón những đứa con trở về trong bi thương, mà trên tất cả người mẹ ấy chính là ngọn hải đăng soi sáng chờ ngày đứa con mang tên Hoàng Sa kiêu hãnh trở về với đất mẹ.
Nhưng với bóng đá Việt Nam, chỉ có đêm đen vẫn đang ngự trị
Những ngọn lửa tại Hà Nội và Lý Sơn tượng trưng cho niềm tin, hi vọng vào tương lai. Và những người hâm mộ bóng đá Việt nam đang rất thèm khát một ánh lửa tương tự như thế.
Thực tế, cũng đã có lúc chúng ta tưởng chừng nhìn thấy tia sáng trong đường hầm. Đấy là thời điểm năm 2013, khi lứa cầu thủ U19 của Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG được trình làng với chiến thắng để đời 5-1 trước U19 Australia.
Sự xuất hiện của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh thực sự đã mang đến 1 làn gió mới đầy lạc quan cho tất cả, từ giới mộ điệu đến các nhà lãnh đạo VFF. Các quan chức VFF đã mơ mộng, thậm chí là đề cập đến những chiến tích lớn lao như VCK World Cup.
Nhưng có lẽ giờ đây chẳng ai còn dám nói về những điều xa xỉ ấy nữa. Đơn giản bởi, niềm tin đã tắt ngấm chỉ sau 3 năm ngán ngẩm. Giống như một định mệnh, chính người Australia đã kéo chúng ta trở lại mặt đất.
U23 Australia đánh bại U23 Việt Nam, góp phần khiến thầy trò HLV Miura bị loại sớm khỏi VCK U23 châu Á.
Thất bại 0-2 trước U23 Australia và chính thức phải dừng bước sớm ở VCK Châu Á cho thấy ngày bóng đá Việt Nam có thể thoát khỏi vùng trũng còn rất xa xôi.
Lứa cầu thủ đầu tiên của lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đã nhen lên những hi vọng. Nhưng như thế là không đủ.
Một cánh én nhỏ không thể làm nên mùa xuân. Các em có một nền tảng khởi đầu tốt, nhưng để trưởng thành, thành danh thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là môi trường phát triển.
Giống như lứa cầu thủ của Văn Quyến trước đây chúng ta có thể gây tiếng vang ở cấp tuổi U, nhưng khi bước vào giai đoạn chuyên nghiệp thực sự thì không có cửa cạnh tranh với các nền bóng đá hàng đầu Châu lục.
Công Phượng và các đồng đội cũng vậy. Ở tuổi dưới 19 họ có thể xuất sắc hơn những đồng nghiệp đến từ Australia. Nhưng ở thì hiện tại để lặp lại chiến tích mà họ có được thì lại là một giấc mơ phi thực tế.
U23 Việt Nam 0-2 U23 Australia
“Không thể trách NHM chỉ trích, than phiền được vì đó là xuất phát từ tình cảm họ dành cho đội tuyển.
Mà thực ra bây giờ, NHM cũng ngày càng thông thái. Như trận chúng ta thắng Đài Loan 2-1, tại sao NHM vẫn chỉ trích?
Vì với họ thắng là chưa đủ, quan trọng là không thể chơi kiểu bóng dài, bóng bổng bất hợp lý được” - chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định về việc CĐV chán nản với nền bóng đá nước nhà.
Tất nhiên, khó có thể chờ đợi gì hơn, khi mà các em phải đắm mình trong nền bóng đá Việt Nam.
Nơi các quan chức còn đang bận đấu đá nhau, chứ chẳng đoái hoài đến hoạch định phát triển, chuyên môn.
Mà đến chính một cựu Phó Chủ tịch tổ chức này là ông Lê Thế Thọ còn phải thừa nhận: “VFF là cái chợ trời với toàn con buôn”.
Có lẽ, cũng chính vì bận bịu thu vén cá nhân và “chiến đấu” nơi "hậu trường" nên VFF đang khoán trắng mọi việc cho HLV Miura vốn đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và bất hợp lý về mặt chuyên môn.
Trước đêm rock show ấy người ta từng phải lên kịch bản Trần Lập sẽ ngồi xe lăn để biểu diễn.
Nhưng không, chàng rocker đang bị hành hạ bởi căn bệnh chết người, vô phương cứu chữa ấy vẫn hiên ngang “cháy” trên sân khấu, “thắp lửa” cho người khác.
Chắc chắn có nằm mơ người ta cũng không thể trông chờ VFF thắp lên một ngọn lửa tương tự. Có lẽ vào lúc này VFF còn yếu đuối, kiệt quệ hơn cả một bệnh nhân ung thư.
Câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ đứng lên, cắt phăng hay chữa trị khối u đang giết dần giết mòn nền bóng đá Việt Nam?