Chuyện những người "nhuộm đỏ" sân cổ vũ U19 Việt Nam

Bạn sẽ không bao giờ quên được những màn cổ vũ quá hoành tráng trên khán đài trong các trận đấu của U19 Việt Nam.

Ra đời từ tình yêu với U19 Việt Nam

Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam được thai nghén bởi một nhóm cổ động viên tâm huyết ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình theo dõi và cổ động đội tuyển U19 Việt Nam hồi cuối năm ngoái.

Ý tưởng về sự ra đời của hội được ông Trần Hữu Nghĩa - một cổ động viên kỳ cựu, chia sẻ với một nhóm các bạn trẻ yêu bóng đá ở miền Nam.

Qua các giải U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á, ý tưởng thành lập hội dần trở thành hiện thực. Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam ở thời kỳ đầu là tập hợp của các hội “fan” Arsenal, Manchester United, Barcelona, Real Madrid, Liverpool, hội cổ động viên Sài Gòn, hội cổ động viên Thanh Hóa và đặc biệt là Hội hâm mộ HAGL Arsenal JMG.

Hai hoạt động lớn đầu tiên của hội là tổ chức cổ vũ đội tuyển futsal Việt Nam ở giải futsal quốc tế 2013 tại nhà thi đấu Phú Thọ và cổ vũ U23 Việt Nam tại nhà văn hóa thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian xây dựng, hội cổ động viên hiện có khoảng 800 thành viên. Được sự hỗ trợ của nhà tài trợ Nutifood (tài trợ 300 vé mỗi trận), hội quyết tâm chuẩn bị cho cuộc “phô trương thanh thế” ở giải U19 quốc tế.

Cơn sóng đỏ và tình yêu bị thử thách ở Thống Nhất

Tình yêu và sự chuyên nghiệp của hội cổ động viên bóng đá Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ nhất trong các thất bại của U19 Việt Nam ở giải U19 quốc tế. Bất chấp 3 trận thua tan tác của đội tuyển, hổi cổ động viên Việt Nam luôn thể hiện tinh thần cổ vũ chuyên nghiệp và hết mình. Khán đài của hội luôn là điểm khởi phát cho các cơn sóng cổ vũ trên sân Thống Nhất. Đây cũng là nơi tinh thần cổ vũ lên cao nhất.

Ngay cả khi rất nhiều người hâm mộ đã bỏ về ở trận gặp U19 Nhật Bản, khán đài của hội cổ động viên Việt Nam vẫn không hề suy chuyển. Họ đã ở lại bên các cầu thủ, tiếp sức cho U19 Việt Nam tới những phút cuối cùng.

Những tiếng hô vang “không sao,” “chuyện nhỏ” đã mang tới rất nhiều sự động viên cho Xuân Trường và các đồng đội. Khi cả 3 trận đấu kết thúc, chính các cổ động viên áo đỏ cũng là những người ở lại tới cuối cùng để... nhặt rác trên các khán đài.

Những hình ảnh của họ đã làm nhiều phóng viên có mặt tại Thống Nhất ngạc nhiên. Nhiều người đã quay sang hỏi nhau về hội cổ động viên bóng đá Việt Nam - một tổ chức hoàn toàn mới của bóng đá Việt.

Những khó khăn đầu tiên

Giống như mọi tổ chức phi lợi nhuận khác, khó khăn đầu tiên của hội cổ động viên bóng đá Việt Nam là vấn đề tài chính. Hội hiện chưa có nhà tài trợ chính thức nào. Mọi chi phí hoạt động đều đến từ tiền túi của những thành viên hội.

Những người sáng lập tin rằng việc phải bỏ tiền túi mua vé sẽ khiến các thành viên có trách nhiệm hơn với hoạt động của hội. Trang thiết bị cổ vũ, cờ quạt, mũ áo, trang phục cũng đến từ tiền túi của các cổ động viên.

Trao đổi với Vietnam+, những người sáng lập thừa nhận với một giải đấu nhỏ, giá vé rẻ và diễn ra ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, tài chính chưa phải là câu chuyện quá lớn. Nhưng nếu giải lớn hơn, giá vé cao hơn và tổ chức ở các địa điểm khác, họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ hai đến từ chính nội bộ tổ chức. Ba tiêu chí ban đầu của hội cổ động viên bóng đá Việt Nam là đoàn kết, kỷ luật và chuyên nghiệp. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng cao độ từ chính các cổ động viên và hàng ngũ lãnh đạo. Kế hoạch cổ vũ được lên chi tiết, có các bài tập hẳn hoi.

Các thành viên hội đã có nhiều buổi tổng duyệt cho các trận đấu. Video dạy cách cổ vũ thậm chí còn được tung lên YouTuBe. Nhóm nòng cốt còn tiết lộ họ đã không được theo dõi diễn biến các trận đấu bởi phải quay lưng về phía khán đài nhằm làm quản trò cho các thành viên trong hội.

Khó khăn thứ ba đến từ các yếu tố khách quan. Trong 3 trận đấu ở giải U19 quốc tế, hội đều bị lực lượng phe vé trà trộn phá hoại. Hội cũng không được dư luận biết tới quá nhiều và chưa được sự công nhận từ VFF.

Trong khi đó, cơ cấu tổ chức của hội cũng chưa rõ ràng và chuyên nghiệp. Hoạt động của hội mới chỉ tập trung ở miền Nam chứ chưa mạnh tại miền Bắc.

Bất chấp tất cả, những điều Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam làm được ở giải U19 quốc tế vẫn rất đáng ghi nhận.

 

Sẽ cổ vũ đội tuyển nữ giải châu Á vào tháng Năm

Chia sẻ với Vietnam+, anh Nguyễn Ân (người đã truyền trực tiếp các trận đấu của U19 Việt Nam ở Malaysia - một trong những lãnh đạo chủ chốt của hội) cho biết hội cổ động viên bóng đá Việt Nam muốn lập một trang sử mới trong lịch sử cổ động bóng đá Việt Nam.

Anh chia sẻ: “Đội U19 Việt Nam là một đội U19 chuyên nghiệp về mọi mặt. Vậy tại sao ngay lúc này, chúng ta không xây dựng một hội cổ động viên chuyên nghiệp như U19 Việt Nam.

Các cổ động viên không phân biệt U23 hay U19, chỉ cần các cầu thủ khoác trên mình cờ đỏ sao vàng. Chỉ cần ra sân, thể hiện tinh thần hết mình, chúng tôi luôn ở bên các bạn."

Kế hoạch lớn trong thời gian tới của hội là tổ chức cổ vũ đội tuyển nữ quốc gia Việt Nam ở giải vô địch châu Á vào tháng Năm tới. Hội cũng đang lên kế hoạch sang Myanmar cổ vũ U19 Việt Nam tại vòng chung kết U19 châu Á vào tháng Mười.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại