Chuyện Công Vinh, Công Phượng

Trần Hải |

Một lần nữa, Công Vinh được Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Lê Thụy Hải tung vào sân từ nửa sau hiệp 2, khi trận đấu gần như đã ngã ngũ, lần trước là chiến thắng 4-2 (sau khi dẫn 4-0) trên sân Tam Kỳ của QNK.Quảng Nam và chiều 17/1 vừa qua khi B.Bình đã sớm dẫn đối thủ SHB.Đà Nẵng 3 bàn ngay trong hiệp 1.

Trong một diễn biến khác, đàn em đồng hương của Công Vinh Công Phượng tiếp tục "tắt tiếng" kể từ sau lần ra mắt, khiến HA.GL để thua Thanh Hoá 1-2 ngay tại sân nhà Pleiku.

20 phút của Công Vinh

Bất chấp việc được mua về với giá cao (ước tính khoảng 7 tỷ đồng/3 năm), Công Vinh vẫn nằm ngoài mọi kế hoạch sử dụng của GĐKT Lê Thuỵ Hải, từ giải bóng đá quốc tế TOYOTA Mekong Cup 2014, giải đấu ra mắt của tiền đạo số 1 đội tuyển Việt Nam và cũng là số 1 lịch sử V-League cho đến khi V-League đã diễn ra được 3 vòng.

Một hình ảnh lặp lại rất thường thấy là 20 phút cuối trận cho Công Vinh, khi B.Bình Dương đã chắc thắng và Vinh rời sân bằng cái lắc đầu.

10 năm nay, Công Vinh đã và luôn là số 1, ở mọi đội bóng anh từng thi đấu với mọi cấp độ giải đấu.

Đơn giản ngoài khả năng chuyên môn tốt, Công Vinh cũng chủ động xây dựng hình ảnh như một thủ lĩnh trên sân, chứ không chỉ giỏi chuyện kiếm tiền từ các bản hợp đồng quảng cáo.

Nhưng Vinh ở Thủ Dầu Một là một câu chuyện hoàn toàn khác: Anh phải làm quen với băng ghế dự bị, ngay từ ngày đầu đến đây và được trao rất ít cơ hội thể hiện chứ đừng nói ý thức vai trò.

Công Phượng gặp khó khăn trong việc khẳng định khả năng của mình tại sân chơi V.League. Ảnh: HA.GL FC

Công Phượng gặp khó khăn trong việc khẳng định khả năng của mình tại sân chơi V.League. Ảnh: HA.GL FC

HLV Nguyễn Thanh Sơn, người dù đăng ký chức danh HLV trưởng nhưng lại được ý thức như một chân giúp việc của GĐKT Lê Thuỵ Hải cho rằng, đội bóng không có lý do gì để thay đổi khi đang có sự ổn định.

Trong bóng đá, với các cuộc đua đường trường khốc liệt như V-League, tính ổn định là điều tiên quyết với một đội bóng giàu tham vọng.

Sự dồi dào về nhân sự giúp GĐKT Lê Thụy Hải biến một đội bóng sở hữu vũ khí chiến thắng trở thành công thức chiến thắng.

Tiến Thành và Moses tạo thế “gọng kìm” ở trung tâm hàng tiền vệ, Tăng Tuấn, Anh Đức và thậm chí cả Quang Vinh đá lệch biên, “hung thần” Dieng Abass và một Trọng Hoàng đa năng, hiệu quả chính là công thức chiến thắng trong tay ông Hải “lơ”.

Rất khó để Công Vinh tìm chỗ đứng, dù anh vẫn không ngừng nỗ lực. Ngay cả Tấn Tài, người vừa mới bình phục chấn thương cũng phải chịu sự cạnh tranh của Tiến Thành và Văn Bình để tìm một suất ở trung tâm hàng tiền vệ.

Một cầu thủ giàu khát vọng và luôn ý thức được giá trị bản thân như Công Vinh chắc chắn không tìm về Thủ Dầu Một, chỉ để… bán áo và quảng cáo.

Thực tế có phần nghiệt ngã khi người ta sử dụng Công Vinh cho một mục đích khác, cái đích mà ông Hải “lơ” không có nhiệm vụ chia sẻ.

Và 270 phút của Công Phượng

Đặt Công Phượng đứng cạnh Công Vinh sẽ khiến người trong cuộc cảm thấy bị tổn thương. Bản thân Công Vinh trong rất nhiều câu hỏi đề cập cũng từ chối nói về Công Phượng và lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng.

Nhưng bóng đá, nếu không có những so sánh sẽ hạn chế khát vọng và cả động lực.

So với bản thành tích dầy dặn của đàn anh Công Vinh, Công Phượng dù đang là cái tên “hot” bậc nhất nền bóng đá, vẫn cần cả sự nghiệp để tích luỹ, chứ dừng nói ngày một ngày hai.

Sau lần ra mắt sàn diễn V-League khá tưng bừng, với cú đúp bàn thắng vào lưới S.Khánh Hoà BVN, Công Phượng đã thôi không lên tiếng ở 180 phút sau đó: Các trận thua ĐT.Long An (vòng 2) và Thanh Hoá (vòng 3) cùng tỷ số 1-2.

Người chơi nổi nhất trong màu áo HA.GL ở 2 trận đấu này, rất tiếc không phải Công Phượng mà là Hoàng Thiên, cầu thủ từng bị điền tên vào danh sách thanh lý như hơn chục các cái tên HA.GL khác, sau khi bầu Đức quyết định dùng lứa Công Phượng đá V-League.

Công Phượng đã có đủ thời gian và cả cơ hội, nhưng không khá hơn đàn anh Công Vinh là mấy.

Ở mặt nào đó, trong khi B.Bình Dương của Công Vinh chưa từ bỏ thói quen chiến thắng, dù có hay không có anh trong đội hình thì tệ hơn, HA.GL của Công Phượng đã 2 phen làm bại quân, khi bản thân cầu thủ này chiếm suất chơi chính.

Nếu tin vào những con số và cả số phận, vẻ như đường hoạn lộ của những người con xứ Nghệ xa xứ sau này, luôn không mấy hanh thông. Trọng Hoàng là một trường hợp cá biệt!

Khi vận may tiếp tục ngoảnh mặt Công Vinh, cơ hội và cả tương lai vẫn còn nguyên cho Công Phượng.

0 – Là số điểm của SHB.Đà Nẵng và Đồng Nai sau 3 vòng đấu đầu tiên. Ở chiều ngược lại, Hải Phòng chưa để thua bàn nào và là đội duy nhất giữ sạch mành lưới tính cho đến thời điểm này của V-League 2015.

3 – Với 3 bàn thắng ghi được vào lưới thủ môn Văn Cường (QNK.Quảng Nam), Hoàng Vũ Samson là cầu thủ đầu tiên lập được hat-trick tại V-League 2015.

Sau 3 vòng đấu, chân sút nhập tịch của CLB Hà Nội.T&T cũng đang tạm dẫn đầu danh sách Vua phá lưới, cùng ghi được 4 bàn như Tăng Tuấn và Abass (B.Bình Dương).

9 – Đây là số điểm của ĐKVĐ B.Bình Dương sau 3 vòng đấu đầu tiên tại V-League 2015. Họ cũng là đội duy nhất toàn thắng tính cho đến thời điểm này của mùa giải 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại