1. Lâu nay, người đời cứ hay xì xào về chuyện một kiều nữ nào đó có quan hệ ái tình với một đại gia, kiểu xì xào theo hướng ‘tiêu cực’, cho rằng kiều nữ ấy chỉ yêu vì tiền.
Phần lớn đều cho rằng tiền không mua được tình yêu với quan niệm lý tưởng hóa tình yêu đến mức độ nó phải là rung động đơn thuần của hai con tim, hai tâm hồn chứ dứt khoát không thể bị can thiệp bởi đồng tiền.
Nhưng những lý luận ấy đều viển vông cả. Đời sống mỗi con người được tổng hợp bởi rất nhiều nhu cầu và sự cân bằng giữa các nhu cầu ấy, cũng như sự thỏa mãn ở các nhu cầu ấy luôn mang lại cho con người ta cảm giác khoan khoái.
Kiều nữ có thể ban đầu không có ấn tượng gì với một đại gia nhưng qua một quá trình được săn đón, kiều nữ rất dễ xiêu lòng.
Đó không phải là sự quy hàng trước vật chất, tức các món quà đắt tiền, hay sự đáp ứng một đời sống sung túc, xa hoa mà là cái xiêu lòng trước tính hào phóng và khả năng là một điểm tựa an toàn từ phía đối tác của mình.
Xiêu lòng rồi yêu, thậm chí yêu đến không dứt ra nổi, sẽ là một tiến trình bình thường của diễn biến tâm lý. Và suy cho cùng, đồng tiền lúc ấy cũng thể hiện được giá trị của nó, khi nó giúp cho tình cảm nảy nở một cách chân thành.
2. Cách đây chừng hơn tháng, vài người trong giới phóng viên thể thao kháo nhau rằng phía bầu Hiển rò rỉ thông tin về chuyện ông sẽ đưa CLB Hà Nội vào TPHCM và đổi tên thành Sài Gòn FC (trong tương lai) để TPHCM cũng có một đội bóng chơi ở V-League.
Việc di dời một đội bóng như thế có thể coi là món quà mà bầu Hiển dành cho tân Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nói riêng và cho người hâm mộ bóng đá TPHCM nói chung. Song, món quà ấy không thể mang lại diễn biến tâm lý tình cảm kiểu kiều nữ - đại gia.
Đơn giản, người hâm mộ bóng đá không yêu một đội bóng vì sự hào phóng của ông chủ của nó, hay vì ông chủ của nó có thể là một điểm tựa cho đời sống của họ như kiều nữ xiêu lòng trước đại gia.
Người hâm mộ yêu bóng đá vì trước hết nó là bóng đá, là một cuộc chơi mà họ phải tìm được mình trong đó, dù chỉ là cương vị của những người ngồi trên khán đài và cổ vũ.
Đó là một quá trình sinh tồn đậm đầy các câu chuyện tạo nên chất liệu văn hóa, lịch sử cho đội bóng ấy và vượt trên hết, là sợ dây nối kết giữa đội bóng ấy với thuộc tính văn hóa của địa phương là cái nôi của nó.
Thế nên, có thể nói là cái cách bầu Hiển đưa CLB Hà Nội vào Sài Gòn là cái cách yêu kiểu đại gia, một thứ tình cảm được bày tỏ không đúng cách ở môi trường bóng đá. Nó khiên cưỡng, và nói đúng ra, có thể có hại nhiều hơn là có lợi.
Sài Gòn vẫn được coi là một thành phố rất bao dung. Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay với người nhập cư, cho họ những cơ hội tồn tại trong lòng thành phố.
Nhưng để trở thành một công dân Sài Gòn thì lại là chuyện khác. Thành phố nào cũng có triết lý riêng của nó, có thuộc tính riêng của nó.
Chỉ những người hiểu được thuộc tính riêng của Sài Gòn mới có thể trở thành một phần của Sài Gòn, trở thành công dân Sài Gòn đúng nghĩa.
Việc đưa CLB Hà Nội vào TPHCM và dự tính đổi tên thành Sài Gòn FC thực chất là một hành động không thấu hiểu thuộc tính Sài Gòn.
Thành phố từng có những đội bóng như Ngôi Sao Gia Định; Cảng Sài Gòn; Hải Quan; Công An TPHCM vẫn luôn tự hào về cách chơi bóng đá; yêu bóng đá của riêng mình.
Người Sài Gòn tự hào về thứ bóng đá của họ, những thế hệ cầu thủ của họ và họ muốn được cạnh tranh sòng phẳng với các trung tâm bóng đá lớn trong nước chứ không phải cạnh tranh theo kiểu “chấp” nhau như thế.
Hơn nữa, về nhiều lĩnh vực, Sài Gòn vẫn như một đối trọng lớn với Hà Nội suốt nhiều thập niên qua, một đối trọng cân bằng, đẹp mắt. Hai thành phố như hai điểm sáng ở hai đầu đất nước ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả thể thao.
Sự đi xuống của bóng đá TPHCM (phần nhiều do cấp quản lý) đã là một nỗi buồn rất lớn với người hâm mộ Sài Gòn và bây giờ, nếu mang một đội bóng Hà Nội vào khoác áo Sài Gòn, đó sẽ là chuyện có thể khiến người hâm mộ Sài Gòn tổn thương nặng nề.
Mà khi đã tổn thương nặng nề, chắc chắn sẽ không thể nảy sinh tình yêu trong lòng người hâm mộ với một đội bóng “vô gia cư” như thế.
Trong khi đó, TPHCM cũng đang có một CLB bóng đá, đang chơi ở hạng nhất nhưng nhiều khả năng sẽ được thăng hạng V-League sau mùa bóng này.
Chính ông Trần Anh Tú, chủ tịch LĐBĐ TPHCM khẳng định mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá TPHCM là năm nay CLB ấy phải thăng hạng.
Người Sài Gòn sẽ thích và yêu cái quá trình chiến đấu của đội bóng thực sự của mình ấy hơn là yêu và thích một món quà xa xỉ từ ai đó, với cách trao quà hơi cảnh vẻ.
Và chắc chắn, nhiều người Sài Gòn đang háo hức với những cách tân của tân bí thư Đinh La Thăng sẽ vững tin rằng ở cương vị của mình, ông Thăng sẽ không coi CLB chuyển đổi vào thành phố là con đẻ của bóng đá thành phố.
Thậm chí, họ còn tin rằng ông Thăng sẽ tỉnh táo mà từ chối món quà của đại gia “bầu Hiển” ấy và dồn tâm huyết cho đội bóng thực sự của Sài Gòn là CLB TPHCM trong nỗ lực thăng hạng của họ ở mùa giải này.
Có một đồng nghiệp của tôi nhận xét khá đúng về việc chuyển đổi đội bóng từ địa phương này sang địa phương khác của bóng đá Việt Nam suốt những năm qua bằng nhận định “dị tật của một nền bóng đá”.
Lần dị tật này sẽ để lại vết thương lớn hơn nữa, không chỉ trong lòng CĐV mà trong chính các cầu thủ, những người tự nhiên bị bứt khỏi gốc rễ của mình (khán giả Hà Nội) và ném vào hoàn cảnh tha hương, vô gia cư dù rằng thực sự họ đang có một ngôi nhà.