Mới đây thôi, cả loạt cầu thủ được gọi lên các đội tuyển của HLV Miura, lần lượt dính chấn thương nặng nhẹ khác nhau, khiến cho những CLB có đông quân lên tuyển như HAGL hay SLNA cứ gọi là “kêu oai oái”.
Rồi người ta cũng dần nhận ra rằng, HLV Miura quả có lý khi kiên quyết rèn quân, ai không chịu nổi thì rơi rụng và những người còn lại là những người tốt nhất có thể gánh vác trách nhiệm cho đội tuyển.
Chả thế mà đá giao hữu ngay trước thềm SEA Games 28, Hoàng Thịnh vẫn cứ chiến hết mình trước cầu thủ Hàn Quốc, để rồi niềm hy vọng về một cầu thủ đánh chặn tốt nhất lúc bấy giờ lại phải xem SEA Games qua tivi.
Rõ ràng, HLV Miura có quan điểm khác với nhiều người và điều đó, ít nhất khán giả cũng không phải xem những trận giao hữu vô bổ, thắng như chẻ tre nhưng vào giải thì không bao giờ vượt qua vòng “gửi xe”.
Chỉ có điều, sau khi “lọt sàng xuống nia” những cầu thủ đảm bảo thể lực cho cuộc đua đường dài, chân cẳng lành lặn lại thi đấu như những lực sĩ. Họ phần lớn là những người chỉ biết phất bóng dài lên, mặc cho tiền đạo tự lo liệu.
Điều đó, khác hẳn với bóng đá Việt vốn quen có một cầu thủ cầm nhịp, thể lực có thể yếu nhưng đôi chân cực kỳ ngoan ngoãn và chính cầu thủ này mới là ngòi nổ quan trọng kiểu Hồng Sơn hay Minh Phương như từng thấy.
Cũng để thấy bóng đá Việt cứ mãi loay hoay giữa việc chọn cách đá nhỏ, khéo léo hay cách muốn vươn lên để thắng đối thủ trước hết phải thắng về thể lực, ý là phải “đè” được người khác mình mới có bóng, phải chạy hùng hục mới đoạt được bóng, phải khỏe mới không thua về cuối trận, phải cao to mới không bị ép từ trên không...
Cũng khác các đợt trước tập trung dài ngày, rèn ra bã, lần này đội tuyển chị tập trung gọn và thi đấu ngay. Nhưng chắc chắn không có chỗ cho những cầu thủ chấn thương hay đá giao hữu vật vờ.
Nghĩa là “virus Miura” sẽ lây lan, sẽ lại có ai đó kêu toáng lên như bao lần trước, bởi đối thủ lần này không dễ chơi một tẹo nào.
Và đó là một phần của bóng đá, của bóng đá Việt thời Miura qua cả năm rồi vẫn cứ loay hoay xoay trở chưa có đường ra.