Học viện JMG Bờ Biển Ngà: Lò sản xuất sao “bự”
Là lò JMG đầu tiên được mở ra, học viện này đem lại sự chuyển mình rực rỡ cho bóng đá Bờ Biển Ngà.
Trong 8 năm, họ đã giới thiệu hàng loạt tên tuổi mà sau này tỏa sáng ở châu Âu và là trụ cột ĐTQG như: Kolo Toure, Yaya Toure, Didier Zokora, Gervinho, Eboue…
Phần lớn các cầu thủ này bên cạnh thể lực sung mãn còn sở hữu cảm giác bóng tốt, đặc biệt là Yaya Toure, một trong những nhạc trưởng hàng đầu Premier League.
Yaya Toure tại Premier League
Với sự có mặt của họ, Bờ Biển Ngà đã 3 lần lọt vào VCK World Cup và trở thành thế lực bóng đá ở châu Phi.
Đáng chú ý, năm 1999, khi chủ tịch CLB “mẹ” ASEC Mimosas đưa hàng loạt cầu thủ mới 17, 18 tuổi lên đá đội một, đội bóng này đã giành Siêu cúp châu Phi.
Tuy nhiên, sau thành công của 2 khóa đầu thì kể từ năm 2002 đến suốt 7 năm sau đó, họ không tạo ra thêm được lứa cầu thủ tài năng mới. Năm 2010, Học viện Abijan JMG Bờ Biển Ngà đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Obama, cầu thủ đến từ JMG Bờ Biển Ngà, không đạt yêu cầu của HAGL nên phải sớm rời đội sau vài trận giao hữu
Học viện JMG Madagascar: Tỏa sáng rồi… giải thể
Học viện JMG Madagascar có tên gọi chính thức là Ny Antsika Academy ra đời năm 2000.
Năm 2008, sau 7 năm đào tạo, học viện Ny Antsika JMG Madagascar khóa 1 đã thi đấu ở giải VĐQG nước này dù các học viên chỉ mới 19-20 tuổi.
Thật bất ngờ ngay trong mùa giải đầu tiên học viện JMG Madagascar đã đoạt chức vô địch với thành tích thắng 23, hòa 3, thua 3.
Các cá nhân học viện là tiền vệ Ibrahim Amada (sinh năm 1990) đoạt giải “Cầu thủ xuất sắc nhất”, tiền đạo Carolus Andriamatsinoro (sinh năm 1989) trở thành Vua phá lưới ở giải VĐQG.
Claudio Ramiadamanana (áo xanh), một ngôi sao của lò JMG Madagascar, chỉ đá ở giải hạng Tư Pháp
Đáng tiếc, sau kì tích đó, học viện này không thể tiến xa hơn nữa. Sản phẩm của JMG Madagascar tuy đạt chất lượng tốt nhưng chỉ dừng ở mặt bằng trong nước chứ không xuất sắc để vượt biển sang châu Âu như Học viện JMG Bờ Biển Ngà.
Thành quả xuất khẩu của JMG Madagascar là được vài cầu thủ sang nước ngoài thi đấu nhưng là sang… Thái Lan hay Algeria
Đến giờ ĐTQG Madagascar vẫn còn rất yếu kém với vị trí 179 trên Bảng xếp hạng của FIFA (kém ĐTVN khoảng 50-60 bậc).
Năm 2012, học viện JMG Madagascar đóng cửa, kết thúc sứ mệnh đào tạo. Các học viên khóa 3 được giới thiệu đến cho các đội bóng khác trong nước để tiếp tục sự nghiệp.
Học viện JMG Thái Lan: Giấc mộng ngắn ngủi
Học viện JMG Thái Lan là nơi đào tạo cầu thủ đầu tiên của Pháo thủ thành London - Arsenal - tại châu Á.
Thành lập từ năm 2005, ông chủ Robert Procureur đã cho cả châu lục thấy tầm nhìn chiến lược và tham vọng vươn ra thế giới của bóng đá Thái Lan.
Tháng 6/2007, học viện JMG Thái Lan tuyển sinh khóa 2. Đến tháng 2/2008, họ thay Giám đốc kỹ thuật mới là ông Eric Decoix từ Pháp sang.
Tháng 8/2008, lúc này các cầu thủ đã được 15-16 tuổi, học viện này bắt đầu những chuyến du đấu đầu tiên ở châu Âu khi đá giao hữu với học viện JMG ở Bỉ, đội U16 Anderlecht, U17 Lierse và thăm CLB Arsenal.
Tuy nhiên sau nhiều nỗ lực, thành quả cuối cùng của Thailand JMG đạt được chỉ là tiền vệ Waranaj Thong-Keoa được Muangthong United mua về vào cuối năm 2011.
Ngày 31.3.2012, học viện JMG Thái Lan chính thức đóng cửa mà theo như trang web chính thức của JMG Academy ghi là “với thành quả khiêm tốn và nhiều mạo hiểm”.
Các học viên người Bờ Biển Ngà được trả về quê hương để tìm kiếm cơ hội. Bảy học viên khác người Thái khóa 1 và toàn bộ khóa 2 được đưa về Muangthong United để thử thách ở đội trẻ.
Giải U22 Đông Nam Á ở Brunei năm ngoái, học viện HAGL Arsenal JMG đóng vai trò nòng cốt với 11/18 cầu thủ U19 Việt Nam thì tại Thái Lan, chỉ duy nhất có 1 người là Suporn.
Năm 2012, một cầu thủ khác từng được đào tạo tại Học viện JMG Thái Lan là Veerawut Kayem cũng góp mặt ở đội tuyển U23 quốc gia nhưng thi đấu không mấy thành công.