Những dòng tâm sự trên được BLV Quang Huy chia sẻ ngay trước thềm trận chung kết U19 Việt Nam vs U19 Việt Nam và chỉ sau đó ít giờ, Công Phượng và đồng đội đã thất bại 0-1 trước đội bóng trẻ đến từ đất nước mặt trời mọc.
Một trận thua cho thấy giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản là một khoảng cách rất lớn dù đối thủ không có đội hình mạnh nhất và sự lo lắng của BLV Quang Huy là hoàn toàn có cơ sở. Như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nói, thì U19 Việt Nam hiện tại mới chỉ tập lái xe trên lề đường.
Với gần 20 năm trong nghề, BLV vẫn được xem là số 1 Việt Nam thừa hiểu môi trường và quá trình nuôi dưỡng tài năng quan trọng tới mức nào. Bên cạnh đó, giữa lứa tuổi U tới một ngôi sao trưởng thành là một khoảng cách rất lớn.
Đức có thể xem là hình mẫu cho công tác đào tạo trẻ, nhưng để có được một tập thể vàng vô địch World Cup 2014, nền bóng đá này đã phải trải qua hàng chục năm làm cách mạng, với hàng trăm lò đào tạo dải khắp đất nước. Chẳng cần so với Đức, nhìn ngay sang Nhật Bản. Bóng đá đất nước mặt trời mọc cũng đã chuyên nghiệp ngay từ cấp bóng đá học đường.
Trong khi đó, U19 Việt Nam mới chỉ là sản phẩm đầu tiên được đào tạo một cách bài bản nhờ sự đầu tư chăm chút của bầu Đức. Không ít chuyên gia từng nói, phải cần ít nhất một chục lò đào tạo như HAGL Arsenal JMG, bóng đá Việt Nam mới dám hy vọng vào tương lai.
Có thể nhiều người sẽ lấy Colombia, Bỉ ở World Cup 2014 ra làm ví dụ rằng một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản có thể làm nên chuyện. Song cần phải nhìn vào thực tế, lứa vàng ấy đến nhiều hơn từ may mắn, chưa kể những ngôi sao của Bỉ và Colombia đều xuất ngoại từ tuổi đôi mươi để phát triển tài năng.
U19 Việt Nam thì sao? Các em mới chỉ đang học và những trận giao hữu chỉ được xem là những bài kiểm tra trước khi ra trường. Trở lại với trăn trở của BLV Quang Huy, những Công Phượng có thể giữ được đam mê và trong tương lai có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình thay vì bị thui chột tài năng đã là một điều may mắn.