Bí ẩn môn phái chuyên "trừ yêu, diệt ma"

Tiểu Mã |

Không giống Võ Đang thiên về luyện đan, luyện khí, môn phái này có tôn chỉ "nhập thế" với việc "trừ yêu, diệt ma, trừ hại cho bá tánh".

Theo truyền thuyết, Vương Trùng Dương tu luyện tại núi Chung Nam và sáng lập phái Toàn Chân giáo. Trong lần luận Hoa Sơn thứ nhất, ông chính là người có võ công cao hơn cả, đứng đầu võ lâm với hiệu Trung Thần Thông.

Tuyệt chiêu của Toàn Chân giáo có thể kể đến là Bắc đẩu thất tinh, Tiên thiên công, Không minh quyền, Song thủ hỗ bác.

Với bản tính nghiêm khắc, Vương Trùng Dương đã truyền dạy võ công cho bảy đạo sĩ được gọi là Toàn Chân thất hiệp. Các đệ tử nổi trội của Toàn Chân Giáo là Mã Ngọc, Khâu Xứ Cơ, Châu Bá Thông, Dương Khang.

Môn phái có thật

Theo ghi chép từ nhiều tài liệu lịch sử Trung Quốc, Toàn Chân giáo từng là một chi phái lớn và quan trọng nhất của Đạo giáo Trung Hoa, thành lập từ khoảng cuối Bắc Tống, đầu Nam Tống (thế kỷ 12) và lưu truyền đến nay.

Điểm đặc sắc của Toàn Chân giáo là kết hợp phương pháp tu luyện của cả Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo, hình thành nên hệ thống hành đạo, tu thân, dưỡng tính, dưỡng sinh độc đáo.


Toàn Chân giáo là kết hợp phương pháp tu luyện của cả Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.

Toàn Chân giáo là kết hợp phương pháp tu luyện của cả Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.

Người sáng lập phái này là Vương Trùng Dương (1112-1170), một đạo sĩ có tên thật Trung Phu, người Hàm Dương - Kinh Triệu (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây).

Ông xuất thân trong một gia đình giàu có, giỏi cả văn chương và võ nghệ, tính tình hào sảng, từng thi đậu cử nhân văn (có thuyết nói là tiến sĩ) và cử nhân võ. Năm 47 tuổi, do bất đắc chí chốn quan trường, ông đã từ quan.

Ông về quê ẩn cư chốn sơn lâm, học theo Lão Trang, ngày ngày uống rượu, hành vi phóng túng, ăn nói ngông cuồng, xưng là “Hại Phong” (gã khùng điên).

Do mến mộ ẩn sĩ Đào Uyên Minh (Đào Tiềm) đời Tấn nên ông đổi hiệu là Tri Minh, lại giống Đào Tiềm thích hoa cúc - mà cúc nở vào tiết trùng dương - nên lấy đạo hiệu Trùng Dương Tử.

Năm 1161, Vương Trùng Dương bỏ nhà, lên núi Chung Nam đào một mộ huyệt và ở trong đó tu luyện, gọi là “Hoạt tử nhân mộ”, phía trên lập bia ghi Vương Hại Phong chi mộ - mộ của gã khùng điên họ Vương.

Đệ tử Toàn Chân giáo tại Bắc Kinh năm 2012.
Đệ tử Toàn Chân giáo tại Bắc Kinh năm 2012.

Năm 1167, ông đốt lều cỏ, cầm bình bát đi vân du hành đạo. Khi đến vùng Ninh Hải thuộc bán đảo Sơn Đông, Vương Trùng Dương lập am Toàn Chân, thu nạp 7 đại đệ tử đầu tiên của Toàn Chân giáo và gọi là Toàn Chân thất tử.

Tín đồ theo ông rất đông, hình thành Bắc tông Đạo giáo, vị thế ngày càng lớn mạnh.

Vương Trùng Dương truyền đạo trong 3 năm rồi dẫn 4 đệ tử trở về Quan Trung, khi đến Khai Phong - Hà Nam thì qua đời. Các đệ tử an táng thầy ở núi Chung Nam, nay thuộc huyện Lư - Thiểm Tây. Nơi đây được xem là tổ đình của Toàn Chân giáo.

Toàn Chân giáo cũng từng có thời kỳ được xem là quốc giáo, trung tâm hoạt động được đặt ở kinh đô Yên Kinh (chính là thủ đô Bắc Kinh ngày nay).

Cuối năm 2009, tại Trùng Dương cung ở huyện Lư, tỉnh  Thiểm Tây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc đã long trọng cử hành đại lễ cung táng linh cữu tổ sư Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương.

Trước đó, vào thời kỳ “cách mạng văn hóa” (1966-1976), mộ của ông bị đào lên, hài cốt vứt lăn lóc ra ngoài.

Một người dân địa phương thấy bất nhẫn bèn lén thu nhặt hài cốt Vương Trùng Dương đem an táng.

Đặc điểm võ thuật

Mặc dù ngày nay Toàn Chân giáo không nổi tiếng khắp thế giới giống như Võ Đang, tuy nhiên căn cứ theo các tài liệu lịch sử thì Toàn Chân giáo xứng đáng được coi là “tiền bối”.

Vì Võ Đang ra đời muộn hơn, vào khoảng thế kỷ 14 và đều có căn nguyên từ Đạo gia.

Vẻ bề ngoài của Toàn Chân và Võ Đang có nhiều điểm tương đồng ngay từ trang phục và cả 2 cũng có nét chung là đều lấy âm dương, ngũ hành làm cơ sở, thiên về lấy nhu khắc cương.

Tuy nhiên, Toàn Chân nghiêng về “nhập thế” với việc "trừ yêu, diệt ma, trừ hại cho bá tánh", trong khi Võ Đang thì nghiêng về "xuất thế" với việc luyện đan, luyện khí…

Trong hệ thống công phu của Toàn Chân, môn khí công đạo gia được coi là một điểm rất nổi bật. Tiêu biểu có hệ thống Tiên thiên công, giúp mọi người đả thông kỳ kinh bát mạch.

Để đạt đỉnh cao về khí lực, Toàn Chân đề ra nguyên tắc “tam bảo” (toàn tinh, toàn khí và toàn thần), đó là không được để tư dục làm hư hao, tổn hại, từ đó mới trường sinh.

Toàn Chân giáo yêu cầu mọi giáo đồ phải xuất gia học đạo, phản đối thuật ngoại đan (đan dược luyện từ kim loại, khoáng vật) và bùa chú, kế thừa thuật nội đan (đạo dẫn, hành khí, phục khí...).

Cùng với khí công thì kiếm pháp là đặc trưng nổi bật của Toàn Chân giáo.
Cùng với khí công thì kiếm pháp là đặc trưng nổi bật của Toàn Chân giáo.

Bên cạnh việc thiên về luyện khí công, nội công giúp trường sinh, trong chiến đấu thực chiến thì võ công của phái Toàn Chân không được đánh giá quá cao ngoại trừ hệ thống kiếm pháp tinh diệu.

Khác với Thiếu Lâm dùng nhiều loại binh khí khác nhau thì Toàn Chân thường chỉ nổi tiếng với các bài kiếm đặc trưng.

Toàn Chân sử dụng kiếm với khả năng tấn công tầm xa, gây sát thương lớn. Kiếm pháp của phái này khi tung chiêu như mưa rơi bốn bề, áp đảo đối phương, lấy công làm thủ.

Kiếm pháp Toàn Chân không chỉ đa dạng và biến ảo, mà luôn đề cao tới yếu tố tốc độ để đạt được hiệu quả cao nhất trong chiến đấu.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu võ thuật cho rằng, kiếm pháp Toàn Chân không chú trọng đến phòng ngự, nên khi xuất thủ nếu không đạt được mục đích triệt hạ đối thủ, đệ tử Toàn Chân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Có tài liệu còn cho rằng phái này cũng thường tẩm thêm một số độc tố lên kiếm để áp dụng trong chiến đấu.

Ngày nay, trẻ em cũng theo học môn phái Toàn Chân để chủ yếu rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng đạo đức.
Ngày nay, trẻ em cũng theo học môn phái Toàn Chân để chủ yếu rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng đạo đức.

Ngày nay, phái Toàn Chân được coi như một môn võ cổ truyền được khá nhiều người theo học trong đó có không ít trẻ em, và cả người phương Tây.

Thông thường theo học môn phái này, các môn sinh bên cạnh được đào tạo võ thuật để dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe còn học đủ cầm, kỳ, thi, họa (vẽ tranh, thư pháp, đánh cờ, đánh đàn…) giúp các môn sinh phát triển một cách toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.

Một bài khí công dưỡng sinh của phái Toàn Chân

 

Khí công Toàn Chân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại