Sau những chuyến đi này, NHM Việt Nam được gì từ những “sao già”? Hay chỉ là một chiêu “mượn” hình ảnh để quảng bá thương hiệu, sản phẩm…
Beckham không giúp gì cho bóng đá Việt Nam(!?)
Tính cả lần này, Beckham đã 2 lần đến Việt Nam, nhưng tất cả những chuyến “viếng thăm” của danh thủ này đều có lịch trình bí mật, hạn chế tiếp xúc với fan hâm mộ và lúc về cũng rất chóng vánh. Lần đầu tiên Beckham đến Việt Nam, lực lượng bảo vệ ngăn cách ngôi sao này với fan Việt Nam từ cự ly… cả cây số.
Thế nên, may mắn lắm thì mới có fan “nhìn lướt” qua cầu thủ đẹp trai, hào hoa này. Dù vậy, vẫn có nghi án rằng hồi đó, khi Beckham sang đây quảng bá cho một hãng dầu nhớt chỉ là Beckham… giả, nên BTC mới không cho NHM Việt Nam tiếp xúc.
Và lần này, một chuyến thăm Việt Nam có vẻ bất ngờ. Lịch trình đều được giữ kín cho tới phút chót. Thậm chí, mục đích thực sự của chuyến sang Việt Nam lần này là gì cũng không ai biết. Chỉ khi anh chàng bảnh trai này tham gia những sự kiện do một hãng đồ uống có cồn (hãng rượu) có tiếng tổ chức thì người ta mới té ngửa: hóa ra Beckham sang Việt Nam… bán rượu.
Khác biệt là ở chỗ, dù không còn chơi bóng và sang Việt Nam quảng bá rượu, thì Beckham vẫn được đón tiếp long trọng như VIP.
Đơn vị tổ chức sự kiện đã “làm ra vẻ nghiêm trọng” khi thuê lực lượng an ninh hùng hậu với hàng chục vệ sĩ, xe mô tô phân khối lớn dẫn đường. Theo thông tin bên lề thì riêng số tiền để thuê bảo vệ Beckham tương đương 30.000USD.
Cũng chưa rõ Beckham được trả bao nhiêu tiền cho chuyến đi này, nhưng hành xử cực VIP như việc hạn chế báo giới, không chụp hình, ký tặng và cuộc giao lưu với những đối tác làm ăn được hoàn toàn bí mật từ danh sách cho đến hạn chế khách mời…
Câu hỏi là vậy liệu Beckham mang đến đều gì cho bóng đá Việt Nam? Nói luôn là chẳng mang đến gì cả. Beckham đến Việt Nam 2 lần là chuyện làm ăn, chứ không phải bóng đá. Lần đầu, dầu nhớt, và lần này… rượu.
Ảnh hưởng của Beckham lên bóng đá ở thời điểm hiện tại là khá thấp. Năm ngoái, Trung Quốc mời Beckham sang làm đại diện hình ảnh bóng đá nước này. Thế nhưng, ấn tượng nhất của Beckham chỉ là cú trượt chân ngã chổng vó khi cố gắng thực hiện cú đá phạt… thần sầu.
“Đánh lẻ” của sao già
Trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia mỗi năm mấy lượt mời các đội bóng “xịn” sang thi đấu, riêng Singapore vừa rồi còn “chơi sang” mời Argentina, Brazil sang đấu giao hữu, thì ở Việt Nam các fan chỉ được gặp những sao già. Mỗi sự kiện, tất nhiên là “núp bóng” là những thương hiệu cần quảng bá hình ảnh.
Hôm 8.11, cựu ngôi sao M.U là Dwight Yorke đã có mặt tại TPHCM theo lời mời của một ngân hàng - nhân sự kiện họ tổ chức một giải bóng đá. Năm ngoái, ngân hàng này cũng ký kết với Manchester United và mời thủ môn huyền thoại Peter Schmeichel sang Việt Nam, mục đích là để quảng bá thương hiệu và cạnh tranh khi ngân hàng đối thủ ký với… Chelsea.
Mỗi danh thủ khi sang Việt Nam đều có mục đích riêng, nhưng chủ yếu là vì… cátxê.
Gary Pallister sang Việt Nam hồi tháng 1.2014 cùng Cup Premier League quảng bá cho Giải ngoại hạng Anh, Van Nistelrooy và Robert Pires đến Việt Nam hồi tháng 3.2014 cùng Cup Champions League nhưng thực chất là quảng cáo cho một hãng bia…
Những nhà tổ chức sự kiện đã nắm bắt tâm lý rất giỏi của phần đông người Việt, trong đó, đặc biệt là fan bóng đá. Người Việt hâm mộ giải ngoại hạng Anh nên cứ “sao” Premier League tới là một sự kiện. Tất nhiên, những ngôi sao được “cátxê” với con số có thể lên đến cả triệu USD, những thương hiệu đòi kèm có cơ hội quảng bá.
Vậy còn người hâm mộ Việt Nam được gì? Chuyện đến đi của những “sao hôm” này như gió thoảng, ngoài một chút tò mò ra thì hầu như chẳng mang đến những chuyển biến tích cực nào cho nền bóng đá nước nhà.
Thế nên mới có chuyện Beckham - một “doanh nhân” chứ không phải một cầu thủ - khi đến Việt Nam vẫn được chào đón như một ông hoàng.