1. Johan Cruyff nói riêng cũng như bóng đá Hà Lan nói chung nổi tiếng về sự sáng tạo, về những cách nghĩ chẳng giống ai trong bóng đá. Lò La Masia huyền thoại Cruyff được gây dựng lại năm 1979, với quan điểm xuyên suốt nhiều thế hệ với một lối chơi nhất quán.
Có thể xem Cruyff là cha đẻ của lối chơi tiqui-taca hiện tại, nhưng triết lý bóng đá ấy của huyền thoại người Hà Lan chỉ thực sự bùng nổ và giúp Barca làm nên lịch sử dưới triều đại HLV Guardiola.
Barca của Pep đã thống trị bóng đá thế giới, làm mê đắm hàng triệu fan với lối chơi đập nhả nhịp nhàng nhưng hiệu quả đến kinh ngạc. Chỉ trong 4 năm, Pep đã giành tổng cộng 14 danh hiệu lớn nhỏ, đỉnh cao là cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu năm 2009.
Barca 2008-2011 là một đội bóng siêu đẳng và có lẽ bóng đá thế giới không bao giờ xuất hiện một đội bóng thứ 2 như thế!
2. Vì sau khi Guardiola rời Nou Camp với lời giải thích không còn truyền được cảm hứng cho các cầu thủ, Barca có dấu hiệu lụi tàn và tiqui-taca cũng dần đi vào dĩ vãng. Còn quá sớm để khẳng định tiqui-taca đã bị diệt vong, nhưng những thất bại của Barca và Bayern cho thấy lối chơi đập nhả tí tách đang không còn đất sống ở thời điểm hiện tại.
Thực ra tiqui-taca đâu có lỗi. Thoạt nhìn cách các cầu thủ chuyền bóng qua lại, hẳn nhiều người sẽ xuất hiện ý nghĩ, đá như thế thì quá đơn giản. Nhưng nên nhớ, để có thể vận hành thuần thục lối chơi ấy, các cầu thủ đều phải sở hữu những đôi chân và bộ óc siêu đẳng.
Tiqui-taca là một hệ thống siêu đẳng, nhưng nó cần những con người siêu đẳng để trở nên hoàn hảo, như Barca của những năm 2008-2011. Barca mất vị thế thống trị bởi Pep đã ra đi và bộ khung Messi, Xavi, Iniesta cũng không chơi với đẳng cấp cao nhất. Xavi đã quá già, còn động lực chơi bóng của Messi dường như đang nguội lạnh.
Bayern mùa này là đội bóng thứ 2 chơi tiqui-taca. Họ biết cách vận hành, nhưng chưa thuần thục. Nhận tới 4 bàn thua ngay tại Allianz Arena trước Real ở trận bán kết lượt về chính là một lời cảnh báo với Pep: không thể áp dựng tiqui-taca với một đội bóng khác và một nền văn hóa bóng đá khác, đặt biệt với Bayern và triết lý thực dụng của người Đức.
3. Nếu HLV Tito Vilanova không bị bệnh, có lẽ tiqui-taca đã không bị gián đoạn. Nên có thể hiểu vì sao trong một phát biểu mới nhất, Xavi khẳng định Barca có thể thay đổi con người, nhưng sẽ không thay đổi triết lý. Cũng vì hy vọng vào một sự hồi sinh của tiqui-taca, nên cái tên Luis Enrique đã được chọn thay Tata Martino.
Mặc dù từng có 5 năm chơi bóng cho Real, nhưng chính Enrique thừa nhận ông luôn thuộc về Barca. Dòng máu Catalan không chảy trong huyết quản, cũng chẳng hiểu La Masia đến từng chân tơ kẽ tóc như Pep hay Vilanova, nhưng những năm tháng làm việc ở Nou Camp và sau đó dẫn dắt Barca B chơi tiqui-taca hệt như đội 1 đã giúp Luis Enrique ghi điểm trong mắt các ông chủ sân Nou Camp.
Tiqui-taca cần những con người phù hợp mới có thể vận hành thuần thục, trong khi Barca lại sắp bước vào một cuộc cách mạng nhân sự trong mùa Hè. Nên rất khó đòi hỏi Enrique có thể ngay lập tức hồi sinh hệ thống này, nhất là khi ông từng thất bại khi cố xây dựng Roma chơi Tiqui-taca.
Mà bóng đá hiện đại, sức ép về thành tích là vô cùng lớn. Những đội bóng vĩ đại như Barca cần phải có những chiến lược xứng tầm, trong khi Enrique còn quá nhỏ bé trong giới cầm quân. Man United tan nát dưới tay David Moyes, trong khi Real thăng hoa nhờ Ancelotti chính là những bài học cho đội chủ sân Nou Camp.
BLĐ Barca đang chơi một canh bạc mang tên Luis Enrique và có lẽ họ nắm phần thua nhiều hơn dù chiến lược gia 43 tuổi này vẫn chưa chính thức nắm quyền.