Bởi muốn hoằng dương tinh thần võ đạo, lòng nhân ái và sự bao dung, Bắc Phong Chân Nhân và các môn sinh của mình còn nổi tiếng ở cách hành xử lạ thường khi tỉ thí võ nghệ: luôn nhường trước đối phương 3 đòn, rồi mới xuất chiêu đánh trả.
Chuyển võ sang văn
Trong số những võ sư nổi tiếng mà tôi đã gặp của loạt bài này, dù sinh năm 1958 nhưng ông vẫn là người trẻ nhất. Thế nhưng, tài không đợi tuổi, đến giờ, ông đã có một võ nghiệp mà rất nhiều võ sư phải ao ước, thán phục.
Ông là võ sư Băng Sơn (tên thật là Bùi Quốc Sơn), Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia, đệ tử chân truyền của Chưởng môn đời thứ 44 môn phái Thiếu Lâm Phật Gia - đại sư người Trung Quốc Lý Chấn Hòa.
Quê ông ở Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tổng Mao Điền ngày trước nổi tiếng là đất học, với 128 vị tiến sĩ, trong đó nổi tiếng nhất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thời phong kiến, nhà Mạc đã cho lập Văn miếu ở Mao Điền để tôn vinh sự hiếu học của nhân dân xứ này.
Ngoài văn, Mao Điền cũng nổi tiếng về võ, mà bằng chứng là thời giặc Pháp đô hộ, đội du kích Mao Điền đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với kẻ thù bằng những chiến công vang dội ở khắp đường 5.
Tại đất ấy, dòng họ Bùi Xuân của võ sư Băng Sơn cũng nổi tiếng bởi tinh thần thượng võ, với các bài võ gia truyền như võ gậy, lăn khiên, song đao...
Ông nội ông, cụ Bùi Xuân Cật, còn gọi là Trương Cất, được võ lâm đương thời ái mộ bởi thông thạo nhiều đòn hay thế hiểm của Long quyền, Hổ quyền, Ngọc trản, Thiết lĩnh...
Lớn lên trong “môi trường” ấy, được mọi người rèn giũa tối ngày nên khiếu võ trong ông đã “có đất” sinh sôi.
Gia đình ông chuyển ra Hà Nội đúng khi nghề võ suy tàn. Bởi thế, ông được mọi người chuyển hướng, bắt quay sang “học văn” vì nghĩ đó là đường lập thân tốt nhất.
Cơ duyên từ trận đòn hội đồng
Thế nhưng, như cái duyên trời định, dòng máu võ thuật trong ông vẫn không khi nào ngưng chảy.
Ngày ấy, nhà ông ở phố Huế, ông hay lang thang cùng đám bạn ra ga Hà Nội chơi. Bởi hiềm khích với đám choai choai ở ga nên nhiều lần hai “băng” đã đánh nhau biêu đầu, sứt trán.
Một bữa, bị “phục kích” bất ngờ, ông bị đám “đầu gấu” quây vào góc ga, “hứa hẹn” một trận đòn tới số.
Đang lúc nguy khốn, như trong truyện kiếm hiệp, không biết từ đâu một cô bé xinh xắn trạc tuổi ông bất ngờ xuất hiện.
Thân thủ nhanh nhẹn, xuất chiêu biến ảo, chỉ trong giây lát cô bé đã khiến mấy tên ma cà bông ngã sõng soài, ù té mỗi đứa một nơi.
Thấy cậu nhóc bị thương, da thịt bầm dập, cô bé đã đưa cậu về nhà để cha mình chữa chạy. Nhà cô bé ở khu Trại Nhãn (La Thành - Hà Nội), nơi ấy khi đó toàn những ngôi nhà lụp xụp của dân tứ xứ.
Trên đường đi, cô bé ấy bảo, cha cô là người Trung Hoa. Ông sang Việt Nam sinh sống đã lâu và cũng từ một cơ duyên tình cờ, cô được nhận làm con nuôi của ông cụ.
Nhà cô bé cũng tạm bợ như bao ngôi nhà ở khu vực ấy, chỉ có điều rộng rãi hơn và phía trước, sau đều có khoảng sân rộng được nện phẳng lì, chắc nịch.
Khoảng sân ấy chắc chắn là để tập luyện quyền cước - là người đã từng tập võ, cậu bé Sơn thầm đoán vậy.
Đón cô con gái nuôi ở cửa, sau khi nghe cô nói chuyện (bằng tiếng Trung Quốc), người đàn ông có khuôn mặt hiền hậu nhưng ánh mắt tinh anh đã mời cậu bạn mới quen của con vào nhà.
Võ sư Băng Sơn kể, chỉ bằng một phương thuốc gia truyền bôi ngoài da, như có phép tiên, các vết bầm tím trên người ông đã dịu mát và ít phút sau thì lành hẳn như chưa từng bị va đập bao giờ.
Thấy con mình cần có bạn và cậu bé mới quen cũng hiền lành nên khi tiễn ra cổng, ông già người Tàu ấy đã thân thiện mời ông khi rảnh thì đến chơi.
Màn điểm huyệt sau sân nhà
Mấy ngày sau, thấy nhớ bố con ông lão tốt bụng, cậu bé Sơn lại tìm ra Trại Nhãn. Gọi cửa mãi mà không thấy ai ra mở, cậu đành lặng lẽ đẩy cổng bước vào.
Trong nhà vẫn vắng hoe nhưng ở sân sau thì có tiếng hò hét, tiếng chân dậm huỳnh huỵch. Tò mò, cậu lại lặng lẽ tiến về nơi có những tiếng động lạ ấy.
Qua khe cửa sổ, cậu đã hết sức bất ngờ bởi trong khoảng sân rộng chừng chục mét vuông đang có cuộc tỉ thí lạ lùng. Mấy người cao to lực lưỡng đang thủ thế nhằm vào ông lão chủ nhà, người đã thoa “thuốc tiên” cho cậu hôm nào.
Một tiếng hô vừa đủ nghe nhưng rất dõng dạc vừa cất lên thì cả đám người ấy tung đòn ào về phía góc sân, nơi chủ nhà vẫn điềm nhiên đứng tấn. Võ sư Băng Sơn kể, trong đời, ông chưa thấy một trận so tài nào mãn nhãn đến vậy.
Khi đối phương còn cách vài bước chân, ông lão người Tàu mới thi triển thân pháp. Thế nhưng, chỉ một cái nhún người, ông đã thoăn thoắt vòng đến trước mặt khắp lượt những đối thủ của mình.
Và, mỗi lần “xuất hiện bất ngờ” ấy, ông đều điểm những đòn rất hiểm vào tử huyệt đối phương. Quần thảo một hồi, tất cả dừng tay.
Sau động tác chào nghiêm nghị, mấy người lực lưỡng hổn hển bảo: “Thân thủ của sư phụ thiên hạ vô song, chúng con còn phải học hỏi rất nhiều!”. Truớc lời khen ngợi ấy, ông lão chủ nhà chỉ cười hiền rồi khoát tay mời tất cả vào nhà.
Vào đến nhà trong, thấy cậu nhóc loắt choắt đang đứng khép nép sau cánh cửa nhìn mình bằng ánh mắt vừa sợ hãi, vừa nể phục, ông lão người Tàu đã vẫy cậu lại, xoa đầu và hỏi: “Con có thích học võ không?”.
Tim còn đang thình thịch đập, Sơn đã gật đầu bừa.
“Tốt lắm! Ta thấy con cũng có khiếu đấy! Nếu thích học thì cứ đến đây, ta sẽ dạy cho! Đây là những đệ tử của ta, họ đã theo ta được mấy chục năm rồi đấy!” - Chỉ vào những người vừa giao đấu với mình khi nãy, ông lão người Tàu ôn tồn giới thiệu.
Vị Chưởng môn đời thứ 44 Thiếu lâm Phật gia
Vậy là từ dạo đó, cứ tối đến là ông lại trốn gia đình chạy bộ từ nhà sang khu Trại Nhãn. Khi tình cảm của hai người đã nặng sâu, ông lão người Tàu mới tiết lộ cho cậu học trò bé nhỏ biết rõ thân phận thật của mình.
Và, điều ấy đã làm cậu vô cùng bất ngờ, kinh ngạc.
Có lẽ, dù có nằm chiêm bao cậu cũng không thể ngờ có ngày mình lại gặp được Chưởng môn đời thứ 44 của môn phái nổi tiếng ở đất võ Trung Hoa: Thiếu lâm Phật gia.
Ông tên là Lý Chấn Hoà, pháp danh là Băng Tâm (sinh năm 1889, quê ở tỉnh Hà Bắc), con trai của võ sư nổi tiếng và là Chưởng môn đời thứ 43 của môn phái, Lý Chấn Sinh. Ông sang đất Việt từ năm 1937.
Những ngày đầu, ông kiếm sống nhờ nghề bảo tiêu cho các thương gia chạy hàng đường dài, sau đó thì ổn định cuộc sống nhờ nghề bốc thuốc, chữa bệnh.
Như để cậu học trò thơ ngây thực sự tin tưởng vào những lời mình nói, ông lão người Tàu đã mở tủ lấy cho cậu xem ấn, kiếm - những bảo vật của môn phái mà chỉ người chưởng môn mới được quyền gìn giữ.
Lễ kết nạp ông vào môn phái được đại sư Chưởng môn tổ chức đơn giản nhưng đầy đủ thủ tục, nghi thức. Và, cũng tại buổi đó, Lý sư phụ đã đặt cho ông pháp danh theo pháp danh của người là Băng Sơn và nhận ông làm con nuôi.
Theo Lý sư phụ rèn luyện thành thạo Ngũ hình quyền (Long- Hổ- Báo- Xà- Hạc) và tinh thông thập bát ban cùng các kỹ năng cơ bản của Thiếu lâm Phật gia, võ sư Băng Sơn lên đường nhập ngũ.
Những tháng ngày quân trường này, bởi tính ham học hỏi, bởi cơ duyên, ông đã được tiếp xúc với nhiều người luyện võ ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại các bản làng người dân tộc thiểu số sống rải rác khắp vùng cương thổ.
Và, cũng từ những mối thâm tình ấy, ông đã được lãnh hội nhiều bí kíp võ công thuộc loại kỳ dị, hiếm có ở đời.
Xuất ngũ năm 1984, quẳng ba lô về nhà, ông vội vàng tìm đến nơi ở của Lý sư phụ. Dù đã mấy xuân nữa trôi qua nhưng sư phụ ông vẫn giữ nguyên phong độ ngày nào.
Và, để kiểm tra xem sự tiến bộ của cậu học trò yêu sau mấy năm xa cách, Lý sư phụ cùng ông đã có cuộc so tài nảy lửa. Sau cuộc đấu đó, Lý sư phụ vô cùng mãn nguyện. Vỗ vai ông, đại sư bảo: “Khi đi con được 1 thì giờ về đã khá thêm tới 7- 8 phần!”.
Khi đó, được sự dìu dắt của sư phụ và sư thúc Viễn Trí, cũng là một cao nhân trong làng võ, giữa năm 1985, ông đứng ra mở võ đường, chiêu nạp môn sinh.
Và, cũng được phép của sư phụ chưởng môn, ông lấy tên võ phái là Võ lâm Phật gia, ý chỉ môn võ xuất phát từ cửa thiền, được phóng tác theo lối chiến đấu của các loài mãnh thú.
Khi võ phái được thành lập, thêm một trọng trách và vinh dự nữa khi ông được sư phụ giao cho nhiệm vụ là đại diện của môn phái, chịu trách nhiệm phát dương quang đại môn phái ở Việt Nam.
Xuôi phương Nam tìm Thanh Hư Chân Nhân
Năm 1988, tuổi đã cao (99 tuổi), nỗi nhớ quê hương vò xé, Lý sư phụ đã lên đường về nước.
Chia tay nhau, nắm tay ông, đại sư nghẹn ngào bảo: “Tất cả những kỹ năng của ta, con đều đã lãnh hội vẹn toàn. Nay ta về cố quốc, chẳng biết có ngày hội ngộ nữa không?
Trước khi ta đi, ta muốn dặn con một điều con nhớ mà cố gắng thực hiện. Con hãy tìm gặp cho kỳ được Thiện Tâm Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh để học thêm về đấu pháp.
Trời Nam này, theo ta thì ông ấy là thiên hạ vô song. Hơn nữa, kinh nghiệm giang hồ là điều con còn thiếu mà ông ấy lại đã có thừa!”.
Nghe theo lời Lý sư phụ, ngay sau đó ít lâu, ông khăn gói vào Nam tìm Thiện Tâm Thiền sư. Về vị đại sư tiếng nổi như cồn này thì bây giờ, người luyện võ vẫn ước ao trong đời được một lần tham vấn.
Thiện Tâm Thiền sư là Chưởng môn phái Võ Lâm Côn Luân, ông còn được võ lâm biết tới qua pháp danh Thanh Hư Chân Nhân.
Ông sinh năm 1900, ở miền Tây Nam Bộ, cha là người Triều Châu (Trung Quốc) mẹ là người Rạch Giá. Ngay từ nhỏ ông đã sống đời phiêu bạt. Năm 12 tuổi, ông được cha gửi sang Trung Quốc, trú tại chùa Phi Lai Tự, núi Sơn Đầu, tỉnh Mã Dương Cương.
Người được “giao nhiệm vụ” rèn cặp Tâm Ảnh thì ở Trung Hoa đại lục hiếm người nào lại không biết tới. Ông chính là Mộc Đức Thiền sư, cố vấn cao cấp của Tổng thống Tôn Trung Sơn.
Sau gần chục năm luyện tập võ nghệ, khi tuổi ngoài 20, đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã được Mộc Đức Thiền sư cùng đại sư Bắc Phong Hoà Thượng, Chưởng môn phái Thiếu lâm Bắc phái đứng ra tác hợp để cậu học trò yêu được kết tóc se duyên cùng cô nương Hoa Cẩm Tú (môn đồ của Bắc Phong Hoà thượng).
Sau đó, được sự đồng ý của hai vị đại sư phụ, vợ chồng Tâm Ảnh xuống núi hành hiệp với pháp hiệu là Ta Lô. Từ ngày xuống núi, tiếng tăm về cặp vợ chồng Tâm ảnh - Cẩm Tú cũng lẫy lừng khắp mọi nẻo đất Trung Hoa.
Người chồng thì khiến đối phương nể sợ bởi đường côn dũng mãnh, biến hoá khó lường. Người vợ thì nức tiếng giang hồ với vuông lụa bạch, mỗi lần xuất chiêu thì có thể hạ gục đối phương ngay trong chớp mắt.
Chiến tranh Hoa - Nhật bùng nổ, vợ chồng ly tán mỗi người một phương. Sau nhiều năm tìm kiếm nhưng vô vọng, Đoàn Tâm Ảnh đành phải quay trở lại quê nhà.
Về đất Quảng Ngãi vào năm 1932, nhưng máu phiêu bạt, ông lại khăn gói sang Lào và Campuchia. Năm 1944, Tâm ảnh trở về Việt Nam, trú tại Bạc Liêu. Lúc này, ông nương nhờ cửa Phật, sống ẩn dật ở các chùa chiền với pháp danh Thiện Tâm.
Cũng thời kỳ này, bởi nạn cường hào ác bá, bởi sự hung đồ của quân cướp nước, ông đã đứng ra thành lập đảng Sao Trắng với sứ mệnh là trừ khử những tên tham quan, ô lại, nhũng nhiễu dân nghèo.
Chuyện đại sư Đoàn Tâm Ảnh hành hiệp trượng nghĩa thì bây giờ, dân các tỉnh miền Tây vẫn truyền tai nhau như một huyền thoại.
Cứ khi mọi người yên giấc, bỏ áo thầy tu, khoác lên người bộ y phục kín mít, đại sư băng mình vào màn đêm tĩnh lặng. Và, lần nào đi thì lần ấy chí ít cũng một tên ác ôn phải đền tội ác.
Cứ sau mỗi lần ra tay, hiệp khách ấy luôn để lại trên “hiện trường” ám hiệu riêng của mình. Đó chính là chữ ký của ông. Chữ ký có hình ngôi sao 5 cánh.
Suốt mấy năm trời, tại 6 tỉnh miền Tây, uy danh, sự lợi hại của vị đại hiệp có chữ ký lạ lùng ấy đã làm thực dân Pháp và bè lũ tay sai khiếp đảm.
Bởi thế, nhiều dinh thự của những tên quan lại nợ máu với nhân dân đã vội vàng “nâng cấp”, che chắn kín cổng cao tường để đề phóng thích khách. Thế nhưng, như từ dưới đất chui lên, như từ trên trời rơi xuống, tất cả các hệ thống canh phòng ấy đều là vô dụng.
Hễ hiệp khách muốn “đòi nợ” ai, thì dù có phòng bị nghiêm ngặt đến mấy, kẻ đó vẫn phải rơi đầu.
Năm 1944, đại sư Đoàn Tâm Ảnh lại tiếp tục cuộc đời phiêu bạt của mình. Ông đã lưu dấu chân mình ở khắp các nước như Mã Lai, Thổ Nhĩ Kỹ, Nhật Bản, Phi Luật Tân...
Tại những nơi đó, ông đã truyền bá công phu cho rất nhiều người.
Về lại Việt Nam năm 1954, ông bắt đầu thâu nạp môn sinh, mở võ đường dạy võ. Năm 1960 ông đã sáng lập Võ lâm đạo Việt Nam và thành lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam tại Cần Thơ.