Tiên hạ thủ vi cường
Không thể phủ nhận rằng bộ phận truyền thông của tay vợt từng đoạt 5 danh hiệu Grand Slam đã làm việc cực tốt trên khía cạnh xử lý khủng hoảng. Thay vì tránh né, tay vợt người Nga chủ động tổ chức họp báo để công bố “tin sét đánh”.
Sự thật, đôi khi cách người ta phản ứng tích cực hay tiêu cực với nó chỉ phụ thuộc vào mỗi việc nó được nói ra từ miệng ai. Trong chuyện tình cảm, những ai từng va vấp hẳn sẽ nhớ mãi câu “Nếu như chuyện đấy được anh/em nói ra, nó sẽ khác hẳn với việc được nghe từ người khác”.
Maria Sharapova không chỉ đơn thuần là một VĐV xuất sắc, hay một kiều nữ xinh đẹp, và cô rất biết tận dụng điều đó.
Với Maria Sharapova, tình cảm của những người hâm mộ dành cho cô không đơn thuần là dành cho một tay vợt xuất sắc, hay cho một cô nàng xinh đẹp. Nó là tổng hòa của chuyên môn, sự xinh đẹp và sạch sẽ, trong cả sân đấu lẫn ngoài đời.
Điều đầu tiên người ta nhìn thấy ở cô khi chủ động công khai scandal là sự tội nghiệp, vẻ buồn bã, suy sụp của một thần tượng đến từ “một lỗi lầm rất nhỏ” - một cú click trị giá cả một sự nghiệp, một đời người.
Cô nhận tất cả trách nhiệm về mình, đón nhận hậu quả một cách cam chịu. Cô viết tâm thư. Rất dài. Và rất hay. Người hâm mộ giang rộng vòng tay ôm lấy cô vào lòng. Họ cảm thông. Chia sẻ. Và họ hướng mũi dùi về hướng khác.
Nên nhớ, “búp bê Nga” là nữ vận động viên “thị trường” (theo kiểu “nhạc thị trường”) nhất trên thế giới.
Theo chỉ số Celebrity DBI Index, 76% dân số toàn cầu biết đến cô, trong đó 74% thích cô và 75% nói rằng cô giúp họ đánh thức khát vọng của bản thân.
Trong số khá ít những đồng nghiệp lên tiếng bảo vệ Sharapova, người ta thấy có Serena Wiliams - đối thủ hàng đầu của cô.
Tối qua, Maria Sharapova đã gửi bức tâm thư thứ hai đến người hâm mộ thông qua Facebook, qua đó truyền đạt đến fan của mình "toàn bộ sự thật".
Theo tay vợt này, câu chuyện nhận được 5 lần cảnh báo về Meldonium là không đúng.
Bên cạnh đó, để tìm được thông tin loại thuốc này bị đưa vào danh mục cấm, cô sẽ phải click và tìm kiếm rất nhiều thông tin, cũng như phải điền ID và mật khẩu vào website để truy cập thông tin.
Cũng trong tâm thư, Sharapova trách móc giới truyền thông đã đưa những thông tin sai lệch, gây hiểu lầm bất lợi cho cô.
Sức mạnh thế giới phẳng
Thế giới ngày càng phẳng, như xu hướng giao diện của các thiết bị số. Và ở đấy, người ta chứng kiến rõ ràng sức mạnh ngày càng khủng khiếp của cộng đồng online, từ nghiêm túc, đến hài hước. Nhưng thành quả, và cả hậu quả của nó đều rất thật.
Maria Sharapova vs Serena Williams - cuộc chiến chưa bắt đầu đã biết kết quả.
Ngay khi Serena Wiliams tuyên bố bảo vệ Sharapova, tay bút đứng mục thể thao danh tiếng của AP - Tim Dahlberg, ngay đầu bài báo “Chả có gì là sạch sẽ trong sự can đảm của Sharapova cả” đã đưa con số thống kê đáng chú ý.
Rằng Williams chiến thắng cả 18 lần gần đây nhất gặp Sharapova trong suốt gần 10 năm qua.
Với tay vợt người Mỹ, có bênh cô đồng nghiệp một tý cũng chả mất gì. Đằng nào cô ấy cũng “chưa đến tuổi” là đối thủ xứng tầm của mình.
Những người làm chuyên môn luôn giữ cho mình sự tỉnh táo hơn cư dân mạng. Nhất là họ sở hữu trong mình kiến thức, kinh nghiệm vượt trội, và làm việc bằng con số, thay cho cảm tính.
Gần như ngay lập tức, WADA công bố ít nhất tay vợt người Nga có 5 cơ hội để biết rằng thuốc mình đang dùng chứa chất bị cấm, dựa vào thông báo chi tiết của cơ quan chống doping hàng đầu thế giới, thay vì chỉ 1 lần duy nhất, như cô phân trần.
Những con số không biết nói dối:
Mười bảy phần trăm, hàng trăm trong số hàng nghìn vận động viên Nga đang dùng Meldonium để… chữa bệnh, như tay vợt người Nga này.
Hàng trăm trường hợp các vận động viên ở Ấn Độ mua Meldonium trên mạng để… chữa bệnh, trong khi giải đấu diễn ra.
"Thần dược" của Maraia Sharapova đang "cháy hàng" không hề nhẹ.
Mới đây nhất, WADA thông báo ghi nhận 99 ca xét nghiệm dương tính với Meldonium nội trong năm nay. Nên nhớ, tháng 3 mới trôi qua có hơn 10 ngày.
Hài hước nhất là nhu cầu sử dụng Meldonium trên toàn thế giới tăng đột biến, khi các trang online bán thứ “thần dược” này đang "cháy hàng" sau khi gắn mác “Được sử dụng bởi Sharapova”.
Một lọ thuốc chứa 40 viên Meldonium, giá bán lẻ ở Nga là 3 euro, nay được mua ùn ùn với giá 100 euro trên mạng.
Khỏi cần nói cũng đoán ra nó được dùng để làm gì.
Án phạt nào cho Sharapova?
Quyền quyết định vẫn luôn nằm trong tay Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF), và những ngày này, chắc hẳn đây mới là nơi phải đau đầu nhất với việc đưa ra phán quyết cho Sharapova.
Trường hợp của Sharapova rơi vào khoản S4, nhưng chính khoản này cũng có sự chênh lệch khủng khiến, từ cấm thi đấu vài tháng, cho đến tối đa 4 năm, và mức án áp dụng tùy thuộc vào nhận định về động cơ, cách thức và thái độ của người chịu án.
Như tất cả các môn thể thao đỉnh cao khác, khán giả là yếu tố quyết định sự sống còn của các giải đấu
Nếu tin vào tất những gì Sharapova phát ngôn, để ra một án phạt “nhẹ nhàng”, ITF sẽ phải nhận sự chế nhạo từ phía những nhà chuyên môn, kèm theo đó là việc tạo nên một tiền lệ xấu, phá vỡ giá trị vốn có của một trong những điều lệ khắt khe nhất của thể thao.
Nhưng để ra một án phạt “thẳng tay”, liệu tương lai quần vợt có đứng vững trước “cơn giận lôi đình” của cộng đồng mạng, vốn cực kỳ đông đảo và hung hãn? Sự quay lưng của khán giả là viễn cảnh không hề tốt đẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và hình ảnh của môn thể thao này.
Cuộc chiến bây giờ mới bắt đầu, và nó không chỉ là cuộc nội chiến trong môn tennis, mà còn là cuộc chiến của thể thao Nga chống lại phần còn lại của thế giới thể thao.
Trong khi đó, không nằm ngoài xu hướng của thế giới, cộng đồng mạng Việt Nam cũng “dậy sóng” với vụ án Sharapova sử dụng doping.
Trong số đó có status của “hot FBer” Binh Bong Bot, vốn nổi tiếng với những phát ngôn mang đậm tính hài hước:
“Andy Murray nói: "Masha phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm". Ơ, cái anh Andy kia buồn cười nhỉ.
Nếu nàng bị cấm thi đấu 2 năm, ai quánh quần vợt cho bọn nam nhân chúng tôi xem? Ai rên rỉ cho chúng tôi nghe? Anh đàn ông đàn ang mà nói năng kiểu vậy, hỏi sao cả đời ăn được nhõn hai cái Grand Slam.
Những ai bữa giờ lên tiếng chỉ trích Masha điểm danh cái coi. Hiện thân hết một lượt để remove cho đồng bộ. Các anh phải luôn ghi nhớ một câu bất hủ: Gái đẹp không có lỗi.
Nếu NIKE hủy hợp đồng với Masha thì NIKE bậy. Anh kêu người ta "Just do it", đến khi Masha "do it" thì anh nói không được.
Cái thứ doanh nghiệp đi ngược lại với tiêu chí ban đầu thì bán cho ai. Tôi cật lực phản đối và đề nghị các tay vợt của Việt Nam chuyển sang dùng Adidas hết.
WADA đã cảnh báo Masha 5 lần ư? Bố tiên sư, nếu tôi là WADA, tôi sẽ cảnh cáo một trăm lần, một nghìn lần, nếu nàng nói "không", tôi sẽ nghe tiếng "không" ấy một nghìn lần.
Nữ nhân hạng nhất như nàng chịu nói "Noooo" với các anh đã là phước đức tám đời, phạt cái gì mà phạt.
Nếu Masha có lỗi, thì lỗi duy nhất chỉ vì nàng quá đẹp. Nàng khiến chim đang bay rớt xuống, cá xấu hổ quá lặn mất. WADA không có quyền ra phán quyết, đấy là chuyện của Hội động vật.
Khi Masha quánh tennis, cánh nam nhi không quan tâm đến đối thủ là ai, giải đấu ấy diễn ra ở đâu mà chỉ quan tâm Masha vuốt tóc mấy lần, nhăn mặt mấy cái, khum xuống lượm banh bao lần.
Quả là có bỏ bê việc nhà, quên đón vợ, quên cho con ăn. Nhưng đấy là chuyện của hội phụ nữ, không phải của WADA.
Nếu Masha giật bạn trai của người khác, thì lỗi của của thằng bạn trai ấy và đứa bạn gái cũ của y, không phải của Masha. Nhưng đấy là chuyện nhà người ta, không phải của WADA.
Nếu Masha có dùng doping, cả đám VĐV còn lại đều phải bị cấm vì tụi nó không dùng.
Nếu Masha có dùng doping, chẳng qua nàng không muốn thất bại, không muốn khóc, không muốn xấu, không muốn fan của nàng phải buồn.
Khi Gatlin dùng doping, điền kinh tẩy chay Gatlin. Khi Armstrong dùng doping, làng đua xe tẩy chay Armstrong. Nhưng khi Masha dùng doping, cả thế giới tẩy chay quần vợt. WADA có nghĩ đến hệ lụy ấy không.
Thế nên, WADA phạt nhẹ thôi, năn nỉ đó”.