1. HLV Miura vừa phải nhận thêm một “đòn đau” khi Hồ Ngọc Thắng không kịp bình phục chấn thương và buộc phải chia tay đội tuyển.
Trước đó, một tiền vệ cánh khác là Huy Toàn cũng đã phải nói lời tạm biệt. Trước đó nữa, đội trưởng Quế Ngọc Hải cũng phải ngồi nhà xem ti vi.
Với HLV Miura, ba cầu thủ này là những cái tên đặc biệt. Họ không chỉ là những cầu thủ xuất sắc mà còn là những học trò đầu tiên của ông Miura ngày đầu tới Việt Nam (ASIAD Incheon 2014).
Chiến lược gia người Nhật Bản đã trực tiếp phát hiện ra tài năng của họ, ông trao Ngọc Hải băng đội trưởng, đưa Huy Toàn lên tuyển lớn, trao Ngọc Thắng cơ hội đá chính.
Ông làm thay đổi cuộc đời họ. Họ là đại diện cho triết lý của ông Miura, là biểu tượng chiến thắng của HLV người Nhật Bản.
Những thống kê khẳng định vai trò không thể thay thế của họ ở U23 Việt Nam. Ngoại trừ Huy Toàn dính chấn thương ở trận gặp Malaysia, Ngọc Thắng và Ngọc Hải đã chơi đủ 270 phút tại vòng loại U23 châu Á.
Ba cầu thủ này ghi tới 7/23 bàn (31%) của đội tuyển dù không ai trong số họ đá tiền đạo. 2/3 người trong số họ là tuyển thủ đá chính ở tuyển Việt Nam.
Cả 3 người đều từng gắn bó với ông Miura ở U23 Việt Nam xuyên suốt từ ASIAD 2014, vòng loại U23 châu Á tới SEA Games 28.
Nếu ví thời kỳ của HLV Miura như một triều đại, bộ ba này là những “khai quốc công thần”. Giống như ba chàng ngự lâm pháo thủ của Vua Louis XIV, họ là 3 con người mà ông Miura tin tưởng nhất.
2. Chấn thương của họ với ông Miura thực sự là một “gáo nước lạnh”. Theo những cách khác nhau, ông lần lượt phải tạm biệt 3 học trò cưng.
Chiến lược gia người Nhật kỳ vọng nhiều ở họ tới mức sẵn sàng gọi Huy Toàn và Ngọc Thắng lên tuyển dù biết họ đang dính chấn thương.
Ông vẫn sẵn sàng trao cho Thắng cơ hội bất chấp chẩn đoán của bác sỹ. Tiếc rằng Thắng đã không kịp bình phục.
Thiếu vắng 3 trụ cột khiến chất lượng đội hình và kinh nghiệm của U23 Việt Nam giảm rõ rệt.
Trong bối cảnh đó, ông Miura sẽ cần có một sự thay thế, cần một cầu thủ khác đứng lên, lĩnh xướng vai trò thủ lĩnh, thay họ trở thành người dẫn dắt đội bóng. Chàng “ngự lâm quân” thứ tư ấy có lẽ là Công Phượng.
Những con số nói rằng không ai xứng đáng và xuất sắc hơn Phượng ở U23 Việt Nam. Tại vòng loại, Phượng ghi 4/9 (44%) bàn của đội, đá đủ cả 3 trận, chơi trọn vẹn 270 phút.
Số lần lập công của anh chỉ kém Vua phá lưới vòng loại toàn châu Á Omar Khribin đúng 2 bàn. Đến SEA Games, anh chỉ ghi 3 bàn nhưng lập toàn siêu phẩm. Anh chơi hay đến mức khiến cả Đông Nam Á phải xúm vào ca ngợi.
Bản thân Phượng cũng trẻ hơn 3 người kia, đồng thời cũng nhiều tuổi hơn nhóm cầu thủ 1997. Ở U23 Việt Nam, Phượng là người trung gian của hai phe tân - cựu binh, là gạch nối giữa hai thế hệ của đội tuyển.
Là đội trưởng của U21 HAGL, là cầu thủ xuất sắc nhất, ngôi sao số một của đội bóng, Công Phượng được kỳ vọng sẽ thay thế vai trò thủ lĩnh của 3 người đàn anh, trở thành chàng lính ngự lâm quân thứ tư trong nhiệm vụ giải cứu ông Miura.
3. Trong thiên tiểu thuyết “Ba người lính ngự lâm” của Alexandre Dumas, ba chàng ngự lâm vốn chỉ là ba người lính giỏi của nhà Vua.
Huyền thoại về họ chỉ bắt đầu khi chàng ngự lâm quân thứ tư là D'Artagnan xuất hiện. Cùng với nhau, họ cứu một bà hoàng, đánh bại một Giáo chủ, bảo vệ danh dự một nhà Vua, ngăn chặn cuộc chiến giữa hai vương quốc. Tất cả được thực hiện năm D'Artagnan 20 tuổi.
Cùng tuổi với D'Artagnan khi ấy, Công Phượng năm nay cũng vừa tròn 20.