Những ai theo dõi trận ra quân của U23 Việt Nam hẳn chưa quên cách bình luận viên liên tục nhắc đến tên Tuấn Anh, khi đội bóng của HLV Miura đánh mất quyền kiểm soát khu trung tuyến.
Đúng là nếu có Tuấn Anh trên sân, nhiều khả năng hàng tiền vệ của U23 Việt Nam sẽ không dễ dàng để mất bóng sau 1-2 nhịp bởi sự hạn chế về kỹ thuật.
Song ngay cả khi Tuấn Anh xuất hiện thì điều đó cũng không hề là sự đảm bảo cho việc các học trò của HLV Miura sẽ có một thế trận và kết quả sáng sủa hơn, đối chiếu với những gì U23 Jordan thể hiện ở trình độ cao hơn hẳn.
Tuấn Anh có thể cầm bóng, tỉa tót một vài nhịp ở giữa sân, nhưng câu hỏi đặt ra là anh sẽ làm gì để đoạt lại bóng, khi các đồng nghiệp Tây Á không thua kém về kỹ thuật và nhỉnh hơn về thể hình, thể lực lẫn tốc độ?
Hoặc, đặt ra giả thiết Tuấn Anh bất ngờ tỏa sáng trong vai ông chủ ở khu trung tuyến thì anh cũng cần phải có những đối tác ăn ý hoạt động hiệu quả xung quanh mình.
Như thực tế được nhiều người thừa nhận, lối chơi của Công Phượng mới tiềm ẩn sự đột biến, chứ không phải phong thái có phần chậm rãi và cầu toàn của Tuấn Anh.
Khi HLV Miura trao chiếc áo số 8 quen thuộc của tiền vệ người Thái Bình cho Xuân Trường thì điều đó mặc nhiên là sự khẳng định, Tuấn Anh sẽ đóng vai trò dự bị cho người đồng đội ở HAGL.
Cũng khó trách được HLV Miura vì quyết định vừa nhắc. Bởi ông không thể gửi gắm lòng tin cho một cầu thủ gần như chỉ tập hồi phục trong suốt quá trình chuẩn bị và chưa đá trọn 90 phút bất cứ trận đấu tập nào của U23 Việt Nam.
Trong khi đó, Xuân Trường từ chỗ là phương án được “xét tuyển vớt” đã không ngừng cho thấy sự tiến bộ và thích nghi với triết lý bóng đá của nhà cầm quân người Nhật.
Trong ký ức của nhiều NHM, Tuấn Anh vẫn có một vị trí trang trọng. Nhưng đấy là Tuấn Anh của 2-3 năm trước với những màn thể hiện chói sáng ở U19 Việt Nam mà nhờ đó biệt danh “Nhô” (Ronaldinho) ra đời.
Còn lúc này, khó có thể trông đợi Tuấn Anh với tư cách của một cây săn bàn. Khả năng tranh chấp của anh dù được cải thiện song cũng khó đáp ứng yêu cầu của một tiền vệ đánh chặn đúng nghĩa.
Cầu thủ của HAGL cũng chưa đạt đến tầm của một chuyên gia kiến tạo cừ khôi.
Có nghĩa nếu HLV Miura sử dụng Tuấn Anh, anh có thể mang đến là một vài tình huống xử lý bóng kỹ thuật, những đường chuyền để làm giảm nhịp trận đấu trước đối thủ mạnh, chứ khó sắm vai người hùng cứu U23 Việt Nam.
Nếu không tin điều đó, hãy lật ngược lại VCK U19 châu Á năm 2014 để thấy Tuấn Anh và U19 Việt Nam đã thảm bại ra sao khi chạm trán những đối thủ ở tầm châu lục!
HLV Lê Thụy Hải từng đặt ra nghi vấn về việc Tuấn Anh chuyển sang Nhật thi đấu:
"Phía sau bản hợp đồng đó là gì? Liệu tính chuyên môn hay thương mại mới là chủ đạo? Còn với trình độ của Tuấn Anh, tôi e sang đó chưa đủ sức cạnh tranh với cầu thủ cùng trang lứa tại Nhật.
Lối chơi của Tuấn Anh vừa yếu về sức, vừa chậm về tốc độ, sang Nhật đá chính là chuyện lạ, còn ngồi dự bị là bình thường".