10 sự kiện tiêu biểu của bóng đá Việt Nam năm 2010

huongngan |

10 sự kiện tiêu biểu của bóng đá trong nước năm 2010

Năm 2010 sắp qua đi và bóng đá đã để lại nhiều cảm xúc, dư âm trong lòng NHM. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của bóng đá trong nước năm 2010, do báo Bóng đá bình chọn.

1. Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐT Olympic Việt Nam lọt vào vòng Hai ASIAD 16. Trước đó, ở giải bóng đá quốc tế Cúp Eximbank Tp.HCM 2010 chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, các cầu thủ trẻ của HLV Phan Thanh Hùng cũng vô địch sau khi đánh bại đối thủ rất mạnh là U23 Iran. Dù vừa trải qua quá trình trẻ hóa và vắng sự chăm bẵm của HLV Calisto, ĐT Olympic Việt Nam vẫn chơi tốt trước những đối thủ rất mạnh. Lứa cầu thủ trẻ như Thanh Trung, Ngọc Điểu, Văn Thắng, Văn Hiếu, Quốc Long, Đình Đồng... đã trưởng thành rất nhiều và không ít trong số đó, nằm trong kế hoạch trẻ hóa ĐTQG Việt Nam của HLV Calisto.

2. ĐT Việt Nam dừng chân ở bán kết AFF Suzuki Cup 2010. Với vị thế của nhà ĐKVĐ, lại được thi đấu vòng bảng trên sân nhà Mỹ Đình nhưng ĐT Việt Nam đã không thể bảo vệ ngôi Vương ĐNÁ. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng theo Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung, thất bại của ĐTVN bắt nguồn từ trận thua Philippines 0-2 ở vòng bảng. Phải tử chiến với Singapore để giành quyền đi tiếp, các trụ cột của ĐT Việt Nam đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng chấn thương của nhiều trụ cột. Sứt mẻ đội hình, ĐT Việt Nam không thể vào tới trận chung kết và nhiều cựu binh như Minh Phương, Như Thành, Huy Hoàng... cũng chia tay đội tuyển sau giải này. Tuy nhiên, sự kiện trên cũng mang đến cho bóng đá Việt Nam những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Chúng ta phải có sự chuẩn bị về nhân sự, kế hoạch tập trung tốt hơn trong tương lai...

3. Sau khi liên tiếp gây bất ngờ ở vòng loại U16 châu Á, ĐT U16 Việt Nam 2 lần đánh bại U16 Trung Quốc để vô địch “U16 AFF Cup mở rộng 2010”. Đó là những chiến thắng vang dội, có sức lan tỏa ở tầm châu lục. Thậm chí, báo chí châu Á đã tôn vinh thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc và ghi nhận bóng đá Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ. Đây cũng là lứa kế cận bổ sung cho các đội bóng ở giải VĐQG cũng như các đội tuyển quốc gia sau này.

4. Bóng đá Việt Nam là nền bóng đá duy nhất ở châu lục có tới 4 đại diện (các ĐT U16 - ĐT U19 nam và nữ) góp mặt ở VCK châu Á trong một năm. Nhờ vậy, LĐBĐ Việt Nam được LĐBĐ châu Á đánh giá là “Liên đoàn làm bóng đá trẻ tốt nhất năm 2010”. Dù không tiến sâu trong các giải trên nhưng bóng đá Việt Nam đã tạo được ấn tượng sâu sắc ở tầm châu lục. Cái được nhất của một năm đại thành công của bóng đá trẻ là một lứa cầu thủ mới được đào tạo bài bản đã phát triển tốt khi gặp điều kiện thuận lợi. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đã và đang trở thành nơi ươm mầm và phát triển tài năng cho bóng đá nước nhà.

5. HN.T&T vô địch V.League 2010. Dù mất tiền đạo chủ lực Lê Công Vinh nhưng HLV Phan Thanh Hùng đã vận dụng chiến lược linh hoạt, đổi nhân sự để đạt đến đỉnh cao bóng đá nội. Đội bóng của “bầu” Hiển cũng lập nhiều kỷ lục mới cho bóng đá Việt Nam khi là CLB đầu tiên 3 năm thăng 3 hạng và vô địch V.League ở tuổi lên 5. Hơn nữa, với 15 tuyển thủ quốc gia, HN.T&T cũng trở thành đội bóng có nhiều tuyển thủ nhất ở cùng một mùa bóng (vượt qua HA.GL). Ngoài ra, HN.T&T cũng là đại diện duy nhất của miền Bắc vô địch V.League.

6. Nam Định xuống hạng Nhất. Chậm doanh nghiệp hóa và đi ngược lại quy luật chuyên nghiệp, Đội bóng thành Nam luôn rơi vào tình trạng thiếu thốn về tài chính nên đành chịu mất đi những cầu thủ tốt nhất của mình. Mùa bóng 2010, Nam Định là đội bóng trẻ nhất và cũng nghèo nhất nên đã phải xuống hạng Nhất lần đầu tiên, kể từ khi V.League ra đời.

7. Mùa giải 2010, SLNA vất vả ở V.League và có nhiều thời điểm họ bị rơi vào nhóm đua chống xuống hạng. Nhưng ở Cúp Quốc gia, họ lại là “hiện tượng” khi “chạy một lèo” đến chung kết. Đánh bại HA.GL ở trận cuối cùng, SLNA đoạt Cúp Quốc gia và đó là nền tảng, là động lực để Đội bóng xứ Nghệ đặt mục tiêu cao ở V.League năm nay.

8. 100% các đội dự V.League đã được doanh nghiệp hóa. Đó là thành quả to lớn của bóng đá Việt Nam trong năm vừa rồi. Quan trọng hơn là các đội bóng đã ý thức và hiểu rõ sự ưu việt của quá trình chuyên nghiệp hóa. Mấu chốt của quy luật phát triển này nằm ở sự ổn định về tài chính để từ đó các CLB có thể thực hiện các mục tiêu về lực lượng, thành tích. Theo lộ trình, đến năm 2014, tất cả 28 đội bóng dự V.League và hạng Nhất đều phải hoàn thành việc chuyên nghiệp hóa.

9. Quá trình “Sài Gòn hóa” đội bóng cũng được thực hiện mạnh mẽ ở Navibank Sài Gòn và Sài Gòn Xuân Thành. Với tiềm lực tài chính dồi dào, 2 đội bóng này đã chiêu mộ rất nhiều ngôi sao, trong đó có nhiều tuyển thủ quốc gia. Đây sẽ là 2 CLB có thể tạo nên nhiều bất ngờ trong mùa bóng mới ở 2 giải đấu mà họ tham dự.

10. V.League có bản hợp đồng kỷ lục. Cam kết hợp tác trong 3 năm, với tổng số tiền tài trợ lên đến 90 tỷ đồng, Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trở thành nhà tài trợ lớn nhất trong lịch sử V.League. Giá trị giải thưởng cũng tăng đáng kể và đội vô địch nhận số tiền thưởng lên đến 3 tỷ đồng.
 
Theo Bóng Đá Online

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại