Leicester "ngồi lên đầu" Arsenal, Man United vì... lỗi thời

Việt Cường |

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng nguyên nhân chính đằng sau phong độ không tin nổi mà Leicester đã thể hiện trong vòng một năm nay lại chính là sự… lỗi thời về mặt chiến thuật của họ.

Về cơ bản thì chiến thuật mà Claudio Ranieri đã và đang áp dụng cho Leicester rất đơn giản.

Chính HLV này cũng từng nói rằng vì thấy các cầu thủ Leicester quá ngán cái gọi là “chiến thuật của người Italia”, ông đã có một thỏa thuận với họ là sẽ không nhắc gì tới chiến thuật trong các buổi tập, đổi lại, các cầu thủ đã ra sân là phải lao động thật chăm chỉ.

Tất nhiên, nói Leicester không có chiến thuật gì là không đúng. Họ thậm chí còn theo đuổi một chiến thuật rất rõ ràng, chỉ là thoạt nhìn nó quá đơn giản mà thôi.

Đó là luôn duy trì một đội hình chặt khi phòng ngự, với khoảng cách giữa hậu vệ cuối cùng và tiền đạo cao nhất tối đa chỉ 24, 25 mét (điều này Ranieri theo lý thuyết của Sacchi).

Các cầu thủ phòng ngự sẽ tìm mọi cách để đoạt hoặc phá bóng, và mỗi khi có bóng, họ sẽ cố đưa lên phía trên cho các tiền đạo theo cách nhanh nhất, ít đường chuyền nhất có thể.


Chật chội phát chán.

Chật chội phát chán.

Những thống kê chuyên môn của Leicester trông rất tệ. Họ là đội có tỉ lệ kiểm soát bóng thấp nhất, và cũng là đội có tỉ lệ chuyền bóng chính xác thấp bậc nhất.

So sánh với các nhà vô địch trong hơn 10 năm trở lại đây thì Leicester đang ở một thái cực khác. Tỉ lệ kiểm soát bóng trung bình của các nhà vô địch khác là xấp xỉ 60%, của Leicester chỉ là trên 40%.

Tỉ lệ chuyền bóng chính xác của các nhà vô địch khác là trên 80%, của Leicester là chưa tới 70%.

Nhưng đó là lựa chọn của Leicester. Như đã nói, chiến thuật của Leicester rất đơn giản: Thủ chặt, đoạt bóng, và chuyền nhanh lên phía trên. Leicester không có nhu cầu kiểm soát bóng.

Họ mất bóng nhiều, chuyền hỏng nhiều đơn giản bởi họ chuyền dài nhiều (21%, thứ 2 Premier League), và những đường chuyền của họ chủ yếu tập trung ở 1/3 sân cuối cùng, nơi không gian hết sức chật chội (38%, số 1).


Leicester một mình một kiểu

Leicester một mình một kiểu

Giữa một Premier League đang chạy theo “mốt” 4-2-3-1 và xem kiểm soát bóng là sự sống, Leicester với 4-4-2 và lối chơi đậm chất công nhân của họ rõ ràng là quá “lạc hậu”. Câu hỏi là tại sao họ vẫn có thể lên ngôi với lối chơi kiểu… tiền sử ấy?

Vì các cầu thủ của họ đồng loạt chơi với phong độ của cả sự nghiệp trong lối chơi như thể được “đo ni đóng giày” cho những con người hiện tại?

Vì chế độ ăn-tập-nghỉ tuyệt vời của Ranieri (HLV này luôn đảm bảo cho các cầu thủ có 2 ngày nghỉ ngơi trong tuần) giúp cho các cầu thủ Leicester ít chấn thương, do đó luôn duy trì được một bộ khung ổn định và ăn ý?

Hay vì chính các đối thủ của họ tự bắn vào chân mình?

Trong các đại gia Premier League, chỉ duy nhất Arsenal thắng Leicester trong cả 2 trận đối đầu.

Man City, Gã nhà giàu đang bám đuổi Leicester đến chức vô địch thậm chí còn không thắng nổi địch thủ này ở 2 lượt trận (hòa 0-0 rồi thua 1-3).

Tôi cho rằng thành công của Leicester là tổng (không phải tổng hòa) của những yếu tố nêu trên.

Nhưng tôi vẫn nghiêng về phía các đối thủ của Leicester, xem sự chủ quan và khả năng “thích nghi” kém của các đội bóng ấy là lý do chính họ đang thất bại trong cuộc đua với đối thủ kém nhiều mặt.

Sai lầm lớn nhất của các đội bóng Premier League là nghĩ rằng có thể “ăn” được Leicester bằng cách chơi theo kiểu mà họ muốn.

Nghĩa là đẩy cao đội hình, kiểm soát bóng, vờn qua vờn lại cho tới khi nào khoảng trống xuất hiện thì xiên. Rồi rất nhanh chóng, họ nhận ra mình đã sập bẫy bọn cáo.

Trong khi các tiền vệ còn đang loay hoay tìm đường vào khung thành của Leicester, thì ầm một cái, Kante lao vào cắt bóng, Drinkwater chuyền nhanh cho Vardy hay Mahrez, và lưới của đối phương rung lên khi phần lớn các cầu thủ của họ còn đang ở phần sân bên kia.

Bàn thắng mẫu mực của Vardy vào lưới Liverpool.

Hết nửa đầu mùa giải, các đội bóng đã bắt đầu nhận ra điều đó, và cố gắng điều chỉnh lối chơi.

Nhưng họ chỉ có thể khiến cho Leicester khó ghi bàn hơn, chứ vẫn không tài nào khoan thủng được boong-ke trước mặt Schmeichel. Lý do nằm ở cái sơ đồ 4-2-3-1 “thời thượng” mà phần lớn các đội bóng đang áp dụng.

Trong sơ đồ này, hầu như không có chỗ cho các số 9 truyền thống. Người chơi cao nhất thường khéo léo hơn, di chuyển rộng hơn, nhưng cũng nhỏ và yếu hơn.

Cũng với sơ đồ này, “điểm nóng” không phải là 2 biên, mà là một khu vực ngay trước khu 16m50, rộng bằng khu 5m50, cách khung thành khoảng 25 đến 30 mét, vẫn được gọi là Zone 14.


Zone 14

Zone 14

Theo nghiên cứu thì phần lớn các bàn thắng đang xuất phát từ Zone 14; cũng ở đó, những quả chọc khe sẽ có hiệu quả cao nhất. Thế nên, các cầu thủ tấn công thường được khuyến khích di chuyển vào khu vực này và chờ đợi cơ hội.

Vấn đề là ở khu vực đó, Leicester lại quá mạnh với sự có mặt của 2 máy quét làm việc không biết mệt mỏi là Kante và Drinkwater.

Chưa kể các hậu vệ và tiền vệ biên của Leicester cũng có xu hướng co vào giữa, nên Zone 14 trong các trận đấu của họ thường trở nên cực kỳ chật chội. Để thoát khỏi tình trạng ngột ngạt ấy, các đội bóng chỉ còn lựa chọn đưa bóng ra biên, và tạt!


Các đội bóng luôn gặp khó, khi tấn công Leicester ở zone 14.

Các đội bóng luôn gặp khó, khi tấn công Leicester ở zone 14.

Tạt bóng, tuy nhiên, lại không còn là điểm mạnh của CLB nào. Theo thống kê thì Premier League đang chứng kiến một sự sụt giảm rất đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng của những quả tạt.

Nếu mùa 2003/04, mỗi trận có trung bình 42 quả tạt, thì nay chỉ có 29. Và nếu vào năm 2003, trung bình 1/3 quả tạt đi trúng đích, thì bây giờ, trung bình chỉ là 1/5!

Nhiều đội bóng, như Man City, gần như đã bỏ hẳn những quả tạt bổng. Vì họ biết rằng khi Aguero và Silva là những người có mặt trong vòng cấm, thì có tạt cũng chẳng để làm gì.

Thế nên khi các hậu vệ biên hay tiền vệ biên xuống được tới sát biên ngang, thì hoặc là họ sẽ căng sệt vào trong, hoặc chuyền về, hoặc cầm bóng ngoặt vào giữa tìm cơ hội phối hợp trung lộ hay dứt điểm.

Để đánh bại Leicester, do đó, bạn cần những cầu thủ chạy cánh xuất sắc, và/hoặc những trung phong to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà Arsenal là đội duy nhất đánh bại được Leicester ở cả 2 lượt trận.

Ở trận lượt đi, cầu thủ đá cánh của họ là Alexis đã có một trận xuất thần. Còn ở trận lượt về, tới lượt Giroud chơi hay khi chiến thắng trong phần lớn những pha không chiến với Morgan và Huth. Bàn ấn định chiến thắng 2-1 của Welbeck cũng tới từ một quả treo bóng bổng!

Pha trả bóng bằng đầu của Giroud cho Walcott ghi bàn trong trận gặp Leicester.

Nếu là cách đây 10 năm, những đội bóng chơi được như Arsenal sẽ không hiếm. Nhưng bây giờ thì chẳng mấy đội chơi như thế. Nói thành công của Leicester, do đó, đến từ việc họ… đi sau thời đại thì có sai không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại