Thế nào là hành vi Cố ý làm lộ bí mật nhà nước?

Hoàng Đan |

Nếu bị xác định có tội và bị tuyên án, người Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù

Ngày 18/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát đi thông báo khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Hữu Tuấn, sinh năm 1955, trú quận Tây Hồ (Hà Nội), để điều tra hành vi Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Ông Tuấn là cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tổng cục tình báo (Bộ Công an) đã nghỉ hưu.

Cùng bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi này này còn có ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai.

Việc khởi tố 2 cựu cán bộ công an nằm trong diễn biến điều tra vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Trốn thuế, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").

Phân tích về tội danh Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về mặt khách thể, tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về những bí mật quốc gia.

Khách thể trực tiếp và đối tượng tác động của tội phạm này là "sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố".

Việc xác định những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác là bí mật Nhà nước, cần phải căn cứ vào danh mục bí mật Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Căn cứ vào tính chất quan trọng, các tin tức thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được chia ra làm ba mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Việc xác định tin tức nào là Tuyệt mật, Tối mật và Mật phải căn cứ vào quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về độ mật của các tin tức của mỗi ngành, mỗi cấp.

Chủ thể của tội phạm này, theo luật sư Quynh không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Tuy nhiên, người phạm tội này thường là những người có trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng bí mật Nhà nước. Những người này nếu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Thế nào là hành vi Cố ý làm lộ bí mật nhà nước? - Ảnh 2.

Thông báo của Bộ Công an về việc khởi tố, bắt ông Phan Hữu Tuấn.

Về mặt khách quan, hành vi làm lộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước…

Để cho người khác nghe được tin tức bí mật Nhà nước trong trường hợp này là để người khác nghe băng ghi âm chứ không phải kể cho người khác nghe.

Để cho người khác chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước là trường hợp người phạm tội đồng phạm với người chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước.

Luật sư Quynh cho hay, nếu bị xác định có tội, bị tuyên án, người Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước phải đổi mặt với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Quá trình điều tra có thể thay đổi tội danh

Theo luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội), căn cứ theo nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, chưa xác định các bị can, trong đó có ông Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách phạm tội, mà phải chờ đến khi có bản án của tòa án có hiệu lực thi hành.

Vì thế, trong quá trình điều tra truy tố, xét xử cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể thay đổi quyết định khởi tố, thay đổi tội danh và tòa án sẽ là cơ quan có quyền quyết định mức hình phạt cụ thể.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 2 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Khởi tố, bắt tạm giam một số cựu quan chức

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại