Và chúng ta ế thật!
Trên trang cá nhân của mình, chị Khải Đơn, 28 tuổi, đến từ thành phố Hồ Chí Minh - một nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách được độc giả trẻ yêu thích đã có bài chia sẻ về sự lựa chọn cô đơn của những người trẻ hiện nay.
Bài viết thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng bởi có lẽ không ít người đồng cảm và nhận ra hình ảnh của chính bản thân mình trong câu chuyện của Khải Đơn.
Chị Khải Đơn - chủ nhân bài viết về sự lựa chọn cô đơn của những người trẻ đang gây "sốt" trong cộng mạng
Chủ nhân bài viết chia sẻ: "Tối qua bạn thân gửi cho tôi xem một bài viết, nói về các cô gái ế trong tư thế ngẩng cao đầu. Cùng thời gian đó, tôi đang đứng ngoài đường và cầm một tờ tạp chí miễn phí ở Seattle.
Trong tờ báo đó, có chừng sáu bài quảng cáo về các dịch vụ hẹn hò trên mạng, hẹn hò ăn trưa, hẹn hò doanh nhân, hẹn hò chọn lọc, và ứng dụng hẹn hò.
Đáng chú ý, có một bài rất dài quảng cáo dịch vụ hẹn hò có chọn lọc, nghĩa là nếu bạn rất thành đạt, giàu có, bạn có thể hẹn hò với một ai đó có sự nghiệp đáng mơ ước, cũng thành đạt và giàu có như bạn.
Và tôi có một cuộc trò chuyện với bạn tôi, anh kể hồi anh 27 tuổi, anh có một tình yêu khá tốt đẹp.
Sau đó họ chia tay. Và anh không thể tìm được một người bạn gái mới. Đó là lí do anh sử dụng ứng dụng hẹn hò để tìm bạn. Nhưng sau một năm, anh cũng không thể tìm được ai đó trở thành bạn gái.
Anh nói: "Năm tôi 27 tuổi, khi yêu cô ấy, mẹ tôi có nói hãy cố gắng ổn định hơn để hai người có thể có con. Bây giờ, 31 tuổi, công việc rất ổn, tiền bạc dư dả để có con, nhưng giờ thì tôi nhận ra tôi chẳng cần cô gái nào nữa.
Chúng tôi đã hình thành nhân cách. Chúng tôi có cái tôi quá lớn. Tôi muốn một cô bạn gái nghe lời tôi. Cô gái thành đạt cũng muốn tôi nghe lời cô ấy.
Chẳng ai nhường ai. Chúng tôi muốn sống cho cái tôi của bản thân và không sẵn sàng cho gia đình. Chẳng ai cần gia đình nếu đang sung sướng với cái tôi khổng lồ cả.
Đó là vấn đề của thế hệ chúng tôi. Khi 22 đến 25 tuổi, nhân cách còn đang tiếp tục phát triển, nghề nghiệp chưa ổn định, hóa ra chúng tôi lại sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng nhường nhịn. Giờ thì ai cũng là cả một chân trời. Chẳng ai thua ai hết"
"Anh đẹp trai và hấp dẫn. Công việc anh đang làm rất nhiều cô gái như tôi mơ ước. Và tôi nhận ra điều anh vừa nói chính là thứ đang xảy ra với tất cả những kẻ ế - ngẩng - cao - đầu bọn tôi" (Ảnh minh họa)
Chuyện tất cả chúng ta đều "ế" có lẽ đã trở nên quen thuộc khắp cả thế giới chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Bản thân người kể câu chuyện cho hay, chị 28 tuổi và cũng đang độc thân.
"Tôi bị tổn thương vì tình yêu. Nhưng tổn thương không phải lí do khiến tôi căm thù đàn ông và giữ mình độc thân như vậy. Chỉ đơn giản là tôi cần bình tĩnh lại sau một thời gian yêu thương và tình yêu đã không làm tôi ổn"
Một thế hệ ngừng lắng nghe, ngừng thông cảm. Chúng ta ngẩng cao đầu, huyễn hoặc, xinh đẹp, thành đạt, và cô đơn…
Tác giả bài viết kể, chị viết nên chia sẻ này khi đang đi du lịch ở Mỹ và gặp gỡ nhiều bạn bè người Mỹ không kết hôn, sống độc thân hoặc làm bố/mẹ đơn thân.
Và anh bạn 27 tuổi, ở Washington DC trong câu chuyện trên là một trong số những người bạn của chị lựa chọn cuộc sống độc thân bởi anh không còn mặn mà và cảm thấy khó hẹn hò, yêu đương bất kì cô gái nào.
"Tôi nghĩ đó là vấn đề không của riêng người trẻ ở bất kì đâu, mà rất nhiều nơi đi qua mình đã gặp nên viết lại.
Tôi thấy quan điểm sống cô đơn trong tư thế ngẩng cao đầu, kiêu hãnh đến mức chẳng thể yêu thương ai ngoài bản thân mình là hội chứng chung của thời đại "cái tôi toàn mỹ" này.
Ai cũng muốn mình quan trọng nhất và họ không thể "cúi xuống" để yêu thương" – Tác giả Khải Đơn cho hay.
"Cái thế hệ này của chúng tôi, chúng không sẵn sàng cho một gia đình. Chúng sẵn sàng cho tình một đêm, đến cuộc "hẹn hò thành đạt" để tìm cô vợ hạp ý cha mẹ, sẵn sàng khóa tin nhắn của nhau sau một cuộc giận vu vơ. Sẵn sàng cưới vội sau đó nhanh chóng li dị sau một năm tàn bực dọc"
Tác giả Khải Đơn chia sẻ: "Cái thế hệ này của bọn tôi, muốn "ngẩng cao đầu" và chẳng cúi nhìn ai hết. Chẳng thể chìa bàn tay cho nhau, yên lặng nhìn nhau bật khóc. Chỉ sẵn sàng ngẩng cao đầu đăng Facebook những trạng thái xênh xang tận hưởng với ngập tràn chiến thắng vật chất.
Chỉ sẵn sàng "thả thính" bằng một tấm ảnh "so deep" và vài tin nhắn đong đưa, xong gối đầu lót iphone đi ngủ. Chẳng thể ngừng nhìn điện thoại khi đi ăn tối cùng nhau hoặc nói chuyện đủ dài để nghe tim nhau đập. Chỉ muốn sỗ sàng đẩy nhau ra để an thân không vướng víu điều gì"
Bài viết thực tế và sâu sắc này nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía cộng đồng mạng. Người dùng Hương Hoàng chia sẻ quan điểm của mình: "Xã hội hiện đại, vật chất phát triển, tình yêu và sự hi sinh, nâng đỡ lẫn nhau bị sự thực dụng và cái tôi khổng lồ đè bẹp. Người ta dễ dàng bỏ qua nhau, cứ thế mải miết tìm kiếm vì nghĩ rằng mình sẽ gặp một ai đó tốt đẹp hơn.
Để rồi đến lúc ngoảnh lại, người ta nhận ra mình chẳng có ai ngoài cô đơn bên cạnh. Người ta buồn, nhưng báo đài và các phương tiện truyền thông không để người ta buồn được lâu.
Những lời hô hào vẫn vang lên từng giờ, từng ngày: "Bạn nhận ra, chỉ cần có tiền và một em cún/mèo là bạn vẫn sống tốt", "Không có tiền mới chết, không có tình yêu không chết được đâu", "Bạn chẳng cần ai khác nếu biết yêu chính mình", "Ế trong tư thế ngẩng cao đầu", "Tôi độc thân, tôi kiêu hãnh", "Phụ nữ quyến rũ nhất khi không thuộc về ai,"...
Người ta nghe vậy, và người ta nghĩ mình ổn mà không cần một ai khác nữa..."
Người ta dễ dàng bỏ qua nhau, cứ thế mải miết tìm kiếm vì nghĩ rằng mình sẽ gặp một ai đó tốt đẹp hơn (Ảnh minh họa)
Quả thật, xã hội hiện đại đang khuyến khích con người sống thoải mái hơn bằng cách khiến mọi thứ trở nên cực kì tiện nghi. Chính xác là chúng ta đang được chiều chuộng tới "chân tơ kẽ tóc".
Từng cái "tốt hơn" khiến cuộc sống chúng ta dễ dàng, nhưng đồng thời khiến ta thành kẻ "hư hỏng". Chúng ta sẵn sàng bỏ những thứ đã cũ, không còn tiện dụng thay vì đem sửa nó đi, chúng ta muốn bỏ đi những phiền toái dù là nhỏ nhặt để sống nhẹ nhàng, thoải mái.
Ngay cả trong việc lựa chọn ngành học, giới trẻ có xu hướng lựa chọn công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ hơn so với những việc lao động nặng nhọc.
Sự phát triển của xã hội và công nghệ mới còn khiến con người trở nên lười biếng...Tất cả dẫn đến hệ quả tất yếu, đó là một thế hệ người trẻ trở nên kém dung thứ hơn những phiền toái từ người khác.
Chúng ta luôn tìm kiếm những người có sở thích giống mình, chịu đựng, nhường nhịn được "cái tôi" của mình và trở nên kém cỏi trong việc chấp nhận sự khác biệt của những người xung quanh.
Ai cũng than vãn rằng mình cô đơn, rằng không ai hiểu được mình, nhưng chính họ quên đi rằng bản thân cũng không cố gắng để hiểu và chấn nhận sự khác biệt của người khác.
Đó là một phần lý do tại sao người trẻ hiện nay cô đơn nhiều như thế, họ quan niệm rằng tình yêu là nhanh gọn, là có sẵn, hai người gặp nhai thấy hợp thì yêu nhau, rồi hết yêu thì "đường ai nấy đi" – tại sao phải vun đắp, đầu tư công sức vào một người, trong khi ngoài kia còn bao nhiêu sự lựa chọn khác tốt hơn?
Do đó, thông qua câu chuyện của mình, tác giả Khải Đơn muốn nhắn gửi thông điệp đến những người trẻ rằng hay sống yêu thương và truyền đi tình yêu, sự sẻ chia thay vì chỉ biết chăm chút cho cái tôi của mình.