Mỹ có nguy cơ bị tổn thương trước đòn tấn công từ các tên lửa đạn đạo tầm xa nếu chính phủ nước này không rà soát lại tổng thể hệ thống phòng thủ tên lửa “mong manh” của mình.
Đó là cảnh báo được các chuyên gia đưa ra trong báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Mỹ (NRC) công bố ngày hôm qua (11/9). NRC là một ban điều hành phi đảng phái trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Mỹ.
Báo cáo của NRC đặc biệt chỉ trích chiến lược phòng thủ tên lửa của Tổng thống Obama vốn chỉ tập trung bảo vệ châu Âu khỏi sự tấn công từ các tên lửa tầm ngắn của Iran. Thay vào đó, qua báo cáo, NRC đã kêu gọi quay trở lại một phần chính sách của cựu Tổng thống George W. Bush với việc tập trung vào bảo vệ Mỹ khỏi những mối đe dọa tên lửa tầm xa.
NRC cảnh báo Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị xuyên thủng bởi các tên lửa tầm xa như Shahab-3 của Iran
Theo báo cáo của NRC, quân đội Mỹ cần tập trung nguồn lực cho những phần cứng đã chứng tỏ khả năng có thể đánh chặn tên lửa đối phương ở giai đoạn giữa quỹ đạo bay thay vì đầu tư một lượng tiền lớn nhằm đánh chặn tên lửa đối phương ngay giai đoạn vừa phóng lên (giai đoạn đẩy).
Báo cáo này cho rằng cách tiếp cận hiện tại bộc lộ nhiều khó khăn về kỹ thuật và tài chính.
“Mỹ không nên đầu tư thêm bất cứ lượng tiền hay nguồn lực nào vào những hệ thống dùng cho phòng thủ tên lửa giai đoạn đẩy”.
David Montague, đồng Chủ tịch nhóm viết báo cáo và nguyên Trưởng phòng hệ thống tên lửa thuộc Cục tên lửa và Vũ trụ của Tập đoàn Lockheed Martin cho biết: “Trong một thời gian quá dài, Mỹ đã cam kết theo đuổi những chiến lược phòng thủ tên lửa đắt đỏ mà không tính tới tính hiệu về chi phí và tính hữu dụng”.
Theo báo cáo trên, hiện nay mạng lưới gồm 30 tên lửa đánh chặn của Lầu Năm Góc được thiết kế nhằm tấn công các tên lửa mục tiêu ở giai đoạn giữa, tuy mang lại cho nước Mỹ nội địa khả năng “phòng thủ sớm nhưng lại mong manh” trước đòn tấn công tiềm tàng từ kho vũ khí không mấy phức tạp của Triều Tiên.
Nhưng với việc Iran có thể phát triển những tên lửa tầm xa uy lực hơn trong vòng một thập kỷ tới, nhóm nghiên cứu của NRC đề xuất cần bổ sung thêm một vị trí đánh chặn thứ ba ở vùng Đông Bắc nhằm tăng cường khả năng cho hệ thống phòng thủ.
Báo cáo của NRC cho rằng một sự thay đổi chiến lược như vậy sẽ ít tốn kém hơn và hoàn toàn phù hợp với ngân sách phòng thủ thường niên 10 tỷ USD của Lầu Năm Góc.
Năm 2009, Tổng thống Obama cho công bố kế hoạch phòng thủ tên lửa mới mà theo lập luận của các quan chức chính quyền ông thì hệ thống này sẽ sớm trở thành hiện thực hơn so với của người tiền nhiệm George W. Bush và cũng ít gây chia rẽ với Nga.
Thế nhưng, cách tiếp cận của ông Obama đã bị một số nhà lập pháp Cộng hòa kịch liệt chỉ trích.
Quốc Hội Mỹ đã yêu cầu, cùng với việc đệ trình báo cáo, NRC cần đưa ra những kiến nghị khoa học cho chính phủ.