Nhiều quốc gia mà Mỹ coi là "đối thủ" hoặc "kẻ thù" đã lên tiếng bình luận về cuộc bầu cử vô cùng hỗn loạn của nước Mỹ, báo The Guardian (Anh) đưa tin.
"Đúng là một vở kịch" - Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei bình luận. "Có ai đó đã nói rằng đây là cuộc bầu cử nhiều gian lận nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ai đã nói điều đó vậy? Chính là vị Tổng thống Mỹ vẫn đang tại nhiệm kia."
Tại Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zarakhova đã chỉ trích "những thiếu sót quá rõ ràng của chế độ bầu cử Mỹ", và nói rằng khuôn khổ này đã quá "cổ xưa".
"Họ nói rằng [cuộc bầu cử Mỹ] nên được coi là chuẩn mực của một nền dân chủ. Tôi thì không nghĩ như vậy", ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), bình luận.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc trong vài ngày gần đây cuối cùng đã "phá vỡ" sự im lặng về cuộc bầu cử Mỹ. Một trong những đề tài được các báo đài Trung Quốc khai thác nhiều là quy trình kiểm phiếu chậm trễ của Mỹ khiến kết quả chung cuộc mãi chưa được công bố, trong đó một tờ nhật báo đã châm biếm rằng quy trình này "có chút giống với một quốc gia đang phát triển".
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng đã bình luận một cách hài hước bằng cách chế lời một bài hát được sử dụng trong cuộc thi hoa hậu của nước này: "Đêm nay thật đẹp làm sao, ai cũng có cửa thắng. Nước Mỹ, tôi chẳng 'nhúng mũi' vào đó đâu". Ông Maduro cho biết trong hai cuộc bầu cử địa phương gần nhất tại Venezuela, tất cả các phiếu bầu đều được kiểm đếm xong xuôi trước 11 giờ đêm cùng ngày.
Trong tuần này, Venezuela cũng bắt đầu quá trình tranh cử cho các vị trí trong quốc hội. Ông Maduro cho biết nước Mỹ nên học tập Venezuela thay vì "giảng giải" cho thế giới về dân chủ. Venezuela là một ví dụ điển hình của việc bầu cử "hòa bình, văn minh", sử dụng các "công nghệ minh bạch và đã được kiểm chứng", cùng với đó là các máy bỏ phiếu sinh trắc học có thể chốt kết quả ngay trong ngày, ông Maduro nói.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: