Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hay quá rồi, liệu có cần phải "cố đấm ăn xôi"?

Lam Chi - Ảnh: Đông Anh, Đoàn Ca |

Từ ngày "chạm ngõ" bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo cùng ĐTQG bất bại 13 trận trước các đội bóng Đông Nam Á. Việt Nam quá mạnh, thế thì sao phải lo lắng chuyện SEA Games?

1. Trong số 13 trận bất bại ấy, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam chỉ hòa có 3 trận: 0-0 với Campuchia ở vòng bảng AFF Cup 2018, 2-2 với Malaysia ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018, và gần đây nhất là trận hòa 0-0 với Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Tỷ lệ chiến thắng của họ lên đến 76,9%, ghi 24 bàn thắng và chỉ phải nhận có 7 bàn thua.

Ở Đông Nam Á, suốt 2 năm trời qua, Việt Nam chứ không phải Thái Lan mới là đội bóng nắm ngôi đầu. Từ U23 đến ĐTQG, ở tất cả các giải đấu trong vòng 2 năm trở lại đây, thầy trò HLV Park Hang-seo đều cho người Thái "ngửi khói". Trong khi bóng đá Việt Nam liên tiếp lập những kỳ tích ở tất cả các giải đấu mà mình tham gia, thì bóng đá Thái Lan đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng, với niềm tin của người hâm mộ bị xói mòn nghiêm trọng.

Dẫu cho đội tuyển Thái Lan vừa có được chiến thắng quan trọng trước UAE ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, để chiếm lấy ngôi đầu bảng G và lăm le lặp lại chiến tích vòng loại World Cup 2018, nhưng ở cấp độ trẻ, bóng đá Thái Lan tỏ ra thua kém Việt Nam, với trận đấu gần nhất U23 Thái Lan thua trắng đến 4 bàn không gỡ ở vòng loại U23 châu Á 2020.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hay quá rồi, liệu có cần phải cố đấm ăn xôi? - Ảnh 1.

Thái Lan đang 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games.

Ở đấu trường SEA Games năm nay, U22 Việt Nam không có đối thủ, bởi đối thủ khả dĩ duy nhất của thầy trò HLV Park Hang-seo lại tự "trói chân" mình với việc HLV Akira Nishino quyết định không dùng 2 suất trên 22 tuổi, thậm chí còn lăm le để 3 chân sút U22 góp mặt trong ĐTQG là Supachok, Supachai và Suphanat "nghỉ ngơi".

Ở chiều ngược lại, với chỉ tiêu được giao "bằng mọi giá phải vô địch SEA Games 30", việc các đội U22 tham dự SEA Games lần này được bổ sung thêm hai cầu thủ trên 22 tuổi tưởng chừng sẽ khiến các đội bóng "chiếu dưới" khỏa lấp bớt khoảng cách với các "ông lớn" Đông Nam Á, nhưng kỳ thực Việt Nam mới là đội hưởng lợi nhất, khi chính quy định này giúp thầy Park gần như có đủ cả ĐTQG "thu nhỏ" ở giải đấu dành cho lứa U22 này.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hay quá rồi, liệu có cần phải cố đấm ăn xôi? - Ảnh 2.

2. HLV Steve Darby - một người rất am hiểu bóng đá Đông Nam Á, đặc biệt là bóng đá Việt Nam, mới đây đã nhận xét về Công Phượng và Văn Hậu - những cầu thủ Việt Nam đang "dấn thân" ở châu Âu:

"Tôi nể phục các cầu thủ Việt Nam như họ, những người dũng cảm trở thành cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế. Bất kể chuyện gì xảy ra, họ sẽ trở về Việt Nam với sự tiến bộ hơn, không chỉ ở thể lực mà còn ở tinh thần, thái độ thi đấu.

Trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp ở châu Âu không dễ dàng chút nào. Bạn phải trưởng thành nhanh chóng và dẹp đi tất cả những nỗi lo lắng cỏn con như đồ ăn lạ hay nỗi nhớ nhà".

Khác với Công Phượng, Văn Hậu đang có được sự hỗ trợ tốt nhất đề "dẹp đi tất cả những nỗi lo lắng cỏn con". Ở Heerenveen, tuyển thủ quốc gia người Thái Bình này được CLB Hà Lan này bố trí chuyên gia dinh dưỡng riêng, trợ lý ngôn ngữ riêng - không chỉ để phiên dịch cho anh, mà còn để kèm cặp giúp Văn Hậu hòa nhập tốt nhất với CLB.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hay quá rồi, liệu có cần phải cố đấm ăn xôi? - Ảnh 3.

Văn Hậu đang nhận được sự chăm sóc cực kỳ chu đáo ở Heerenveen.

Có thể thấy Heerenveen đang rất tích cực trong việc biến hậu vệ này từ bản hợp đồng một mùa trở thành một cầu thủ trụ cột gắn bó và đồng hành cùng đội bóng này trên con đường dài sự nghiệp.

HLV Steve Darby đã nói rằng một trong những khó khăn với Văn Hậu là phải "trưởng thành nhanh chóng". Đội bóng Hà Lan đang giúp cầu thủ trẻ này trưởng thành nhanh chóng ở cả khía cạnh chuyên môn lẫn cuộc sống ngoài bóng đá.

Sự tiến bộ mà HLV Steve Darby nói đến có thể chưa được thể hiện rõ lắm, dù cho ở trận đấu gần nhất của ĐTQG Việt Nam, Văn Hậu chính là người kiến tạo cho Duy Mạnh ghi bàn thắng mở tỷ số vào lưới Indonesia, cũng như quản rất tốt hành lang trái trong suốt trận đấu này. Văn Hậu cần thêm thời gian để bước lên một tầm cao mới.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hay quá rồi, liệu có cần phải cố đấm ăn xôi? - Ảnh 4.

Nhưng bước lên thế nào, khi vừa mới làm quen với môi trường mới ở đây, Văn Hậu sẽ phải trở về Việt Nam hơn 1 tháng trời, bỏ lỡ không ít trận đấu cũng như quá trình tập luyện trên đất Hà Lan để tham dự SEA Games - giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ Đông Nam Á.

Nếu Văn Hậu là tuyển thủ Thái Lan, chắc chắn sẽ không có chuyện được triệu tập trở về tham dự SEA Games, bởi "đại kình địch" của bóng đá Việt Nam ở Đông Nam Á đã quá no nê với các danh hiệu kiểu này, và dẫu có không như thế, họ sẽ vẫn luôn ưu tiên sân chơi ấy cho những cầu thủ trẻ như đúng tiêu chí của nó, chứ không phải là những trụ cột quan trọng của đội tuyển quốc gia như Văn Hậu.

Văn Hậu đen đủi, khi các bậc đàn anh, đàn chú của mình suốt mấy chục năm trời qua chẳng thể một lần chạm đến chức vô địch SEA Games, để rồi cứ mỗi giải đấu trôi qua, nó lại là nỗi đau của bóng đá Việt Nam, và là giấc mơ tuy phù phiếm, nhưng chứa đựng cực kỳ nhiều khát khao của người hâm mộ.

Hai chục năm trước, nó là đích đến đẳng cấp mà bóng đá Việt Nam khát khao. Nhưng hiện tại, với những gì HLV Park Hang-seo cùng thế hệ vàng hôm nay đem về cho bóng đá Việt Nam, lọt vào VCK World Cup, Olympic hay Asian Cup mới là đích đến. Thế nhưng chẳng hiểu sao, SEA Games vẫn là nỗi ám ảnh, thậm chí là thứ bằng mọi giá phải đạt được.

Không có Văn Hậu, liệu U22 Việt Nam có vô địch SEA Games được không? Hãy nhớ xem Đình Trọng từng quan trọng đến thế nào với những đội tuyển trong tay thầy Park. Hãy nhớ lại trận đấu với U23 Thái Lan, khi Đình Trọng bị chấn thương vẫn phải khập khiễng ra sân đá cả trận. Rồi vắng Đình Trọng, đội tuyển Việt Nam có sụp đổ không? Hỏi, đôi khi đã là tự trả lời.

HLV Park Hang-seo có không ít phương án thay thế Văn Hậu, và nhìn nhận một cách tích cực, đây sẽ là cơ hội để những cầu thủ trẻ Việt Nam được dịp thử sức khi Văn Hậu "vắng nhà". Chẳng phải ông Park từng nói điều quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam không phải là thành tích hiện tại, mà là sự đầu tư cho lứa cầu thủ trẻ sao?

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hay quá rồi, liệu có cần phải cố đấm ăn xôi? - Ảnh 6.

Trước một đấu trường "vừa miếng" như SEA Games 30, liệu có nhất thiết phải làm gián đoạn quá trình hòa nhập quan trọng của Văn Hậu ở châu Âu, để bằng mọi giá giành được chức vô địch SEA Games?

Nếu đặt Văn Hậu cùng con đường đến với châu Âu mà hậu vệ trẻ này đang mở ra cho bóng đá Việt Nam làm trọng tâm, sẽ chẳng thiếu cách để "vẹn cả đôi đằng".

Nhưng đến như HLV Park Hang-seo còn phải chấp nhận nắm cả đội tuyển Việt Nam lẫn U23 Việt Nam dù thực sự quá tải và không ít lần có ý định "trút bớt gánh nặng", cùng với chỉ tiêu vô địch SEA Games bằng được, thì ước muốn ấy cũng chỉ là xa xỉ mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại