Đội ngũ cố vấn mới có quan điểm tương đồng
Trong việc chỉ định ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia mới hôm 22/3 thay cho ông H.R. McMaster, Tổng thống Donald Trump cho thấy rõ ràng ông muốn “thoát” khỏi những lời cảnh báo, những câu trả lời "không" đối với những quan điểm cơ bản của ông.
Cùng với việc sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson 10 ngày trước đó và thay thế bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo, những vụ thay nhân sự mới này đánh dấu một sự chuyển đổi đáng kể của những cố vấn xung quanh Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump rõ ràng là đã nản lòng với các nhân vật cấp cao xunh quanh ông luôn nói về những gì ông không thể làm và thay thế họ bằng những người ủng hộ ông nhiều hơn, đồng quan điểm với ông hơn. Tất nhiên những vụ bổ nhiệm mới này không thể là ngẫu nhiên. Với việc đưa John Bolton vào Nhà Trắng, ông Trump lại có thêm một đồng minh, một người có quan điểm tương đồng với ông.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush có chung quan điểm với ông Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran và ngoại giao đa phương. Với quan điểm hiếu chiến, từ nhiều năm nay, ông Bolton đã kêu gọi nước Mỹ nên sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự đối với kẻ thù.
Điều này có thể đánh dấu một giai đoạn mới trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Cùng ngày ông Trump đăng tải trên Twitter về việc Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster từ chức, thì John Dowd luật sư hàng đầu của ông Trump cũng “dứt áo ra đi”.
Ông John Dowd, người dẫn dắt nhóm luật sư đại diện cho Tổng thống từ mùa Hè năm ngoái, lâu nay đã muốn từ chức vì cho rằng Tổng thống Trump càng ngày càng không nghe những lời cố vấn của ông và bắt đầu có những động thái cứng rắn hơn liên quan công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2016.
Sự ra đi của ông McMaster khiến nhiều người hoài nghi Chánh văn phòng Nhà Tráng John Kelly sẽ là người tiếp theo. Cùng với Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, cả 3 người này được cho là những người có tầm ảnh hưởng vừa phải nhất đối với Tổng thống Donald Trump.
Bộ máy khó đoán
Việc thay đổi hàng loạt cố vấn cấp cao chỉ trong một thời gian ngắn sẽ khiến cho bộ máy của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng trở nên khó đoán.
Ở một khía cạnh nào đó, McMaster, Tillerson và Kelly được đưa vào những vị trí chủ chốt để củng cố sự cân bằng và độ tin cậy cho một chính quyền mới gây nhiều tranh cãi của Mỹ. Tuy nhiên, những người thay thế họ có thể sẽ phải làm nhiều hơn, để nói những gì ông Trump muốn nghe và để “không phụ sự bổ nhiệm” của Tổng thống.
Một trong những điều lạ lùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump là sự chia rẽ trong quan điểm và thông điệp của các quan chức cấp cao, và cả những tuyên bố trên Twitter.
John Bolton là chuyên gia phân tích, nhà bình luận hàng đầu của Fox News. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông Trump sẽ cần thiết phải lưu ý những lời khuyên của ông Bolton. Ông Trump rõ ràng là ít định kiến hơn so với kiểu bảo thủ trực diện của ông Bolton. Nhưng vẫn quá sớm để nói về những diễn biến trong bộ máy của chính quyền Trump.
Không giống như ông Bolton và chính quyền Tổng thống George W. Bush, ông Trump nổi tiếng là ít muốn sử dụng vũ lực. Dù vậy, có thể thấy rõ điểm chung giữa họ là thích lựa chọn các cuộc tấn công phủ đầu hạn chế hơn, hành động vỏ bọc và sử dụng nền ninh tế, ngoại giao và sức mạnh quân sự của Mỹ một cách mạnh mẽ hơn.
Một điểm chung khác là chính là “không thể dự đoán được”. Chưa chắc ông Bolton sẽ cố gắng khuyên can Tổng thống rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un – điều mà ông Trump đã tuyên bố công khai và cam kết quá mạnh mẽ để có thể rút lại. Nhưng nếu các cuộc gặp không diễn ra như ông Trump muốn, thì nhiều khả năng ông Bolton sẽ là tiếng nói mạnh nhất về hành động quân sự như ông đã từng lên tiếng với Iraq.
Phải nhắc lại một lần nữa rằng, đây không phải là kết luận đã được định trước. Bất cứ sự bất đồng mới nào cũng có thể nhanh chóng xảy ra giữa các tiếng nói trong phòng Bầu Dục.
Dù thế nào, có một điều không thể phủ nhận là chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có một bước chuyển sang quan điểm cứng rắn kiểu chủ chiến. Quan trọng hơn, nó gợi lại những gì đã từng diễn ra 15 năm trước với cuộc chiến ở Iraq. Điều này khiến nhiều phải đặt đâu hỏi, liệu đây có phải lại là một giai đoạn “tính toán sai lầm” khác?./.