1. Phút 74 trận đấu lượt đi bán kết liên khu vực AFC Cup trên sân Hà Nội, Thành Lương vừa vào sân được 3 phút, và CLB Hà Nội được hưởng quả phạt góc bên cánh phải. Thành Lương là người thực hiện quả phạt góc ấy. Lương lùi lại lấy đà, rồi gọi to: "Quyết ơi, em chạy ra đây!". Lập tức, trên sân Văn Quyết lao ra hướng Thành Lương, kéo theo một hậu vệ của Altyn Asyr.
Trọng tài nổi còi dừng quả phạt góc, để đội khách thay người. Thành Lương quay ra phàn nàn với trọng tài biên về cái lỗ thủng to hơn bàn tay được vá vội bằng một tảng bê tông trên đường lấy đà thực hiện quả phạt góc. Không cần gọi, lần này Văn Quyết lập tức lao ra, dù cho quả bóng ấy, Thành Lương treo sân vào vòng 5m50.
Trận đấu kết thúc, sau màn ăn mừng và tri ân cổ động viên Hà Nội trước khán đài B, chỉ có Văn Quyết còn nán lại, bắt tay các phóng viên, rồi giật tấm băng trắng trên đầu xuống, chỉ vào vết thương còn rớm máu do ăn đinh giày của đối phương cho một người hâm mộ. Trận đấu ấy, Văn Quyết được tung vào sân ở phút 55, và là người thực hiện thành công quả phạt đền ấn định trận thắng 3-2 cho đội bóng thủ đô.
Suốt quãng thời gian ấy, khó có thể tìm được lấy một nụ cười trên môi Văn Quyết. Có cảm giác như trên sân, tiền đạo này đá bóng như một người ông nông dân cày ruộng, rất chăm chú, cần cù, giống như một công việc, hơn là niềm vui hay đam mê.
Ai đó từng kể rằng, nhiều năm về trước, ở thời điểm Thể Công sắp giải thế, bầu Hiển đến xem đội để tuyển chọn vài cái tên về Hà Nội T&T. Ông nói với Nguyễn Giang Đông - cựu chủ tịch CLB Sài Gòn và là bố vợ Văn Quyết sau này, rằng: "Anh Đông cứ khen Văn Quyết, chứ Hiển thấy cậu này chạy loăng qua loăng quăng chứ có thấy làm được gì đâu".
Ông Đông bảo: "Loăng quăng mà chạy được từ đầu đến cuối là tốt. Chỉ sợ cầu thủ không muốn chạy".
Trong cuốn tự truyện của mình, Công Vinh từng viết: "Tôi không có lấy một yếu tố thiên bẩm nào. Trong khi nhìn quanh các bạn, người thì rất nhanh, người thì cực kỳ khéo léo, người lại có sức càn lướt cực kỳ dũng mãnh. Tôi thì mảnh khảnh, hơi vụng, chưa có bất kỳ một ý niệm gì về chiến thuật hay vị trí trên sân.
Nhưng rõ ràng ông trời không cho ai tất cả, nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Bù lại cho những hạn chế về hình thể và kỹ thuật, tôi lại có được ý chí mạnh mẽ".
Ở những dòng tự thuật ấy, người ta thấy bóng dáng của của Văn Quyết - cầu thủ nhiều năm trước chỉ biết "chạy loăng qua loăng quăng", mà giờ đây đã là đội trưởng của CLB Hà Nội - đội bóng đang thống trị bóng đá Việt Nam.
2. Văn Quyết sinh năm 1991, là thế hệ cầu thủ nằm chênh vênh giữa hai lần vô địch của bóng đá Việt Nam ở AFF Cup. Ngày Công Vinh cùng các đồng đội đoạt chức vô địch trên sân Mỹ Đình, Văn Quyết mới 17 tuổi, và ngày đeo tấm băng đội trưởng để giương cao chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018, tiền đạo quê Hà Tây này đã 27 tuổi.
Từ thế hệ Công Vinh, Minh Phượng vô địch AFF Cup 2008, cho đến thế hệ Quang Hải, Công Phượng vô địch AFF Cup 2018, Văn Quyết nằm lọt thỏm ở giữa, đúng thời kỳ đen tối của bóng đá Việt Nam, với thành tích tệ hại ở đấu trường khu vực.
Ở đó, Văn Quyết - dẫu chẳng thể bằng được Công Vinh, và có lẽ sẽ tụt lại so với Quang Hải, cũng không thể nổi bật bằng người đồng đội kỳ cựu Thành Lương - với 4 Quả bóng Vàng Việt Nam, nhưng ở thời của mình, cũng như lịch sử bóng đá Việt Nam, Văn Quyết chắc chắn vẫn là cầu thủ nổi bật với những đóng góp của mình cho đội tuyển quốc gia, cũng như CLB Hà Nội.
Cũng như Công Vinh, Văn Quyết không quá nổi bật, bởi cả tài năng xuất chúng lẫn hình ảnh rực rỡ với người hâm mộ. Cổ động viên của CLB Hà Nội yêu mến anh, nhưng cũng có không ít người ghét anh. Như Công Vinh, Văn Quyết chênh vênh giữa đôi bờ yêu - ghét, và ở đó, những người yêu anh chắc chắn có lý do, còn những người ghét anh, có khi chỉ đơn thuần là vì "nhìn thấy ghét" - thế thôi.
Cũng như Công Vinh, Văn Quyết đang có rất nhiều thứ. Anh có vợ hiền, có con trai kháu khỉnh. Tài sản của anh, người ta đồn đoán có lẽ chỉ thua mỗi Anh Đức, Công Vinh. Nhưng trên sân cỏ, người ta thấy anh vẫn miệt mài "cày cuốc", miệt mài lao đi, miệt mài đi tìm sự khẳng định, dù là trong màu áo tím CLB Hà Nội, hay với chính HLV Park Hang-seo.
Đen đủi cho Văn Quyết khi dù cho đang có phong độ tốt nhất, anh cũng không thể lọt vào được "tầm ngắm" của ông thầy người Hàn Quốc. Rất có thể lối chơi "cày cuốc", kém phần sáng tạo của anh là lý do ông Park không chọn, dẫu cho Văn Quyết cực kỳ khát khao. Nhưng dẫu vậy, điều đó có thể làm anh buồn, nhưng chắc hẳn không bao giờ có thể lấy đi hi vọng của cầu thủ đội trưởng này.
Nếu như Công Vinh từng được gọi là "Kẻ to gan dám làm cầu thủ tử tế trong nền bóng đá chưa tử tế", thì ở hiện tại, Văn Quyết là "cầu thủ tử tế" giữa một nền bóng đá đã thấp thoáng sự tử tế.
Nếu như "sự tử tế" của HAGL đến từ bầu Đức, người đã dày công gầy dựng một thế hệ trẻ vừa tài năng, vừa "tử tế" với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, thì ở CLB Hà Nội, cũng có một thế hệ trẻ không kém phần "tử tế" với Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh, Hùng Dũng...
Những cầu thủ trẻ đầy tài năng, và là trụ cột của đội tuyển quốc gia ấy đã từng nhìn vào tấm gương rất lớn của Thành Lương, của Văn Quyết - những cầu thủ thành công, thành đạt bởi thứ bóng đá "tử tế" đầy chuyên nghiệp, để xác định sự chuyên nghiệp, sự tử tế cho sự nghiệp mình.
Nhìn vào Công Vinh, Anh Đức, không ít người sẽ tiếc cho Văn Quyết, bởi rất có thể người đội trưởng từng cùng đội tuyển Việt Nam nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018 sẽ không có một kết cục "có hậu" trong màu áo đỏ của đội tuyển. Nhưng nhìn vào thành công của những cầu thủ trẻ Hà Nội như Quang Hải, Văn Hậu... người ta sẽ thấy niềm tự hào ấy của Văn Quyết còn lớn hơn sự tiếc nuối rất nhiều.