"Thay máu" toàn diện - giấc mộng còn xa vời của Nga?

Nhật Minh |

Theo chuyên gia Viktor Yesin, để hoàn thành chương trình hiện đại hóa và tái vũ trang quân đội, Moscow còn hàng loạt vấn đề phải đối mặt.

Đáng chú ý nhất trong số các trang bị của quân đội Nga gần đây là tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mình hệ thống này chưa đủ để bảo vệ nước Nga. Điều Moscow cần làm ngay lúc này là hiện đại hóa các doanh nghiệp quốc phòng trong nước.

Hôm 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng, trong tháng 10, một nửa số khí tài của các lực lượng vũ trang Nga đã bao gồm các mẫu mới.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, tới năm 2020, 70% trang bị của quân đội Nga sẽ bao gồm các hệ thống mới được nâng cấp.

Thay máu toàn diện - giấc mộng còn xa vời của Nga? - Ảnh 1.

Hình ảnh tổ hợp Buk-M3 đầu tiên được biên chế cho Lục quân Nga.

Một trong những "món quà" lớn dành cho quân đội Nga là hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3. Ông Shoigu cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã tiếp nhận sư đoàn Buk-M3 đầu tiên.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng gần đây, quân đội Nga đã nhận được một loạt hệ thống phòng thủ khác như S-400, Pantsir-S, Bal, Bastion, Buk-M2. Ngoài ra còn có 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa, 100 tên lửa hành trình Kalibr và Onyx dành cho các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Hải quân Nga.

Tại diễn đàn quân đội Army-2016 diễn ra gần Moscow đầu tháng 9 năm nay, Nga đã trình diễn những công nghệ mới nhất mà quân đội nước này đang có kế hoạch trang bị.

"Đại diện Bộ Quốc phòng, các quan khách nước ngoài và chuyên gia quân sự có thể đánh giá năng lực chiến đấu của Nga thông qua những màn trình diễn này" - ông Shoigu nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Viktor Yesin - cựu Giám đốc Bộ Tổng tham mưu lực lượng tên lửa chiến lược Nga, để hoàn thành chương trình hiện đại hóa và tái vũ trang quân đội, Moscow còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết.

"Đó là do các lệnh trừng phạt và sự sụt giảm của nền kinh tế Nga. Quá trình thay thế thiết bị nhập khẩu tại các doanh nghiệp quốc phòng ở Nga vẫn chưa đi đến đâu" - ông Yesin nói.

Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vấn đề chính nằm ở chỗ Moscow không có đủ khả năng thay thế thiết bị nhập khẩu ở một loạt các lĩnh vực then chốt trong vài năm tới.

"Các doanh nghiệp Nga có thể sản xuất động cơ cho tàu chiến và trực thăng để thay thế nguồn thiết bị nhập khẩu vào năm 2018. Tuy nhiên, họ sẽ không thể sản xuất độc lập nhiều linh kiện điện tử đi kèm một số thiết bị" - Nguồn tin nói.

Bên cạnh đó, theo thứ trưởng quốc phòng Nga Timur Ivanov, ngân sách giành cho quốc phòng của Nga đã sụt giảm do khủng hoảng và tình trạng này có thể còn tiếp diễn trong năm 2017.

Theo ông Yesin, chi tiêu quốc phòng hẳn nhiên rất tốn kém. Nhưng nếu Nga muốn được an toàn và không phải lo ngại gì trong tương lai thì chính phủ nước này nên đầu tư mạnh ngay từ bây giờ để tránh lập lại tình cảnh trong những năm 1990 và 2000.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại