Thầy giáo ở Sài Gòn dạy học sinh đóng "cảnh nóng" trong tiết Văn

PV |

Việc thầy Phạm Quốc Đạt tổ chức cho học sinh sân khấu hóa trên bục giảng cảnh ái ân trong một số tác phẩm văn học và bị kỷ luật đang gây tranh cãi.

Thầy giáo dạy Văn bị kỷ luật

Theo thông tin trên báo Thanh niên, vào đầu năm nay, thầy giáo Phạm Quốc Đạt (Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM) cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia (Số Đỏ- Vũ Trọng Phụng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng). 

Trong đó, một số cảnh sân khấu hóa này bị phản ứng vì được cho là tái hiện "cảnh nóng", vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và côTuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp… Hai clip trong vở kịch này bị "rò rỉ" lên mạng xã hội. 

Cảnh sân khấu hóa này bị nhiều giáo viên trong trường phản đối, một số phụ huynh gửi đơn lên nhà trường. 

Tháng 1/2019, lãnh đạo trường ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều lỗi, trong đó có nội dung là cho học sinh diễn kịch "không phù hợp với lứa tuổi", "diễn những cảnh nhạy cảm"… 

Thầy giáo ở Sài Gòn dạy học sinh đóng cảnh nóng trong tiết Văn - Ảnh 2.

Cảnh nhạy cảm trong tác phẩm văn học được sân khấu hóa. Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật

Ông Đạt bị cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, chuyển về làm công tác thư viên của nhà trường.

Trao đổi với VnExpress, hiệu trưởng Lương Văn Định cho biết quyết định cảnh cáo với ông Đạt không chỉ từ các tiết sân khấu hóa môn Văn có cảnh "nhạy cảm" mà còn liên quan đến nhiều lý do khác. Các quyết định trên đều thông qua Hội đồng sư phạm, làm đúng quy trình pháp luật.

Hơn một nửa phiếu tham khảo hình thức kỷ luật của hơn 100 cán bộ, nhân viên trường này đồng ý cảnh cáo ông Phạm Quốc Đạt.

Thầy giáo gửi đơn kiện

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Quốc Đạt, hiện là nhân viên trường THPT Võ Trường Toản tỏ ra bất bình trước quyết định kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ công tác giảng dạy kiêm chủ nhiệm của thầy giáo này

Thầy Đạt cho rằng quyết định kỷ luật này không "đúng người đúng tội", vì phần sân khấu hóa các tác phẩm văn học của học sinh lớp 11 được sáng tạo trên hiệu ứng chiếu bóng. Học sinh đứng sau tấm màn, không có sự đụng chạm xác thịt, chỉ dùng kỹ xảo để diễn tả hành động.

"Còn khi xem các video trên mạng, mọi người nói dung tục, phản cảm thì phải coi lại là xem trong bối cảnh nào. Phần tái hiện tác phẩm dài khoảng 15 phút với nhiều diễn biến nhưng chỉ tách những phân cảnh nhạy cảm để bình phẩm thì khó đánh giá toàn diện", ông Đạt phân trần.

Thầy giáo ở Sài Gòn dạy học sinh đóng cảnh nóng trong tiết Văn - Ảnh 3.

Thầy Phạm Quốc Đạt không đồng tình với quyết định kỷ luật của nhà trường. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Cũng theo ghi nhận của Zing, do không đồng ý với quyết định kỷ luật, thầy Phạm Quốc Đạt đã nộp đơn khiếu nại lên hiệu trưởng và Sở GD&ĐT TP.HCM.

Ông Đạt yêu cầu hiệu trưởng nhà trường tuyên hủy toàn bộ các quyết định nói trên, buộc nhà trường phải công khai xin lỗi mình trước tập thể giáo viên nhà trường, trên 3 số báo liên tiếp, bố trí thầy quay trở lại giảng dạy, chủ nhiệm theo đúng chuyên môn.

Cùng đó, ông yêu cầu nhà trường bồi thường số tiền gần 23 triệu đồng thiệt hại về mặt vật chất. Đồng thời, thầy giáo này cũng nộp đơn xin ra khỏi tổ chức Công đoàn cơ sở và Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM. Ông cho rằng mình bị kỷ luật oan sai nhưng tổ chức Công đoàn thờ ơ, không có động thái quan tâm, chia sẻ.

Giáo viên khác nói gì?

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy Văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng đối với văn chương, nhìn bằng con mắt nghệ thuật thì sẽ là nghệ thuật, nhìn bằng con mắt trần tục thì sẽ trần tục. Hay có só sự nhập nhằng giữa cả 2 điều này. Nhiều thứ nghĩ là dung tục nhưng vẫn là nghệ thuật, tưởng là nghệ thuật vẫn dung tục.

Những cảnh học sinh diễn kịch chúng ta thấy nếu bình thường là dung tục. Nhưng nhà văn đưa vào tác phẩm là nghệ thuật, xem đó là điều cần thiết cho tác phẩm. Khi người tiếp nhận tác phẩm tách cảnh đó ra khỏi câu chuyện, tách ra khỏi ngữ cảnh thì sẽ trở thành trần tục. N

ếu học sinh diễn cảnh đó đơn lẻ, nhìn vào thì chỉ thấy sự dung tục. Nhưng nếu nhìn tổng thể trong toàn bộ vở kịch, thì có thể không quá dung tục.

“Tôi không biết trực tiếp xem toàn bộ vở kịch thầy trò diễn để biết sự việc cụ thể thế nào, thầy đúng hay sai. Nhưng nếu đánh giá thì chúng ta cần phải nhìn tổng thể. Theo những gì tôi biết được thì những cảnh này là cảnh chiếu bóng, thầy đứng sau giám sát, học sinh diễn không đụng chạm. có bạn nam đóng thế nữ.

Ngoài ra, ở đây chúng ta còn có thể thấy được sự sáng tạo của học trò ở việc tạo ra âm thanh, ánh sáng, diễn kịch... để hiểu về tác phẩm” – giáo viên Đức Anh chia sẻ trên báo Thanh niên.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại