Dimas Kanjeng thu hút hàng chục ngàn người gửi tiền
“Tôi đã bị mê hoặc”, Muhammad Ali, một doanh nhân kiêm luật sư, nhớ lại.
Ali nói rằng thầy Dimas nói năng cực kỳ thuyết phục, uy quyền và lôi cuốn. Nhưng trên tất cả, thầy Dimas, tên thật là Taat Pribadi, khẳng định có sức mạnh nhân tiền lên gấp bội. Thầy thể hiện năng lực này trước mắt tất cả mọi người chứng kiến.
Danh tiếng của thầy lan ra khắp Indonesia từ năm 2009. Đến năm 2012, thầy chính thức đăng ký tên hội của mình là Padepokan Dimas Kanjeng Taat Pribadi, rồi bắt đầu nhận những khoản tiền lớn và tài sản từ các tín đồ, với lời hứa sẽ trả lại cho họ gấp nhiều lần.
Chỉ trong vòng 2 năm, Ali đã trao cho thầy Dimas hơn 35 tỷ rupiah (2,2 triệu USD), nhưng anh chỉ là một trong hàng ngàn người đã tin tưởng giao tài sản cho người đàn ông có sức mạnh phi thường.
Kiến bâu mật ong
Năm 2010, nhà báo Ahmad Faisol được mời đến trụ sở của thầy Dimas để đưa tin về một sự kiện từ thiện. Đó là thời điểm thầy Dimas bắt đầu thu hút tín đồ.
Faisol nhớ lại trụ sở khi đó được bảo vệ rất chặt. Người ngoài không thể vào nếu không có giấy mời. Đó là lúc Faisol tận mắt chứng kiến thầy Dimas dùng sức mạnh khiến tiền được nhân lên nhiều lần.
“Ông ấy mời tôi vào phòng khách tìm ông ấy”, Faisol kể.
Faisol nhớ khi đó đã nhìn thấy “rất nhiều tiền”. Khoảng 50 triệu rupiah được nhân thành 100 triệu rupiah ngay trước mắt anh.
Khi Faisol hỏi làm sao có thể khả năng này, thầy Dimas nói rằng năng lực này xuất hiện sau khi thầy thiền trên núi.
Thầy Dimas còn có khả năng chữa bệnh, nhà báo địa phương Babul Arifandie kể. “Có một số nghi thức mà các tín đồ phải thực hiện”, Babul nhớ lại.
Dimas và vợ. (Ảnh: CNA)
Babul được mời đến cơ sở của thầy Dimas và anh thực sự kinh ngạc trước sức hút của người đàn ông này, khi có thể tập hợp nhiều triệu rupiah từ hàng ngàn người.
“Ông ấy giống như mật ong, thu hút rất nhiều kiến”, Babul nói.
Doanh nhân Ali nói rằng khi đó tổ chức của thầy Dimas có tài chính rất ổn và quyên góp nhiều cho các hoạt động xã hội.
Thầy Dimas hứa sẽ nhân số tiền Ali trao cho lên nhiều lần. Ban đầu, Ali không định trao một số tiền lớn như vậy cho người này.
“Nhưng ông ấy luôn khẳng định tiền của tôi sẽ được trả lại”, Ali kể. Điều đó khiến anh gom hết tiền, thậm chí bán tài sản và vay ngân hàng để đưa cho thầy.
Đổi lại, anh nhận được những chiếc vali để bảo đảm. Thầy nói với anh rằng tiền của anh được đặt trong đó.
“Nếu những chiếc vali bị mở trước ngày quy định, anh sẽ chết, mù, hoặc tàn phế. Chúng tôi sợ vì những cảnh báo đó”, Ali cho biết.
Lilik Riyanto, người khi đó đang là quản lý tài chính của một quỹ từ thiện, được thầy Dimas nói rằng, để nhận được tiền về cho quỹ, trước hết anh phải trao tiền đi.
“Họ gọi đó là phí rút tiền”, Lilik kể.
Thầy Dimas hứa sẽ góp tiền để tổ chức của Lilink xây bệnh viện.
Cả Lilink và Ali đều tin vào lượng tiền khổng lồ mà tổ chức của thầy Dimas đang có. Lilik nhớ đã thấy tờ thông báo của ngân hàng nước ngoài có chi nhánh ở Jakarta, trên đó cho thấy tổ chức của thầy sở hữu hàng nghìn tỷ rupiah.
Ali cũng kiểm tra và thấy tổ chức của thầy đăng ký hoạt động phi lợi nhuận.
Từ đầu năm 2014 đến giữa năm 2016, quỹ từ thiện của Lilik gửi cho thầy Dimas hơn 20 tỷ rupiah với hy vọng nhận lại 1 nghìn tỷ rupiah.
Hai xác chết
Cũng vào năm 2014, nhà báo Faisol nhớ lại rằng đã xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Vào một ngày tháng 8, Abdul Gani - chủ tịch quỹ Dimas – tìm đến Faiso và nói rằng có chuyện muốn kể. Abdul được nói là một trong những người bạn thân nhất của thầy Dimas. Có tin nói rằng hai người biết nhau từ thời niên thiếu. “Nhìn vẻ mặt ông ấy, tôi đoán ông ấy có cục gì đó mắc nghẹn trong ngực, nhưng ông ấy chần chừ”, Faisol nhớ lại.
Faisol bắt đầu điều tra quỹ của thầy Dimas. “Có những tin đồn kỳ lạ. Một số người muốn chia sẻ, nhưng lại sợ”, anh kể.
Faisol tìm lại ông Abdul, nhưng không thấy.
Ngày 13/4/2015, tình hình thay đổi đột ngột.
Không nói gì với gia đình, Abdul biến mất. Hôm sau, thi thể ông được tìm thấy. Xác ông bị bọc trong nilon và dán băng dính. Băng dính cũng dán tất cả khuôn mặt ông. Dây thòng lọng vẫn ở cổ, tay ông bị trói, trên đầu ông có vết bầm.
“Rõ ràng ông ấy bị giết hại”, Muhammad Efendi, cháu nạn nhân, cho biết.
Abdul là người được kính trọng ở địa phương, vì thế thông tin về việc ông bị giết hại gây chấn động cộng đồng. Chiến dịch truy tìm thủ phạm được triển khai.
Đến tháng 5, cảnh sát bắt một số nghi phạm. Trong số đó, Wahyudi là trưởng nhóm bảo vệ tổ chức của thầy Dimas, và cũng là thành viên của Kopassus – bộ tư lệnh lực lượng đặc biệt của quân đội Indonesia ở địa phương.
Chiến dịch vây bắt của cảnh sát Indonesia
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp: “Vì sao nhóm người này giết ông Abdul? Động cơ là gì? Họ không có thù hằn gì với nạn nhân”, Rakhmad Hari Basuki, công tố viên tỉnh Đông Java, kể.
Sau đó, thêm một đồng nghiệp của ông Abdul được phát hiện đã chết.
Sự biến mất của Ismail Hidayah, người điều phối của Padepokan Dimas Kanjeng Taat Pribadi, được vợ ông báo cảnh sát từ hơn 1 năm trước. Khi Abdul được tìm thấy, cảnh sát phát hiện Ismail cũng đã bị sát hại.
Thực tế là thi thể Ismail được tìm thấy từ tháng 2/2015. Nhưng khi đó, thi thể hoàn toàn không còn nhận dạng được nữa. Không ai chú ý đến một thi thể vô danh.
Sau khi nhận dạng xong, cảnh sát bắt đầu xâu chuỗi. Ismail, Abdul và Dimas là bạn lâu năm.
Tháng 9/2016, cảnh sát lục soát cơ sở của thầy Dimas.
Không chỉ có cảnh sát Probolinggo mà còn có lực lượng từ vùng Đông Java, bao gồm đơn vị tác chiến được trang bị vũ khí hạng nặng. Faisol kể rằng có đến 2.000 cảnh sát và lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch.
“Có hàng ngàn người sống trong đó và họ sẵn sàng chết vì Dimas”, Babul nói.
Dimas được tìm thấy ở một cơ sở phía sau, khi đang trốn trong khu tập thể thao. Các tín đồ dùng gậy gộc và gạch đá để ngăn cảnh sát tiến vào. Cảnh sát phải mất 2 tiếng mới bắt được Dimas.
Cơ sở của "thầy" Dimas nay trở nên hoang tàn hơn, nhưng vẫn còn khoảng 300 người sống trong đó. (Ảnh: CNA)
Vì sao “thầy” này lại thu hút được một lượng người đi theo trung thành như vậy”.
“Người Indonesia tôn thờ biểu tượng. Dimas hiểu và lợi dụng điều đó”, Devi Rahmawati, một giảng viên về văn hóa tại ĐH Indonesia, lý giải.
Trong cơ sở của “thầy” này treo ảnh của nhiều bộ trưởng trong chính phủ và những người nổi tiếng khác.
Cũng theo bà Devi, người Indonesia vẫn cực kỳ tin vào lời truyền miệng và ma thuật.
Doanh nhân Ali nhớ lại, khi những chiếc vali anh giao cho cảnh sát, họ không dám mở ra mà phải nhờ một thầy cúng giúp đỡ.
Sau khi mở, họ phát hiện ra rằng những chiếc vali chứa đầy tiền giả. “Chúng chẳng có giá trị gì. Tôi vẫn để ở văn phòng công tố”, Ali kể.
Tháng 2/2017, bảy người bị đưa ra tòa với cáo buộc giết hại Ismail và Abdul, còn Dimas bị buộc tội chỉ đạo giết người. Việc kết án diễn ra dễ dàng vì có nhiều nhân chứng.
“Nhưng không ai trong số các nghi phạm dám nêu tên Dimas là chủ mưu, không ai khẳng định ông ta đã chỉ đạo”, Rudi, trưởng nhóm điều tra vụ án, cho biết.
Tuy nhiên, các công tố viên chứng minh được rằng nhóm trực tiếp ra tay đã nhận được 100 triệu rupiah để sát hại 2 nạn nhân.
Hoá ra, cả Abdul và Ismail đều bị sát hại vì định phơi bày trò lừa đảo. Cả hai đều biết rằng đang có thứ cực kỳ sai trái trong tổ chức của Dimas.
“Rimas ra lệnh bằng cách dùng ẩn dụ. Ông ta không bảo họ giết người mà chỉ bảo: Chấm dứt vấn đề đi”, Rudi biết.
Phiên tòa sau đó diễn ra để xét xử tội lừa đảo. Ngoài Lilik và Ali, còn 2 nạn nhân khác báo cảnh sát về việc bị lừa.
“Điều rất buồn cười là Dimas không chỉ thu hút tiền, mà cả thực phẩm, thịt viên, súp, xa-lát trái cây”, công tố viên Rakhmad kể.
Vì thế, thẩm phán yêu cầu Dimas chứng minh năng lực của mình ngay tại toà. Đó là lúc Dimas thừa nhận rằng ông ta không thể.
Kết quả là Dimas nhận 18 năm tù cho tội chỉ đạo giết người và 3 năm tù cho tội lừa đảo.
Tổng số tiền lừa đảo mà tòa tổng hợp là gần 100 tỷ rupiah, nhưng đó chỉ là một phần mà Dimas và quỹ của ông ta nhận được.
Không có báo cáo chính thức nào về tổng số tiền đã được gửi cho tổ chức này, và cơ quan chức năng không thể xác định có bao nhiêu nạn nhân đã trao tiền cho Dimas.
“Thầy” dỏm này có thể đã bỏ túi hơn 1 nghìn tỷ rupiah, cùng với nhiều loại tài sản như ô tô và giấy chứng nhận sở hữu đất. Đến tận ngày nay, người ta vẫn không biết số tài sản đó đang ở đâu.
Lục soát cơ sở của Dimas, lực lượng chức năng Indonesia không tìm thấy gì.
Babul cho biết cơ sở của Dimas giờ đã trở nên xơ xác, nhưng vẫn còn khoảng 300 người sống trong đó, để chờ Dimas mãn hạn tù.