Trước thềm kỳ họp Lưỡng hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc), Trung Nam Hải đã thay quyết định thay "tướng" của ba cơ quan phụ trách kinh tế quan trọng tại Trung Quốc vào cùng một ngày 24/2.
Ba cơ quan đó gồm: Ủy ban phát triển cải cách quốc gia, Ủy ban giám sát quản lý ngân hàng Trung Quốc và Bộ thương mại.
Các chuyên gia nhận định, việc cải tổ nhân sự ngay trong thời khắc chính trị quan trọng trước thềm Đại hội XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến diễn ra cuối năm nay, cho thấy ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo đó, việc điều chỉnh nhân sự này được đánh giá là bước chuẩn bị cho quá trình nắm quyền kỳ tiếp theo của thế hệ lãnh đạo thứ năm tại Trung Quốc.
Tập trung toàn diện kinh tế, bắt đầu cuộc chiến kinh tế sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của Đại hội XIX cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ hai.
Một số ý kiến cho rằng, hội nghị Tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương do nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trì hôm 28/2 là minh chứng trực tiếp nhất.
Tham vọng đột phá kinh tế
Thị trường chứng khoán Trung Quốc bị đánh giá có diễn biến tệ nhất năm 2016 trên toàn thế giới. Ảnh: Internet
Phát triển sau 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc trở thành nền kinh tế quy mô thứ hai thế giới. Đặc biệt, nhiệm kỳ 10 năm của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được đánh giá là "thời kỳ phát triển hoàng kim" của kinh tế nước này.
Trong giai đoạn này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 9% trở lên, thậm chí có giai đoạn đạt mức 14,2%. Khi đó, quy mô nền kinh tế Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, GDP từ vị trí thứ sáu nhảy vọt lên vị trí thứ hai trên thế giới.
Thực tế, tăng trưởng nhanh trong thời kỳ này là hiện tượng bình thường của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập kỷ mở cửa. Nhưng dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, quán tính phát triển và tích lũy của kinh tế Trung Quốc mới xuất hiện nổi bật.
Theo Đa chiều, 30 năm qua chứa đựng những đặc điểm lịch sử giống nhau khi mà thành tựu kinh tế thời đại của Hồ Cẩm Đào và người tiền nhiệm Giang Trạch Dân đều xuất phát từ quyết định cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình.
Hiện nay, sự cạn kiệt dần từ "lợi nhuận" của tiến trình cải cách mở cửa đã dẫn đến kết quả suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Sự thay đổi này bắt đầu xuất hiện từ cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Hồ Cẩm Đào. GDP năm 2012 của Trung Quốc là 7.7%, trong khi số liệu của năm trước đó - 2011 là 9.5%.
Năm 2014, khi bàn về "thường thái mới" của kinh tế Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đề xuất chiến lược quan trọng "chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng vừa".
Bắc Kinh cũng cho rằng, "thường thái mới" là một trạng thái hoàn toàn khác thời kỳ trước và tương đối ổn định. Đây là trạng thái phát triển mang tính xu thế, không đổi chiều.
Điều này đồng nghĩa với việc, nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, khác biệt với thời kỳ tăng trưởng nóng của 30 năm qua.
Trên thực tế, mức dao động tăng trưởng từ 6% đến 7% của kinh tế Trung Quốc rất khó duy trì.
Viện Nghiên cứu kinh tế, đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2017 tiếp tục giảm, chỉ ở mức 6,5% và có thể "thoát đáy" từ năm 2018.
Điều này cho thấy, thời đại mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh đang dần kết thúc, đương nhiên quá trình tăng trưởng vừa cũng sẽ duy trì được một thời gian dài.
"Các phương diện xây dựng trên nền tảng kinh tế tăng trưởng nhanh đều cần phải tiến hành cải tổ để phù hợp thời kỳ lịch sử tăng trưởng chậm hoặc tương đối 'gập ghềnh'", Đa chiều nhận định.
Theo giới quan sát, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội tiểu khang (tức xã hội sung túc) và thoát nghèo trong thời kỳ hiện nay là nhiệm vụ quan trọng trọng nhất trong các nhiệm vụ quan trọng của thế hệ lãnh đạo thứ năm với hạt nhân Tập Cận Bình.
Học giả Trung Quốc Trương Chiêm Bân từng cho rằng, Bắc Kinh hiện nay không nên mạnh miệng "hô khẩu hiệu" mà cần hành động, ông Tập cũng cần thực sự bắt tay vào làm, lấy thành tích đó để duy trì lòng tin của dư luận cùng hình ảnh chính phủ.