"Thắt lưng buộc bụng" - Khái niệm xa xỉ với Malaysia: Không thể bỏ qua

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến / Trường Đại học Chính trị - BQP |

Do khó khăn về tài chính và sự mất giá của nội tệ, NSQP buộc phải cắt giảm. Malaysia sẽ không thực hiện bất kỳ kế hoạch mua sắm lớn nào trong năm 2017.

Do những khó khăn về tài chính và sự mất giá của đồng nội tệ; ngân sách quốc phòng buộc phải cắt giảm nên lực lượng vũ trang Malaysia sẽ không thực hiện bất kỳ kế hoạch mua sắm lớn nào vào năm 2017, và buộc phải thắt chặt các khoản chi

Quân đội đến thời kỳ "thắt lưng, buộc bụng"

Theo các nhà kinh tế, tháng 1/2016 đồng ringgit của Malaysia có giá trị 4,4 ringgit đổi 1 USD; tháng 1/2017 đồng ringgit trượt giá lên 4,5 ringgit đổi 1 USD. Nền kinh tế Malaixia đang bước vào thời kỳ giảm phát; do vậy ngân sách giành cho quốc phòng của Malaysia năm 2017 đã giảm 12%, xuống còn 3,6 tỉ USD.

Trong năm tài khóa 2017, ngân sách quốc phòng của Malaysia sẽ chỉ tập trung vào việc tiếp tục thanh toán các hợp đồng mua vũ khí đã ký trước đây.

Cụ thể như hợp đồng mua 4 máy bay vận tải quân sự Airbus A400M cho Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF); tàu tuần tra bờ biển và tàu hộ vệ tên lửa thế hệ thứ hai (LCS/ SGPV) cho Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và các loại xe chiến đấu bộ binh AV-8 Gempita cho lục quân Malaysia.

Những hợp đồng đã ký có triển vọng như hợp đồng mua 24 pháo tự hành M-109A5 Paladin cho lục quân hoặc việc nâng cấp các xe chở quân APC hiện có trong biên chế, mặc dù khó khăn về ngân sách, nhưng có thể vẫn tiếp tục thực hiện.

Những hợp đồng mua bán lớn hơn, do khó khăn về ngân sách nên tạm thời bị đóng băng. Mặc dù hợp đồng đã được ký, như hợp đồng cung cấp tàu hộ vệ tên lửa giữa Malaysia và Trung Quốc, được ký vào năm 2016.

Những điều chỉnh về chiến lược phòng thủ

Trong ba năm trở lại đây, lực lượng vũ trang Malaysia đã thay đổi về mặt chiến lược. Trong đó chú trọng công tác phòng thủ, chống khủng bố và các lực lượng nổi dậy.

Tổ chức điều chỉnh lực lượng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên bị chia làm hai khu riêng biệt đông và tây.

Tập trung vào việc đảm bảo an ninh ở khu vực phía đông đảo Sabah, ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử khủng bố, lực lượng Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với vùng biển Sulu của Philipines. Trong hiện tại và tương lai gần, quân đội Malaysia không có kế hoạch tăng thêm nhân sự, mà giữ nguyên lực lượng hiện có.

Lục quân

Mặc dù phải "thắt lưng buộc bụng", nhưng quân đội Malaysia vẫn ưu tiên cung cấp 257 xe chiến đấu bộ binh AV-8 cho lực lượng lục quân, hợp đồng dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2018. Hiện có khoảng 50 chiếc đã được giao vào cuối năm 2016.

Những chiếc xe này hiện đang phục vụ trong tiểu đoàn bộ binh cơ giới số 19 của Trung đoàn Hoàng gia Malaysia (19 RMV). Tiểu đoàn này có nhiệm vụ duy trì an ninh ở Đông Sabah.

Vừa qua, giới chức lãnh đạo quân đội Malaysia có kế hoạch cho AV-8 thay thế các xe thiết giáp chở quân (APC) Condors và GKN Snakey trong một số đơn vị, nhưng do tài chính hạn hẹp nên chương trình này phải dừng lại.

Với trang bị trong biên chế khoảng 300 chiếc APC Condors, dự kiến ​​sẽ nâng cấp bất cứ lúc nào nếu có ngân sách. Hiện nay Lục quân Malaysia cũng đang đề nghị nâng cấp ngay 20 chiếc xe thiết giáp chống mìn MRAP Deftech AV-4 Lipanbara để sử dụng ở Đông Sabah. Tuy nhiên đề nghị này hiện vẫn chưa được thông qua.

Tháng 9/2015, chính phủ Malaysia đã ký một hợp đồng mua một số hệ thống phòng không tầm thấp Starstreak-NG bán tự động với tập đoàn quốc phòng Thales có trị giá 122 triệu USD để bố trí bảo vệ các căn cứ không quân; việc giao hàng sẽ được thực hiện vào năm 2018.

Mặc dù quân đội Malaysia đã nhận được một lượng nhỏ các hệ thống Starstreak để tiến hành huấn luyện và bắn thử. Nhưng với tình hình tài chính như vậy, kế hoạch giao hàng xong vào năm 2018 rất khó hoàn thành.

Về mặt tổ chức - biên chế, lục quân Malaysia có kế hoạch thành lập thêm sư đoàn mới với phiên hiệu Sư đoàn 5. Cùng với 4 sư đoàn hiện có, nâng tổng số biên chế lên 5 sư đoàn.

Dự kiến, Sư đoàn 5 nếu được thành lập sẽ cùng Sư đoàn 1 triển khai ở khu vực miền đông Malaysia với các bang Sabah và Sarawak. Trong đó Sư đoàn 5 sẽ chịu trách nhiệm về khu vực Sabah; Sư đoàn 1 chịu trách nhiệm về Sarawak.

Việc thành lập Sư đoàn 5 có ý nghĩa quan trọng, khi hiện nay toàn bộ khu vực miền Đông Malaysia chỉ do một Sư đoàn 1 phụ trách. Đứng trước tình hình bất ổn ở khu vực miền Nam Philipines gần đây và sự thất bại của Nhà nước Hồi giáo IS ở khu vực Trung Đông; rất có thể chúng sẽ chọn khu vực Đông Nam Á để thành lập căn cứ mới.

Do vậy, việc tăng cường lực lượng ở khu vực chiến lược này của quân đội Malaysia là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trước tình hình ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh như hiện nay thì việc thành lập Sư đoàn 5 chỉ mới dừng lại trên kế hoạch. Do vậy, trong thời gian tới, Sư đoàn 1 Lục quân Malaysia sẽ phải tiếp tục căng lực lượng để thực hiện nhiệm vụ trong lúc tình hình căng thẳng trong khu vực đang có chiều hướng gia tăng.

Hải quân

Theo kế hoạch của Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Adm. Kamarulzaman, hiện nay quân đội nước này đang trong giai đoạn tái cơ cấu đội tàu tuần tra xa bờ, giảm số lượng đặt mua tàu LCS/ SGPV các lớp từ 15 chiếc hiện nay xuống còn 5 chiếc. Đồng thời giãn tiến độ mua thêm 2 chiếc tàu ngầm thông thường Scorpene mà trước kia dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Theo các nguồn tin từ hải quân, mặc dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm; nhưng với một quốc gia bị chia cắt hẳn thành hai khu đông và tây như Malaysia. Việc giảm đầu tư vào xây dựng các hạm đội là một điều không mong muốn đối với giới lãnh đạo của đất nước này.

Ngay từ năm 2006, quân đội Malaysia đã xây dựng kế hoạch dài hơi, trong đó hải quân sẽ mua các tàu hộ tống, tuần tra, được vũ trang mạnh cả tên lửa đối hải, đối đất, đối không và có năng lực chống ngầm. Nhưng do ngân sách quốc phòng liên tục bị cắt giảm nên kế hoạch chỉ thực hiện nhỏ giọt.

Hiện tại Hải quân Malaisia đã trang bị hai tàu ngầm lớp Scorpene và họ muốn trang bị thêm hai tàu nữa để cho hạm đội tàu ngầm hoạt động được liên tục.

Vì thực tế hải quân chỉ có hai tàu ngầm, dẫn đến những khoảng trống khi cả hai tàu đều bảo dưỡng, sửa chữa hoặc không hoạt động. Lúc này Hải quân Malaisia sẽ không có lực lượng tàu ngầm sẵn sàng chiến đấu.

Thắt lưng buộc bụng - Khái niệm xa xỉ với Malaysia: Không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30MKM của Malaysia.

Không quân

Lực lượng không quân Malaysia (RMAF) đang phải đối mặt với thách thức của tình trạng thiếu kinh phí và máy bay mới bổ sung.

Không quân Malaysia đã phải xây dựng lại kế hoạch cho các hoạt động của họ vào năm 2017, khi Chính phủ thông báo kế hoạch phân bổ ngân sách quốc phòng. Khoản ngân sách giành cho RMAF từ 607 triệu USD năm 2016 xuống còn 404 triệu USD cho năm 2017.

Đã từ lâu, RMAF đã yêu cầu thay thế những chiếc máy bay chiến đấu đa chức năng MiG-29N/NUB mua của Nga trước kia nhưng không có kinh phí và cũng chưa tìm thấy nguồn tài chính.

Năm 2016, RMAF đã quyết định lựa chọn máy bay Gripen Saab JAS-39E của Thụy Điển để thay thế phi đội máy bay MiG-29N/NUB; nhưng do ngân sách như vậy, rất có thể sẽ phải đến năm 2020, RMAF mới có nguồn tài chính để thực hiện.

Theo các nguồn tin của RMAF, trong thời gian chờ đợi, máy bay MiG-29N/ NUB của RMAF vẫn phải tiếp tục hoạt động. Mặc dù số lượng máy bay được cho là hoạt động tốt là khoảng bốn đến sáu chiếc trong số mười chiếc trong biên chế.

Điểm sáng của RMAF là chương trình máy bay vận tải quân sự A400M. Với ba chiếc máy bay đã được đưa vào phục vụ mà không có bất kỳ khó khăn gì đáng kể; chiếc cuối cùng sẽ được giao vào năm 2017. Tuy nhiên, ba chiếc đầu tiên sẽ phải quay về Tây Ban Nha để trang bị cấu hình vận tải chiến thuật sau đó mới chính thức được sử dụng trong RMAF.

Tương lai của lực lượng vũ trang Malaysia sẽ giảm mua sắm quốc phòng vì khó khăn về tài chính. Cắt giảm ngân sách không chỉ riêng với lực lượng vũ trang mà còn trong tất cả các bộ, ngành khác thuộc Chính phủ.

Hiện tại, đồng ringgit của Malaysia đã ổn định trong sáu tháng đầu năm 2017, nhưng mức độ ổn định chưa cao; nền kinh tế Malaysia vẫn đang trong thời kỳ giảm phát.

Cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018, ưu tiên của chính phủ Malaysia sẽ là các chương trình dân sinh chứ không phải ưu tiên cho quốc phòng, do vậy ngân sách giành cho lĩnh vực này sẽ bị thắt chặt.

Mặt tích cực đối với lực lượng vũ trang Malaysia là một số chương trình mua sắm chính đều đang diễn ra suôn sẻ, hoặc sẽ được thực hiện mà không bị ảnh hưởng bởi tình hình ngân sách.

Vấn đề lớn nhất vẫn liên quan đến lực lượng máy bay chiến đấu của không quân. Với yêu cầu cấp thiết phải trang bị các loại máy bay chiến đấu mới; tuy nhiên ngân sách giành cho yêu cầu này chưa thực sự rõ ràng.

Ông Kamarulzaman, Tư lệnh lực lượng Hải quân Malaysia nói rằng: Các ràng buộc tài chính hiện nay buộc hải quân phải đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Và đây cũng là nguyên tắc chung có thể áp dụng cho lực lượng vũ trang Malaysia trong thời kỳ kinh tế đất nước khủng hoảng, ngân sách quốc phòng bị thắt chặt như hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại