Thất bát vì dịch bệnh, chủ doanh nghiệp Trung Quốc mang báu vật ra "chợ ma" bán: Ông trời cho người ta 6,7 cơ hội trong đời!

An An |

Các gian hàng trong "chợ ma" đều được đặt dưới đất, khi khách hàng nhận đồ từ tay chủ sạp nếu không cẩn thận một chút sẽ phát ra tiếng “leng keng", vụ mua bán sẽ hỏng.

Mang báu vật ra "chợ ma" bán

Đồng hồ vừa điểm 0h00', ông Phan Ninh đã nhấp vào cuộc trò chuyện nhóm trên điện thoại và nhận được tin nhắn: "Tối nay địa chỉ thành phố ma đã được công bố...".

Sau khi thu dọn đồ đạc, ông Phan mang theo năm chiếc hộp lớn đựng đồ cổ, lái xe đến địa điểm mà "chủ nhân chợ ma" đã thông báo.

"Chợ ma" là khu chợ đêm họp vào cuối tuần ở trung tâm thành phố Nam Kinh. Nó mở từ giờ Tý đến giờ Dần tạo thành một khung cảnh độc đáo trong đêm.

Phan Ninh 62 tuổi, thấp và gầy.

Trước quầy hàng của ông là năm chiếc hộp đen, bên trong là báu vật ông đã sưu tầm — vòng tay, lắc tay bằng nhiều chất liệu khác nhau, cũng như tách trà và ấm trà bằng gốm sứ, tử sa.

Đối diện với gian hàng đồ cổ của ông Phan, gian hàng xiên nướng đông nghịt người. Ông Phan tháo chiếc vòng tay bằng sáp ong trên cổ tay trái, xoa xoa chiếc vòng.

Khói dầu và tiếng cười nói ồn ào của các bạn trẻ từ xa vang đến khiến gian hàng ông càng thêm vắng vẻ. " Giới trẻ ngày nay thật chẳng biết thưởng hàng ", ông Phan lầm bầm.

 Thất bát vì dịch bệnh, chủ doanh nghiệp Trung Quốc mang báu vật ra chợ ma bán: Ông trời cho người ta 6,7 cơ hội trong đời!  - Ảnh 1.

Bức tượng quan âm nổi bật trong cửa hàng của ông Phan. Ảnh: The paper

Ba năm trước, ông Phan bắt đầu kinh doanh đồ cổ và "chợ ma" là điểm xuất phát. Người mua đến đây thường không hỏi nguồn hàng mà chỉ hỏi giá cả.

" Sau khi hỏi giá thì mặc cả giá theo quy tắc. Người bán đã gật đầu đồng ý thì sẽ không giảm thêm nữa. Đây là sự tôn trọng dành cho chủ sạp ở chợ ma ".

Các gian hàng trong "chợ ma" đều được đặt dưới đất, khi khách hàng nhận đồ từ tay chủ sạp nếu không cẩn thận một chút sẽ phát ra tiếng “leng keng", vụ mua bán sẽ hỏng.

Vì vậy, thấy món đồ mình thích, người khách sẽ một tay giữ bên trên, tay kia đỡ bên dưới. Đây mới là hành động của những tay chơi kỳ cựu trong giới đồ cổ.

Ông Phan còn có một cửa hàng riêng. Trong cửa hàng của mình, nổi bật nhất là tượng Quán Thế Âm bằng sắt có khuôn mặt bầu bĩnh với nụ cười tươi và thân hình đầy đặn, toàn thân chỉ còn lại khuôn mặt mạ vàng.

Nó được đặt ở vị trí trung tâm nhất trong tủ hàng, cũng là món đồ yêu thích ông Phan.

Bức tượng Quán Thế Âm này từng bị ném xuống sông mãi đến khi được các công nhân nạo vét sông tìm thấy.

Ông Phan nhớ lại: " Sáu công nhân đã tìm thấy tượng Quan Âm này khi họ đang nạo vét bùn. Nó được bọc trong túi đựng đạm urê. Tôi đã trả mỗi người 1.000 NDT để lấy bức tượng này ".

Ông trời cho người ta 6, 7 cơ hội

Ông Phan có sở thích sưu tập đồ cổ từ thời còn trẻ. 30 năm trước, ông bắt đầu kinh doanh vật liệu xây dựng rồi mở công ty thiết kế.

Vào tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến công ty ông phá sản.

Ông Phan ngừng xoa vòng ngọc, ánh mắt nhìn xa xăm, từ tối nói: " Năm đầu tiên, chúng tôi lỗ gần 4 triệu NDT. Doanh nghiệp không thể trả lương cho công nhân ".

 Thất bát vì dịch bệnh, chủ doanh nghiệp Trung Quốc mang báu vật ra chợ ma bán: Ông trời cho người ta 6,7 cơ hội trong đời!  - Ảnh 2.

Gian hàng đồ cổ của ông Phan. Ảnh: The Paper

Ông đành cho công nhân nghỉ việc. Còn bản thân, mỗi thứ Bảy và Chủ nhật khi trời không mưa, ông lại xuất hiện ở khu chợ ma. Tìm một gian hàng, trải bạt, lấy các món đồ từ trong hộp và sắp xếp chúng ngay ngắn.

Sau đó chờ đợi người mua. Đợi người đeo chiếc đèn trên đầu và cầm chiếc kính lúp trên tay, ngồi xổm trước gian hàng, cầm "báu vật" lên, rồi hỏi giá.

Ông Phan cho biết: " Chỉ bán ở chợ ma thôi là chưa đủ, vì vậy tôi đã mở cửa hàng đồ cổ này vào tháng 9 năm ngoái. Ba năm trước, vì tình hình dịch bệnh nên công ty bị ảnh hưởng, tôi thấy không có cách nào nên bắt đầu tiếp cận chợ ma ".

" Trời cho người ta sáu bảy cơ hội trong đời ", ông Phan gảy gảy điếu thuốc, tiếng vòng tay phát ra tiếng sột soạt.

Dường như nhớ ra điều gì đó, ông đặt nửa điếu thuốc còn đang cháy dở lên gạt tàn, cúi đầu tự nhủ: " Khi còn trẻ, tôi thích sưu tầm những thứ nhỏ nhặt, tôi đã sưu tập cả đời. Thế rồi dịch bệnh đến, tôi đành mang ra bán ".

Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường đồ cổ Trung Quốc không còn khởi sắc như trước năm 2019.

Đối mặt với tác động của việc đóng cửa do dịch bệnh, giới buôn đồ cổ cũng bắt đầu học hỏi mô hình kinh doanh của các nền tảng thương mại điện tử.

Vào tháng 2/2022, ông Phan đăng ký tài khoản trên một kênh thương mại điện tử và đặt 82 món bảo vật lên kệ, đồng thời mua một số món đồ sưu tầm từ những người bán khác.

" Tôi muốn dùng mấy năm này để bán một số thứ ", ông Phan nhìn quanh những món đồ được trưng bày trong cửa hàng. " Vợ tôi nhỏ hơn tôi mười tuổi, khi cô ấy về hưu, chúng tôi sẽ mua một chiếc RV và đi du lịch khắp nơi! ".

Ông ngẩng đầu lên, vừa bẻ ngón tay vừa suy nghĩ tính toán. Tiếp theo là " 12 món đồ quý giá nhất đều ở nhà. Tôi coi chúng như vật gia truyền cho hai cậu con trai. Dù các con không quan tâm thì cũng không sao nhưng sẽ có ích ".

Sau một hồi im lặng, ông Phan dường như đang tóm lược cuộc đời mình: " Tuy cuộc đời tôi nhiều lúc gập ghềnh nhưng mỗi người một mệnh, ông trời rất công bằng với tất cả mọi người. Người chơi đồ cổ chúng tôi, chỉ có 1 từ thôi, Mê ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại