Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã "tôi" nên tỷ phú

Thùy Dương |

Từ một công ty buôn bán đồ cũ, ông Trần Đình Long không chỉ đưa Hòa Phát trở thành một hệ sinh thái hùng mạnh mà còn đưa chính mình vào danh sách tỷ phú USD của Việt Nam. Tuy nhiên, kết thúc 2020, Hòa Phát tiếp tục tái cơ cấu, tham vọng bước sang một trang mới.

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương. Dù rất hiếm xuất hiện trước công chúng nhưng vị Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vẫn thường xuyên được giới kinh doanh và truyền thông nhắc đến với danh hiệu “vua thép”, đồng thời là một trong số ít các tỷ phú đô la của Việt Nam thời điểm hiện tại.

Từ 2010 đến 2019, doanh thu của Hòa Phát nhảy từ mốc 14.493 lên 64.678 tỷ đồng, trong đó gang thép là động lực chính, đóng góp khoảng 70-80%. Tuy nhiên, thép không phải là con đường ông Trần Đình Long lựa chọn khi bắt tay khởi nghiệp những ngày đầu.

Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 1.

Nguồn: Hòa Phát Group.

Trùng hợp với tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay Nguyễn Đăng Quang, “vua thép” cũng bén duyên với xứ sở bạch dương. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc thành lập công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng vào năm 1992, chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.

Đến năm 1995, ông Long gia nhập thị trường nội thất, cho ra đời Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát.

NỘI THẤT - CON CẢ THÀNH CON GHẺ

Tính về tuổi đời, nội thất được coi là “anh cả” trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hòa Phát.

Cơ duyên đến với ngành rất đơn giản khi vào năm 1994, ông Long và cộng sự tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng thì nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về.

Vị doanh nhân quyết định gia nhập thị trường, thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore…

Các sản phẩm nội thất của Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình, nội thất giáo dục và công trình công cộng. Sau này, khi mảng thép ra đời, nội thất cũng tận dụng nguồn lực “cây nhà lá vườn” để tập trung vào các dòng sản phẩm sử dụng một phần nguyên liệu sắt, thép.

Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long.

Năm 2010 đánh dấu chặng đường 15 năm tuổi của ngành hàng nội thất, với doanh thu 1.317 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng.

Cùng với đó, hàng chục nhà máy sản xuất được đầu tư xây dựng trên khắp cả nước. Đây cũng là lĩnh vực mang lại nguồn thu khá ổn định cho Hòa Phát, doanh thu và lợi nhuận lần lượt dao động trong khoảng 1.800 tỷ đồng và 250-300 tỷ đồng/năm.

Theo báo cáo thường niên 2019, Hòa Phát vẫn đang dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng. Bên cạnh đó, nội thất gia dụng cũng từng ghi nhận tăng trưởng đến 46% vào năm 2018.

Tuy nhiên, trong các báo cáo thường niên, nội thất luôn được Tập đoàn xếp vào danh mục “lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác", thay vì các lĩnh vực chính như gang thép, nông nghiệp hay bất động sản.

Điều này cũng dễ hiểu bởi dù doanh thu và lợi nhuận từ nội thất luôn giữ phong độ tăng trưởng ổn định nhưng xét chung trong hệ sinh thái của Hòa Phát, những con số mà ngành hàng này đem lại rất khiêm tốn, chỉ quanh 2% tổng doanh thu cả tập đoàn.

Năm 2020 đánh dấu sinh nhật lần thứ 25 của lĩnh vực nội thất nhưng lại không mấy vui vẻ khi tỷ phú Trần Đình Long đã quyết định thoái vốn.

THÉP - CỖ XE TĂNG

Chắc hẳn nhiều người cũng sẽ nhớ đến câu nói bất hủ của doanh nhân Trần Đình Long: “Hòa Phát là ‘xe tăng, xe lu’ đi giữa thị trường. Nhiều người đi thị trường ngách nhưng Hòa Phát cứ đường thẳng mà đi”.

Ông Trần Đình Long tham gia mảng thép chỉ 1 năm sau khi thành lập công ty nội thất, tức năm 1996. Các công ty con của Hòa Phát trong ngành này được chia thành các lĩnh vực chính bao gồm gang thép và ống thép - tôn mạ màu.

Theo báo cáo thường niên của Tập đoàn năm 2019, đối với các sản phẩm thép xây dựng, Hòa Phát “một mình một ngựa” tăng trưởng thị phần trong suốt thập kỷ qua, hoàn toàn ngược chiều với 4 doanh nghiệp đầu ngành còn lại là VNSteel, POM, Vina kyoei hay PoscoSS. Hiện tại, các sản phẩm thép xây dựng của Hòa Phát đang nắm giữ 26% thị phần toàn ngành.

Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 3.
Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 4.

Nguồn: Hòa Phát Group.

Mảng ống thép cũng có cùng kịch bản khi thị phần tăng trưởng một mạch từ 14% (năm 2011) lên 32% (năm 2019).

Hòa Phát đã đầu tư mạnh tay để xây dựng các nhà máy công suất lớn tại Hải Dương, Hưng Yên hay khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Tháng 11/2019, lượng thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường đạt 300.000 tấn, cao nhất trong lịch sử gần 20 năm làm thép xây dựng của Tập đoàn.

Đây có lẽ là thành quả từ chiến lược “xe tăng, xe lu” của vị tỷ phú người Hải Dương: tăng sản lượng, giảm giá bán, giành thị phần. Báo cáo của một công ty chứng khoán cũng cho biết giá thành sản xuất của Hòa Phát thấp hơn 10-15% so với các công ty cùng ngành.

Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 5.

Trong khi đó, các sản phẩm tôn - mới được Hòa Phát cung cấp từ 2017, phải cạnh tranh với các “tiền bối” kỳ cựu như Tập đoàn Hoa Sen, nên mức độ đóng góp vào doanh thu còn khá khiêm tốn.

Tựu trung lại, nếu như vào năm 2010, thép mới đóng góp vào 49% doanh thu, thì 5 năm trở lại đây, lĩnh vực này luôn mang về khoảng 80% nguồn thu cho cả Tập đoàn. Tuy nhiên, phần lớn thị phần của Hòa Phát mới tập trung ở miền Bắc. Chiến lược giảm giá mạnh của vị Chủ tịch đến nay vẫn chưa thể giúp Tập đoàn chiếm lĩnh thị trường phía Nam.

Thép cũng là "đũa thần" giúp ông Trần Đình Long lọt vào danh sách tỷ phú đô la của Forbes năm 2018, đồng thời khẳng định vững chắc vị thế người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ngày 23/10/2020, thị giá HPG đạt 30.900 đồng/cổ phiếu, mức cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2007.

NÔNG NGHIỆP - GÀ ĐẺ TRỨNG

Tháng 3/2015, Tập đoàn Hòa Phát ra mắt Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, nay là Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử Tập đoàn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Dù khiến nhiều người bất ngờ vì bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới và không liên quan nhưng mục tiêu của tỷ phú Trần Đình Long rất rõ ràng, đó là chiếm được 10% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời cùng lúc đó, phát triển mảng chăn nuôi heo, bò và nuôi gà lấy trứng. Trước Hòa Phát, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức từng có kế hoạch nhiều tham vọng vào mảng chăn nuôi bò nhưng kết quả thu về không như kỳ vọng, phải rút lui.

Sau vài năm đầu tư chưa thấy “trái ngọt” khiến cổ đông nóng ruột, đến năm 2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát bắt đầu "cất cánh" với doanh thu tăng 172% nhờ mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Sản lượng tiêu thụ bò Úc chiếm trên 50% thị phần toàn quốc (từ mức 42% năm trước đó); sản lượng trứng gà đạt 450.000 quả/ngày.

Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 6.

Trang trại chăn nuôi bò thịt của Hòa Phát.

Sản phẩm của công ty được tiêu thụ chính bởi các đại lý thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, lò mổ lớn thu mua heo, bò và trứng gà đảm bảo các tiêu chuẩn về súc quyền với bò Úc (ESCAS) hay tiêu chuẩn VietGAP. Từ đây, sản phẩm sẽ tới các chợ đầu mối, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu công nghiệp khắp cả nước và xuất khẩu.

Tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng doanh thu của Hòa Phát tăng từ mức chưa đầy 2% của năm 2015 lên gần 13% vào cuối năm ngoái. Mức lãi ròng ghi nhận gần 560 tỷ đồng, tương đương mức biên lãi ròng gần 6%.

Hiện nay Hòa Phát sở hữu hai nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 600.000 tấn/năm cùng hệ thống trang trại chăn nuôi heo, bò, gà trên cả ba miền. Về công suất chưa thể so sánh với CP Foods, Masan MEATLife, Cargill, Dabaco... nhưng theo ông Doãn Gia Cường - Phó chủ tịch HĐQT Hòa Phát, điều này “giúp Hòa Phát nhanh chóng cung ứng sản phẩm ra toàn quốc và chiếm lĩnh thị phần”.

BẤT ĐỘNG SẢN - DUYÊN NỢ

Tận dụng nguồn nguyên liệu "của nhà trồng được" là thép, từ năm 2010, Hòa Phát đã kỳ vọng bất động sản sẽ trở thành mảng kinh doanh “hứa hẹn những đột biến về tăng trưởng”, đóng góp 20-30% vào doanh thu của Tập đoàn.

Các dự án đầu tiên có thể kể đến như Tòa nhà văn phòng và chung cư cao cấp 257 Giải Phóng (Hà Nội), Khu phức hợp Mandarin Garden nằm trên mặt tiền đường Hoàng Minh Giám hay một vài dự án khác tại Hưng Yên.

Đến năm 2014, mảng bất động sản đóng góp vào 10,4% doanh thu (tương đương hơn 2.688 tỷ đồng) và 22% lợi nhuận sau thuế (tương đương 715 tỷ đồng) cho Tập đoàn Hòa Phát.

Thập niên chạy băng băng của “cỗ xe tăng” Hòa Phát: Thép đã tôi nên tỷ phú - Ảnh 7.

Tuy nhiên, cũng trong đại hội cổ đông năm 2014, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết xét về lâu dài, Hòa Phát sẽ không phát triển lĩnh vực này. “Những năm trước, khi kinh tế bùng nổ, không chỉ Hòa Phát mà các đơn vị khác cũng mở rộng đầu tư. Tuy nhiên sau cơn trì trệ kinh tế, doanh nghiệp phải co lại mảng bất động sản”, vị doanh nhân khẳng định.

Tưởng đã từ bỏ nhưng dường như tỷ phú Trần Đình Long vẫn nặng lòng với đứa con này. Cuối năm 2020, Hòa Phát bất ngờ thông báo thoái vốn mảng nội thất, thay vào đó tập trung phát triển hơn mảng bất động sản bằng việc thành lập công ty trong lĩnh vực này, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Đây là động thái nằm trong chiến lược cấu trúc lại cơ cấu tổ chức của cả Tập đoàn, với 4 lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: gang thép, ống thép - tôn mạ màu, nông nghiệp và bất động sản.

Trong khi gang thép hay nông nghiệp đã giúp tỷ phú Trần Đình Long làm nên chuyện, kỳ vọng cũng như những bước đi mới của vị doanh nhân trong mảng bất động sản, sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại