Từ việc theo dõi hoạt động của người dùng điện thoại di động đến xây dựng hệ thống chấm điểm xã hội, quốc gia đông dân số nhất thế giới đang đưa công nghệ giám sát lên tầm cao mới.
Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể xác định một cá nhân chỉ trong 3 giây, với tỷ lệ chính xác là 90%.
Một số thành phố đã bắt đầu sử dụng công nghệ này với mục đích phòng chống tội phạm và xác minh hành khách tại các sân bay.
Nhưng nỗ lực kiểm soát toàn diện của Trung Quốc chưa dừng lại.
Bồ câu máy
Hơn 30 cơ quan quân đội và chính phủ đã sử dụng những thiết bị bay không người lái có hình dáng giống các chú chim bồ câu để giám sát người dân tại ít nhất 5 tỉnh ở Trung Quốc. Những chú chim máy này được thiết kế để mô phỏng chính xác 90% cử động của chim thật, kể cả các động tác đập cánh.
Thiết bị giám sát bồ câu máy của Trung Quốc. Nguồn: Cnet.
Thậm chí, những chú chim máy này còn giống chim thật đến nỗi chim bồ câu thật cũng không thể phát hiện được khi bay cạnh.
Những chú chim máy này thường thu hút các chú chim thật khi bay cạnh. Nguồn: Cnet.
Các chú chim này thực chất là máy chụp ảnh, thiết bị định vị, hệ thống điều khiển bay và antenna liên kết dữ liệu cho truyền thông vệ tinh.
Camera giám sát
Từ lâu, các thông tin về việc chính phủ Trung Quốc sử dụng camera để giám sát công dân không còn mới mẻ. Nhưng quy mô của nỗ lực này thực sự đáng kinh ngạc.
Tờ New York Times đưa tin trong tháng Bảy rằng Trung Quốc có khoảng 200 triệu camera giám sát. Trong năm 2016, các tranh cãi về quyền riêng tư đã nổ ra khi một thành phố Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp như các phòng mát-xa và phòng tắm công cộng lắp đặt camera an ninh.
Vào tháng Năm, một trường trung học ở phía đông Trung Quốc đã lắp đặt các máy ảnh có thể phân tích nét mặt của học sinh để xác định xem họ có chú ý trong lớp không.
Nhận diện khuôn mặt
Đưa giám sát hình ảnh lên một mức mới, Trung Quốc đang phát triển hệ thống nhận diện khuôn mặt tích hợp với dữ liệu hình ảnh trên chứng minh thư của 1,3 tỷ người với độ chính xác lên đến 90%.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc. Nguồn: SCMP.
Hệ thống sẽ được sử dụng cho mục đích an ninh và hành chính công, hay khi cơ quan công an tìm kiếm nghi phạm bị truy nã. Ý định này đã dấy lên lo ngại về vấn đề riêng tư trong các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI).
Hệ thống nhận diện khuôn mặt cũng đã được đưa vào sử dụng. Các trường Đại học đã sử dụng hệ thống này để sàng lọc nhân viên và học sinh, một số nhà vệ sinh ở Bắc Kinh sử dụng khoa học nhận dạng khuôn mặt để hạn chế lượng giấy vệ sinh được phân phát cho từng cá nhân.
Công nghệ cũng đã giúp cảnh sát bắt tội phạm truy nã và rút ngắn quá trình nhập cư.
Sân bay mới được thiết kế Zaha Hadid trị giá 12 tỷ USD của Bắc Kinh, dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2019, dự kiến sẽ kết hợp công nghệ này vào công tác an ninh và di trú. Máy ảnh sẽ xác minh danh tính bằng cách khớp khuôn mặt của người dùng với cơ sở dữ liệu ID quốc gia.
Ngoài ra, các nhà chức trách sân bay sẽ sử dụng các công cụ nhận dạng khuôn mặt để phù hợp với hành lý của người dùng, điều này sẽ giúp theo dõi hành lý và đánh giá rủi ro an ninh.
Thâm Quyến bắt đầu sử dụng AI để hiển thị hình ảnh của những tài xế lái xe ẩu trên màn hình LED lớn tại nút giao chính vào tháng 4/2017.
Ứng dụng nhắn tin
Ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của Trung Quốc, WeChat, tự hào có tỷ lệ sử dụng lên đến 83% trong số người dùng điện thoại thông minh và 92% ở các thành phố lớn.
Nhưng không giống như WhatsApp và Telegram, ứng dụng không cung cấp mã hóa đầu cuối, có nghĩa là bên thứ ba - chẳng hạn như tin tặc, chính phủ và nhà khai thác internet - có thể truy cập vào thông điệp và dữ liệu của người dùng, khiến người dùng Trung Quốc lo ngại về quyền riêng tư trên truyền thông xã hội.
Quan trọng hơn, tòa án ở tỉnh Quảng Đông gần đây đã phán quyết rằng các cuộc hội thoại trên WeChat và QQ, một ứng dụng nhắn tin khác của Tencent, có thể được sử dụng tại tòa án làm bằng chứng.
Máy đo sóng não
Các công nhân mặc đồng phục dọc theo dây chuyền sản xuất tại Hàng Châu Chongheng Electric, một nhà máy đặt tại Hàng Châu, Trung Quốc, trông không có gì khác lạ. Tuy nhiên, trong mũ của họ có chứa các cảm biến không dây cho phép giám sát sóng não.
Thiết bị cảm biến có trong mũ đồng phục của các nhân viên. Nguồn: SCMP.
Mỗi sự thay đổi tăng đột biến về cảm xúc, dù được gây ra bởi sự tức giận, lo âu hay buồn bã, đều được theo dõi và nhận ra bởi các thuật toán AI trong ứng dụng công nghệ AI quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc.
Động thái này được cho biết là giúp tăng hiệu quả quản lý bằng cách điều khiển giờ làm và giờ nghỉ để giảm căng thẳng tinh thần.
Hệ thống chấm điểm xã hội
Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống chấm điểm dự trên số liệu đánh giá cho từng công dân, doanh nhân và quan chức Trung Quốc, phụ thuộc vào mức độ tin cậy mà chính phủ chấm cho họ.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2014 và sẽ áp dụng rộng rãi vào 2020, hệ thống này có tác động đến mọi mặt của đời sống như việc vay nợ, mua vé máy bay…
Hồi tháng 6, hệ thống này đã đưa ra danh sách của 169 cá nhân vi phạm bao gồm lái xe ẩu, hút thuốc trên tàu cao tốc, trốn thuế và không trả tiền phạt. Những người trong danh sách đã bị cấm mua vé tàu và vé máy bay trong một năm.
Ứng dụng trên điện thoại di động
Tháng 6/2016, Trung Quốc đã đưa ra quy định yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng trên điện thoại di động xác minh danh tính và lưu nhật ký hoạt động trong 60 ngày của người sử dụng ứng dụng, làm dấy lên sự nghi ngờ về tính bảo mật trong giới các blogger công nghệ.
Cũng vì lý do nay mà các thiết bị viễn thông được thực hiện bởi Huawei và ZTE bị chính phủ Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia vào năm 2012 trong khi điện thoại sản xuất tại Trung Quốc Xiaomi đã phải đối mặt với điều tra liên quan đến dữ liệu cá nhân tại Đài Loan và Singapore.
"Kẻ mách lẻo"
Vào tháng 4, văn phòng an ninh quốc gia của Trung Quốc đã thiết lập một trang web cho phép người dân báo cáo hoạt động đáng ngờ có thể đe dọa an ninh quốc gia cũng như bất kỳ người nào ở Trung Quốc bị nghi ngờ hoặc có các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Trang thông tin người dân có thể báo cáo các hành động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nguồn: SCMP.
Việc thông báo này có thể nhận được một khoản tiền thưởng mặc dù không được công bố chi tiết. Vào năm 2017, Cục An ninh Quốc gia Thành phố Bắc Kinh đã trả 10.000 đến 500.000 Nhân dân tệ (1.600 - 79.700 USD) để biết thông tin về gián điệp.