Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng - bộ phận điều phối các chính sách đối ngoại và quân sự của Mỹ, cũng như thực thi các vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cuối cùng đã quyết định cách tiếp cận thông thoáng hơn, trong bối cảnh các chương trình bố trí binh lính và nhiệm vụ tác chiến gia tăng đã dồn thêm gánh nặng cho Bộ quốc phòng.
Tờ Sputnik (Nga) cho rằng, giới lãnh đạo quân sự Mỹ có thể xem đây là sự "tháo xích", cho phép quân đội có nhiều không gian để hoạt động tự do và mà không bắt buộc phải tìm kiếm sự chấp thuận từ Nhà Trắng trong việc triển khai các dự án của mình.
Trong vòng 2 tháng sau khi Trump nhậm chức, Thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai pháo và tăng cường hiện diện trên lãnh thổ Syria, đồng thời đang sẵn sàng tăng quân cho lực lượng hiện có 8.400 người ở Afghanistan.
Hệ quả của sự leo thang các vụ đột kích được tiến hành bởi những đơn vị tác chiến tinh nhuệ của Mỹ tại Yemen là con số dân thường thiệt mạng tăng vọt, cũng như 1 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng trong chiến dịch đầu tiên tại đây do chính ông Trump ra lệnh.
Xe bọc thép của quân đội Mỹ ở Manbij, Syria đầu tháng 3/2017 (Ảnh: AFP/Getty Images)
Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi (AFRICOM) của quân đội Mỹ, tướng Thomas Waldhauser, gần đây tuyên bố ông kỳ vọng chính quyền Trump sẽ dỡ bỏ những rào cản kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động quân sự của Mỹ ở Somalia, cho phép quân đội mở rộng cuộc chiến chống lại nhóm vũ trang al--Shabaab trong khu vực.
Ông Waldhauser nói rằng cơ chế quản lý "mở" hơn từ Nhà Trắng sẽ giúp quân đội "truy đuổi các mục tiêu một cách nhanh gọn hơn", nhưng vẫn sẽ không đánh đổi sự hi sinh của dân thường.
"Chúng ta sẽ không biến Somalia thành khu vực 'bắn tự do'," ông nói.
Nếu theo truyền thống, mọi động thái quân sự như vậy phải có sự trao đổi giữa Lầu Năm Góc và Tổng thống.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, NSC giám sát gần như mọi khía cạnh trong các cuộc chiến ở Iraq, Syria và Afghanistan, và Bộ trưởng quốc phòng Ash Carter có rất ít không gian để hoạt động theo chủ trương của mình.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng hoan nghênh chuyển biến mới của NSC.
"Chúng ta không cần phải xin phép những người mới ngoài 30 tuổi (các nhân viên NSC) để phản ứng trước một vụ tấn công ở Afghanistan," ông nhận xét. McCain thường chỉ trích NSC dưới thời Obama là quá quan tâm đến những tiểu tiết.
Đồng sự của McCain ở Quốc hội Mỹ, Hạ nghị sĩ Mac Thornberry từng mô tả chuyến công du tới Afghanistan khi Obama tại nhiệm, mà ở đó ông nghe được cuộc gọi từ một nhân viên NSC hỏi rằng còn bao nhiêu nhiên liệu trong các máy bay ở đường băng.
Theo Sputnik, một chính sách buông lỏng của Nhà Trắng đối với Bộ quốc phòng sẽ dẫn đến nguy cơ quân đội Mỹ tự do hành động và có thể "gây chiến tùy ý".
Thêm vào đó, Lầu Năm Góc được đặt dưới quyền quản lý của Bộ trưởng James Mattis, nhân vật có lập trường cứng rắn với Nga hơn nhiều so với Tổng thống Trump, khiến Moscow phải lo ngại.
Trong cuộc họp hồi tháng 2 với các đồng cấp NATO, tướng Mattis tuyên bố "chúng tôi không chủ trương hợp tác về quân sự, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi sẽ trao đổi và cố tìm ra các lĩnh vực đạt được sự đồng thuận với một nước Nga biết tôn trọng các cam kết và quay trở lại thành đối tác hay thiết lập lại một quan hệ hợp tác nào đó với NATO. Nước Nga trước tiên sẽ phải chứng minh những điều trên, và tuân thủ các cam kết với NATO".
Khi điều trần trước Thượng viện hồi tháng 1 để xác nhận tư cách Bộ trưởng quốc phòng, ông Mattis cũng chỉ trích Nga là tìm cách "phá vỡ liên minh Bắc Đại Tây Dương".