Mới đây, tại chương trình live stream của Thúy Nga Paris by night, ca sĩ Thanh Tuyền đã có buổi tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Tại đây, bà đã bật khóc khi nhớ lại những kỉ niệm xưa.
Chú Nguyễn Văn Đông giận đến 2 năm liền không nhìn mặt tôi
Tôi đến với Thúy Nga từ buổi ban đầu, khi trung tâm mới thành lập. Ngày đó,tôi là bạn của Thúy (vợ của chủ trung tâm Thúy Nga). Thời tuổi trẻ, tôi ham chơi lắm, nên nghe chị Thúy rủ rê làm cuốn bằng tiếng hát của mình thì làm luôn.
Cô Thúy hồi trẻ rất mê âm nhạc, lại mơ mộng lắm, nên cứ nghĩ làm chơi thôi, không ngờ cuốn băng đó lại nổi tiếng như thế.
Tôi không biết rằng, việc thu cuốn băng đó lại khiến tôi phạm phải sai lầm với chú tôi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Trung tâm âm nhạc của chú ấy hoàn toàn đủ điều kiện để tôi thu băng mà tôi lại đi làm với Thúy Nga.
Sau đó, chú Nguyễn Văn Đông giận đến 2 năm liền không nhìn mặt tôi. Chú mắng tôi toàn quyền làm mọi thứ, không chịu hỏi ý chú. Tôi phải xin lỗi chú vì biết chú thương tôi.
Trải qua 54 năm đi hát, đến giờ tôi vẫn làm việc và đi hát được. Đó là định mệnh.
Jimmy Nguyễn là người lưu giữ cuốn băng nhạc hồi đầu thu với Thúy Nga của tôi, vì sau 1975 là tôi mất hết, không còn cuốn băng nào. Có lần Jimmy Nguyễn hẹn tôi đi ăn và có nói là hâm mộ tôi từ bé nên bỏ hẳn hai trăm đô để mua cuốn băng này.
Nhìn thấy cuốn băng, tôi liền bảo Jimmy bán lại cho tôi 500 đô, nhưng cậu ấy bảo có 1000 đô cũng không bán.
Giận anh Tô Văn Lai (chủ trung tâm Thúy Nga) vì hà tiện từng đồng một
Sau đó, tôi qua Mỹ, còn gia đình chị Thúy qua Pháp. Tôi còn nhớ, khoảng tháng 9 năm 1982, Thúy có qua Mỹ ngủ với tôi một đêm và bày tỏ mong muốn thành lập lại trung tâm Thúy Nga.
Lúc đó, con tôi còn nhỏ xíu, mà tôi sẵn sàng để lại Mỹ để bay qua Pháp, ở nhà Thúy suốt 2 tháng trời để quay phim. Điều kiện lúc đó khá khó khăn, nhiều lúc mưa gió không quay được. Tôi không ngủ được nên hôm sau đi quay như mộng du vậy, thế mà vẫn phát hành thành công.
Được như vậy là nhờ vào cái đam mê âm nhạc của chị Thúy và anh Tô Văn Lai (chủ trung tâm Thúy Nga). Nhiều khi tôi giận anh Lai lắm, vì anh ấy hà tiện từng đồng một. Anh ấy muốn tiết kiệm chi phí cho Thúy Nga ít nhất có thể.
Có lần diễn bên Đức xong, tôi, Chế Linh, Khánh Hà phải lái xe giữa sương mù theo anh Lai về nhà ở Pháp lấy băng, rồi lại ra phi trường bay sang Anh luôn, mặt mũi còn nguyên son phấn, chưa kịp thay đồ. Ai cũng mệt mỏi. Chúng tôi đã hi sinh nhiều quá.
Tôi giận lắm vì cách anh đối xử với nghệ sĩ như vậy. Tôi bảo, anh khổ, thế tụi em không khổ sao? Nhưng đó vẫn là những kỉ niệm không thể quên. Tất cả chúng tôi thời đó đã hi sinh rất nhiều. Nếu không có Thúy Nga thì không thể có nhiều di sản âm nhạc đến thế.
Phải nấu cơm cho các ca sĩ ăn vì ai cũng bận
Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Hồi tôi ở bên Pháp, tôi còn phải nấu cơm cho các ca sĩ ăn vì đi hát về ai cũng bận, Khánh Ly cũng vậy. Chúng tôi như một gia đình.
Bởi vậy, 35 năm Thúy Nga tồn tại đến bây giờ là công sức của cả một gia đình. Tôi nghĩ mọi người nên đến xem live show kỉ niệm 35 năm sắp tới, vì rất có thể sau live show này tôi không hát nữa thì sao.
Đến giờ, tôi vẫn nghĩ khán giả sẽ không bao giờ bỏ Thúy Nga. Tôi đi hát nhiều nơi, thấy nhiều người hỏi sao Thúy Nga gặp nhiều thị phi mà khán giả vẫn ở bên, chứng tỏ họ cứng thật và họ sẽ không bỏ mình.
Nhiều lúc tôi còn không dám nhận catse vì thương khán giả phải bỏ tiền để ngồi mấy tiếng đồng hồ xem mình ghi hình. Tôi chỉ mong Thúy Nga sẽ tồn tại mãi, nếu mất đi thì tiếc lắm.
Tôi biết mình trước sau cũng ra đi, sau này Thúy Nga còn thì tôi cũng không còn. Nhưng còn nhiều thế hệ trẻ vẫn đang đam mê lắm. Nhiều bé mới có 5, 6 tuổi mà đã biết hát tiếng Việt, dù sinh trưởng ở nước ngoài.
Từng ra mách thầy vì lời đùa của Chế Linh
Người song ca ăn ý nhất với tôi là Chế Linh. Cái duyên giữa tôi và Chế Linh bắt nguồn từ thầy Nguyễn Văn Đông. Hồi đó, thầy thấy anh đang đi cạnh anh Duy Khánh và được nghe kể anh hát hay lắm nên muốn cho song ca với tôi.
Sau đó, thầy bảo tôi song ca với Chế Linh. Thầy bảo sao thì tôi nghe, nên tôi cũng đồng ý thu âm chung và thành công từ ấy. Các hãng đĩa đổ xô mời chúng tôi thu âm. Chúng tôi trở thành một hiện tượng.
Tôi còn nhớ một kỉ niệm với Chế Linh. Sau khi thu xong bài Hái trộm hoa rừng, Chế Linh có cầm tay tôi nói: "Cho hôn cái nha, tay gì mà như chuối mắn vậy".
Tôi nghe vậy liền ra mách thầy: "Con không hát với anh này đâu. Anh ấy nói tay con như nải chuối". Điều này khiến Chế Linh phải ra giải thích.
Tôi với Chế Linh là bạn tri kỉ với nhau, chúng tôi hát với nhau rất hợp vì cùng tông giọng với nhau, có thể lên cùng nốt. Giọng tôi là như vậy, tôi phải hát cao mới đã, chứ hát thấp thì không ra. Tuy vậy, chúng tôi chưa bao giờ yêu nhau.
Không quen khi bị gọi là tượng đài, nữ hoàng, công chúa
Chỉ có sân khấu thì tôi mới sống được, không có sân khấu tôi không sống được. Khi lên sân khấu, tôi chỉ biết hát thôi, không còn biết gì cả. Có thầy bói còn bảo tôi: "Hát tới khi nào vào quan tài thì thôi".
Có lần, tháng 7 ghi hình cuốn Thúy Nga 100 mà tháng 3 tôi bị gãy chân, nhưng tôi giấu vì sợ cuốn 100 này là cuốn ghi hình cuối cùng.
Tới lúc đi ghi hình, tôi đau tận cùng, nhưng vẫn gồng mình lên, tỏ ra như không có gì. Trong hậu trường tôi phải đi nạng, mà ra sân khấu chẳng hiểu có động lực gì mà cứ phăng phăng đi guốc, hát như không có gì. Tới lúc vào lại hậu trường mới đau, Khánh Ly phải mang nạng ra cho mình.
Thần tượng của tôi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Mạnh Phát. Nếu không có hai người thì không có Thanh Tuyền.
Họ dạy tôi từ nhạc lí tới cách sống, đúng theo tiên học lễ hậu học văn. Thầy tôi còn dạy, trong nghề ngày mà cứ đố kị thì sẽ mất duyên. Bởi vậy, ân tình của khán giả dành cho tôi, tôi nhớ mãi.
Thầy Nguyễn Văn Đông có nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: "Ở cuộc đời này phải biết nhún nhường. Mình càng cao bao nhiêu lại càng phải hạ mình bấy nhiêu".
Bởi vậy, bây giờ người ta cứ gọi tôi là tượng đài, nữ hoàng hay công chúa gì đó, tôi không quen. Tới bây giờ, trải qua 54 năm đi hát, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là siêu sao. Các đồng nghiệp mà thành công là tôi vui.