Thanh Tuyền: 70 tuổi vẫn hát nốt cao rực rỡ, căng tràn như muốn xuyên thủng khán phòng (P2)

Long Phạm |

Không chỉ sở hữu giọng hát quý hiếm bậc nhất, Thanh Tuyền còn đạt tới trình độ kĩ thuật bậc thầy của Bolero.

Thanh Tuyền từng nói: "Tôi luôn hát như thể ngày mai sẽ không được hát nữa. Tôi muốn hát đến hơi thở cuối cùng và nếu còn được hát nữa thì tôi vẫn cứ hát".

Kĩ thuật hát Bolero đạt tới ngưỡng bậc thầy – ít ca sĩ nào sánh kịp

Thanh Tuyền được rèn giũa từ nhỏ bởi cặp ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Phát, Minh Diệu. Sau này, cô lại được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dìu dắt. Vì vậy, đã sở hữu được những kĩ thuật bậc thầy của dòng nhạc Bolero, có thể xem là tôn chỉ cho nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Việc hỗ trợ hơi thở tốt từ cơ hoành và buồng phổi lớn giúp Thanh Tuyền có được cột hơi vững chắc.

Cô có thể giữ hơi hàng chục giây với đủ các luyến láy, chuyển giọng mà vẫn đều trằn trặn từ đầu tới cuối, không có dấu hiệu đứt khúc hay đuối dần. Nhờ đó, legato của Thanh Tuyền khá đẹp, mềm mại và liền mạch, trôi chảy như một dòng suối.

Thanh Tuyền: 70 tuổi vẫn hát nốt cao rực rỡ, căng tràn như muốn xuyên thủng khán phòng (P2) - Ảnh 1.

Nhờ kiểm soát hơi thở tốt, Thanh Tuyền có thể sử dụng twang để lên cao. Đây là kĩ thuật đặc biệt của các ca sĩ hát nhạc Country và Folk (trên khắp thế giới), đã được Thanh Tuyền lĩnh hội.

Theo đó, khi hát nốt cao, cô thường thu hẹp khoảng không gian phía sau dây thanh đới và bật mạnh các phần tử khí lên vùng đỉnh trán để bắn thẳng ra ngoài.

Bởi vậy, tiếng hát Thanh Tuyền khi lên cao thường bị bẹt và hơi mỏng đi, nhưng vẫn có lực mạnh, độ vang lớn và nghe khá thoải mái, tốn ít sức.

Người nghe có cảm giác như Thanh Tuyền chỉ cần mở miệng ra là đã chạm được tới nốt cao đó mà không cần chút gắng gượng, lên gân nào. Đây chính là cách hát kinh điển của Bolero học thuật.

Chẳng hạn, trong ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, Thanh Tuyền bắt tông treo cao hơn hẳn những ca sĩ khác, và liên tục giữ ở độ cao như vậy xuyên suốt toàn bài.

Rất khó để một ca sĩ khác cover lại với đúng tông giọng đó mà vẫn thoải mái, giữ được sự ngọt ngào như vậy.

Thanh Tuyền hát Nỗi buồn hoa phượng

Trong hầu hết các ca khúc mà Thanh Tuyền thể hiện đều có những đoạn mixed cao tới B4, C5, thậm chí là D5 băng giọng thật, với lực âm lớn mà không hề bị cao thanh quản hay strain (căng thẳng).

Với đà hát đó, nếu không bị bó buộc bởi khuôn nhạc Bolero, cô hoàn toàn có thể mixed voice (hát giọng pha) tới F5 ngang ngửa Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương.

Đó cũng là lí do vì sao Thanh Tuyền giữ giọng rất tốt. Ở tuổi gần 70, cô vẫn liên tục hát tông cao với nội lực căng tràn, chất giọng đanh quánh, khiến nhiều ca sĩ trẻ phải ngả mũ thán phục.

Thanh Tuyền: 70 tuổi vẫn hát nốt cao rực rỡ, căng tràn như muốn xuyên thủng khán phòng (P2) - Ảnh 3.

Kĩ năng passagio (chuyển giọng) và điều khiển âm lượng của Thanh Tuyền cũng rất tốt. Cô có thể bỏ nhỏ một cách nhẹ nhàng, mượt mà khi đang căng tràn nốt cao đầy nội lực chỉ trong một làn hơi, hay đổi tông liên tục từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao với âm sắc đối lập nhau mà không gặp sự cản trở nào.

Kĩ năng chuyển giọng giữa giọng thật và giả thanh của Thanh Tuyền cũng khá linh hoạt. Thông thường, cô có thể đang căng tràn giọng thật trên cao đổ xuống airy voice tà tà với độ soft lớn, tạo độ ngọt lịm như mật.

Tuy nhiên, ở một số ca khúc, cô lại đẩy giả thanh lên tận F5, G5, G#5 và A5 mà vẫn đầy đặn, liền mạch với nhạc phổ, không hề bị chua, gắt hay rơi vào sự phô diễn.

Thanh Tuyền: 70 tuổi vẫn hát nốt cao rực rỡ, căng tràn như muốn xuyên thủng khán phòng (P2) - Ảnh 4.

Chưa kể, ở đa số các bài hát Thanh Tuyền thể hiện, cô đều chuyển giọng qua lại liên tục giữa chest voice, light mixed và falsetto ở từng câu từng chữ. Nó liền mạch tới mức, nghe qua sẽ rất khó để nhận ra có sự chuyển giọng giữa các từ.

Nếu nghĩ rằng ca sĩ Bolero thường hát giản đơn thì đó không phải là Thanh Tuyền. Cô thường sử dụng nhiều kĩ thuật trong một ca khúc, như nảy hột, nảy chữ và thậm chí là cả yodeling hay run/riff (những kĩ thuật mang tính linh hoạt).

Điểm đặc biệt là các kĩ thuật này đều được Thanh Tuyền sử dụng để tăng độ mùi, độ ngọt cho bài hát nên xuất hiện khá kín, không để lộ sự phô diễn. Đó mới chính là sự tinh tế của một ca sĩ Bolero.

Điển hình là những cú trills của cô trong ca khúc Giờ này anh ở đâu hay hàng loạt đoạn yodeling ẩn giấu trong Vọng gác đêm sương.

Thanh Tuyền hát Tiếng gác vọng đêm sương

Thanh Tuyền hát Giờ này anh ở đâu

Cần so sánh ca khúc Biển tình qua tiếng hát Thanh Tuyền và Lệ Quyên, khán giả sẽ thấy được sự khác biệt giữa việc dụng công kĩ thuật trong từng câu chữ với lối hát bình thường hóa Bolero ngày nay.

Thanh Tuyền hát Biển tình

Niềm đam mê âm nhạc giúp tiếng hát tồn tại lâu bền

So với những ca sĩ cùng thời, Thanh Tuyền được xem là có phong độ lâu và giữ giọng tốt nhất. Chẳng ai có thể tin nổi một ca sĩ ở độ tuổi 70 tuổi mà mỗi lần cất giọng lên đều sáng chói, căng tràn đầy sức lực như cô.

Những nốt cao rực rỡ, ngồn ngộn như muốn xuyên thủng khán phòng là điều hiếm thấy ở một ca sĩ ở độ tuổi của Thanh Tuyền.

Thanh Tuyền: 70 tuổi vẫn hát nốt cao rực rỡ, căng tràn như muốn xuyên thủng khán phòng (P2) - Ảnh 8.

Người ta tưởng rằng, Thanh Tuyền phải có một cuộc sống viên mãn lắm nên mới giữ giọng được như vậy. Nhưng trên thực tế, đời sống riêng của cô gặp khá nhiều trắc trở .

Yếu tố cốt lõi giúp Thanh Tuyền giữ giọng lâu bền như vậy chính là niềm đam mê ca hát của cô. Thanh Tuyền từng nói: "Tôi luôn hát như thể ngày mai sẽ không được hát nữa. Tôi muốn hát đến hơi thở cuối cùng và nếu còn được hát nữa thì tôi vẫn cứ hát".

Niềm đam mê ca hát ấy đã luôn giữ Thanh Tuyền đứng vững trên sân khấu suốt nhiều năm qua và không hề suy chuyển theo thời gian.

Nhìn Thanh Tuyền đứng trên sân khấu, ai cũng thấy sự tươi trẻ, căng tràn sức sống và ngọn lửa đam mê cháy trong cô.

Cô hát như đang khiêu vũ, cơ thể uyển chuyển, dẻo dai, bờ vai lúc nào cũng hướng về phía trước và hai tay thì luôn đưa ra.

Những hành động này cho thấy cô luôn khát khao hát và muốn được bung hết mình ra, nếu kìm lại sẽ rất khó chịu.

Với những tài năng và cống hiến trên, Thanh Tuyền xứng đáng là diva của dòng nhạc Bolero Việt Nam. Tiếng hát cực phẩm của cô luôn là niềm khao khát của nhiều thế hệ đàn em sau này.

Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:

- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.

- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.

- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.

- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.

- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).

- Vibrato: Ngân rung.

- Piano: Kĩ thuật hát nhỏ giọng vừa phải.

- Airy voice: Âm hơi.

- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.

- Falsetto: Giọng gió.

- Head voice: Giọng đầu.

- Chest voice: Giọng ngực.

- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.

- Strain: Hát căng thẳng.

- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.

- Staccato: Hát ngắt.

- Trillo: Rung láy.

- Legato: Hát liền giọng.

- Pianissimo: Vuốt nhỏ tiếng.

- Voice project: Phóng âm.

- Diminuendo: Hát nhỏ đột ngột.

- Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.

- Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.

- Throaty: Hát dính cổ

- High larynx: Cao thanh quản.

- Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).

- Run/riff: Chạy note phức tạp.

- Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.

- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại