Nằm ở cửa sông Dương Tử và Hoàng Hải, thành phố Nam Thông của Trung Quốc có rất nhiều cư dân cao tuổi. Thoạt nhìn, người ta sẽ nghĩ đây là một cộng đồng hưu trí nhưng trên thực tế, chỉ có một vài người trong số đó đã nghỉ hưu.
Những người cao tuổi ở thành phố này vẫn đi làm nhiều công việc khác nhau như bảo vệ nhà máy, điều hành các cửa hàng tạp hoá, rửa bát, phục vụ thực khách tại các quán ăn địa phương hay làm việc cực nhọc trên các cánh đồng hạt cải dầu.
Nam Thông ngày nay là thành phố già cỗi nhất ở Trung Quốc, nói về mặt nhân khẩu học. Dựa trên Tổng điều tra dân số quốc gia năm 2020, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% trong tổng số 7,7 triệu dân của Nam Thông - gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc là 18,7%.
Được biết đến là cái nôi của nền công nghiệp hoá hiện đại của Trung Quốc, nơi các nhà máy dệt đầu tiên của đất nước được xây dựng vào những năm 1890, vinh quang trước đây của Nam Thông bắt đầu phai nhạt vào những năm 1990 khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt ở các thành phố Tô Châu và Thượng Hải, thu hút người dân địa phương rời đi.
Ngày nay, Nam Thông đang già đi nhanh chóng.
Một cụ bà 76 tuổi ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, chăm sóc trang trại hạt cải dầu của mình. Hai người con trai của bà đã đến sống và làm việc ở Thượng Hải hơn 30 năm trước. Ảnh: Asia Nikkei
Nam Thông “mở ra” một cửa sổ để nhìn vào quá khứ của Trung Quốc nhưng cũng như để nhìn thấy tương lai của quốc gia này. Hồ sơ nhân khẩu học của thành phố có thể sẽ giống với dự đoán về toàn bộ đất nước Trung Quốc vào năm 2035 nếu các xu hướng hiện tại vẫn được duy trì.
Nhiều trường học đã đóng cửa hoặc sáp nhập trong khi các hiệu thuốc bán bỉm cho người lớn còn nhiều hơn cho trẻ em.
Tại Như Đông, một huyện ở Nam Thông, xu hướng này thậm chí còn rõ ràng với 39% dân số trên 60 tuổi. “Những người trẻ tuổi không thích kiểu lao động khổ sai này. Họ thích làm việc ở các thành phố lớn hơn," người phụ nữ tên Wang Qiao làm việc tại quán ăn ở Như Đông nói. Bà và những người đồng nghiệp đều đã ngoài 70 tuổi.
Theo dự đoán của chính phủ, Đến năm 2035, ước tính có khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% dân số. Và tỷ lệ già trên trẻ dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên một cách mất cân bằng sau khi số ca tử vong vượt quá số ca sinh vào năm ngoái.
Với dân số giảm vào năm 2022, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế lớn của châu Á cũng đang theo xu hướng tương tự. Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Ở những quốc gia may mắn nhất, tình trạng già hoá dân số xảy ra khi đất nước tương đối thịnh vượng, nghĩa là nhiều người cao tuổi có thể hưởng chế độ hưu trí thoải mái, chẳng hạn như Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề dân số trong hoàn cảnh kinh tế có đôi chút khác biệt.
Đối với quốc gia này, dân số giảm có thể là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế vì một lượng lớn người về hưu sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn bao giờ hết. Lực lượng lao động của nước này có nguy cơ tiếp tục bị thu hẹp, quỹ lương hưu cạn kiệt và hệ thống chăm sóc sức khỏe của trở nên quá tải.
Tham khảo Asia Nikkei