Không thay đổi vì không thể thay đổi
Hãy cứ thử tưởng tượng rằng Mourinho cho Man United xông trận gặp Man City với đội hình được sử dụng ở trận gặp Leicester hồi cuối tuần qua. Thay Luke Shaw bằng Smalling, thay Fellaini bằng Herrera, Mkhitaryan bằng Rashford, và tất nhiên là thay Rooney bằng Juan Mata.
Và rồi Man United thua, chẳng hạn.
Lúc đấy, Mourinh sẽ chẳng còn đường thanh minh rằng Mkhitaryan hay Jesse Lingard chơi cực tệ, như HLV này đã làm. Lúc đó, mọi búa rìu sẽ chỉ giáng xuống đầu Mourinho, bởi đơn giản rằng ông là người thay đổi công thức chiến thắng của Man United, và thua. Nên nhớ rằng tại thời điểm đấy, Quỷ đỏ đang có chuỗi 4 trận toàn thắng.
Trận thua Man City là bước đầu tiên đưa Man United vào cơn khủng hoàng mini hồi giữa tháng.
Pep Guardiola cũng đoán rằng Mourinho không thể thay đổi, và cách nhập cuộc của Pep và các học trò khiến Man United choáng váng, rồi sụp đổ ngay trong hiệp thi đấu đầu tiên. Hiệp 2, Mourinho chuyển 4-2-3-1 sang 4-3-3, chơi một hiệp đấu tưng bừng, dẫu vậy chẳng thể đảo ngược được kết quả trận đấu.
Hệ lụy từ trận thua Man City là quá lớn, khi nó kéo theo tiếp 2 trận thua, một ở Europa League, một ở Premier League trước Watford. Mất 6 điểm trên đấu trường quan trọng nhất, nhưng đổi lại Mourinho có quyền tự quyết, bởi đến lúc đấy, cứu Man United ra khỏi vũng lầy quan trọng hơn nhiều việc "săm soi" xem Mourinho điều binh khiển tướng thế nào.
Quan trọng nhất, giờ đây Mourinho có toàn quyền cho đội trưởng Wayne Rooney ngồi ngoài, hay tung vào sân, mà không phải "điếc tai" bởi những lời bàn ra tán vào.
Bởi Man United chẳng phải Chelsea
Về việc loại Rooney, Mourinho nói: "Nếu không dùng Rashford thì quý vị cũng hỏi tôi tại sao. Nếu không dùng Lingard thì quý vị cũng hỏi. Và với bất kỳ ai thì mọi người cũng hỏi. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc những gì các bạn viết, và những khi ấy tôi thấy mình chẳng biết gì về bóng đá cả. Nhưng có một thứ tôi biết, đó là tôi chỉ có thể ra sân với 11 cầu thủ".
Hiếm khi Mourinho lại "nho nhã" đến như thế. Thời còn cầm quân ở Chelsea, chắc hẳn HLV người Bồ Đào Nha này sẽ chẳng phải nghĩ ngợi lâu mà độp ngay: "Thích thì vào đây mà làm HLV thay tôi".
Bởi Mourinho đang cầm Man United, và chắc hẳn ông biết rằng dù có sa sút đến đâu, thì đây vẫn là CLB hút dư luận và truyền thông nhất nước Anh, nhất cử nhất động ở Old Trafford đều được săm soi "tới nơi tới chốn", chứ chẳng như "gã trọc phú" Chelsea ngày nào.
Về với Old Trafford, Mourinh không còn ăn nói "bạt mạng" như thời ở Chelsea nữa.
Cũng giống như đội tuyển Anh, Man United là cục nam châm hút truyền thông. Còn nhớ Sven-Goran Eriksson - HLV ngoại quốc đầu tiên của ĐTQG Anh từng phải ngậm ngùi chia tay Tam sư sau màn "gài bẫy" ngoạn mục của giới truyền thông Anh quốc.
Cơ khủng hoảng mini ở Old Trafford, hóa ra lại có lợi cho Mourinho, cho chiến lược dài hơi của ông tại đây. Ngộ biến tùng quyền, người hâm mộ Man United chẳng cần quan tâm Mourinho làm gì nữa, miễn là Man United trở lại bằng 3 điểm ở Premier League. Và Mourinho đã làm được.
Tháng Giêng năm 2006, HLV trưởng ĐTQG Anh bị gài bẫy bởi phóng viên của tờ News of the World. Phóng viên Mazher Mahmood đã bí mật đóng giả làm một hoàng thân Ả Rập giàu có, định mua lại CLB Aston Villa và đi đêm với HLV Sven-Goran Eriksson để phá hợp đồng với Tam sư, về dẫn dắt CLB này.
Trên chiếc du thuyền sang trọng đi thuê, HLV người Thụy Điển đã nhận lời. Cuộc trao đổi được ghi lại và tung lên mặt báo. Ngày 23/1/206, Liên đoàn bóng đá Anh quyết định sa thải ông.
Hiện tại, tân HLV ĐTQG Anh cũng đang rơi vào tình huống tương tự khi phóng viên của tờ Daily Telegraph quay được cảnh HLV Sam Allardyce bí mật thương lượng với một số doanh nhân "bí kíp" lách luật chuyển nhượng của FA để đổi lấy số tiền 400.000 bảng Anh.
Quan trọng nhất, là thay đổi đem đến thành công của Mourinho lại phù hợp với sự "chỉ dạy" của những người hâm mộ, từ một Mourinho-độc-tài, thoắt cái sau trận thắng, đã trở thành "Mourinho-của-chúng-ta". Áp lực ấy từ người hâm mộ cũng đủ lớn để Rooney bắt đầu làm quen với việc phải ngồi dự bị, bởi chống lại Mourinho đồng nghĩa với chống lại người hâm mộ.
Chưa đỗ ông nghè, đừng vội đe hàng tổng
Không thể phủ nhận rằng Man United của Mourinho đã có một trận thắng tưng bừng, cả về thế trận, sức ép lẫn tỷ số trước Leicester. Nhưng liệu trận thắng trước ĐKVĐ Premier League có là "cơn mưa rửa đền", báo hiệu một chặng đường phơi phới phía trước cho cả Quỷ đỏ thành Manchester lẫn "Người đặc biệt"? Chưa chắc.
Man United ghi đến 4 bàn vào lưới Leicester chỉ trong vòng có 20 phút, quyết định trận đấu ngay trong hiệp thi đấu đầu tiên. Quá kinh khủng! Nhưng 4 bàn thắng đấy đến từ đâu?
Ba trong số 4 bàn thắng đến từ những quả phạt góc. Nói chính xác hơn, nó đến từ sai lầm của hàng phòng ngự Leicester, chứ chưa hẳn là sự xuất sắc trong lối chơi tấn công của Man United. Không ai phủ nhận Man United chơi tấn công cực hay trận này, nhưng tấn công hay như thế mà chỉ ghi được có 1 bàn, thì nên mừng, hay nên lo?
Man United vừa thắng tưng bừng, nhưng nỗi lo hàng công vẫn còn nguyên đó.
Công bằng mà nói, Man United có không ít cơ hội để sút tung lưới thủ thành Zieler, rõ rệt nhất là của Rashford và Ibrahimovic, nhưng hai "sát thủ" đá cao nhất của Man United đều bỏ lỡ đáng tiếc. Những cơ hội như thế, ở một trận đấu khác, có thể là mấu chốt quyết định thắng thua.
Từ ngày 18 đến 27/10 tới, trong vòng 10 ngày, Man United sẽ phải đá đến 4 trận, trong đấy có đến 3 trận "nặng như cối đá" trước một Liverpool đang bay cao với Klopp, một Chelsea của Conte đang khát điểm và một Man City của Pep đang độc bá Premier League với 6 chiến thắng tuyệt đối.
Giờ đây, khi Mourinho đã có toàn quyền quyết định với Rooney, cũng như sự ủng hộ của dư luận và cổ động viên, chẳng gì có thể còn biện hộ được cho một kết quả không tốt nữa. Tài năng thực sự, hay chỉ còn danh hão; thành công hay thất bại chỉ quyết định ở mỗi lúc này thôi đấy, Mourinho!
Premier League 2016/17: Man United 4-1 Leicester